Thế giới
Thứ tư, 1/11/2023, 15:42 (GMT+7)

Cuộc sống dưới bom đạn của người dân Gaza

Trẻ em nhặt nhạnh giấy bìa để nhóm lửa, người lớn xếp hàng chờ mua bánh mì, lấy nước, trong khi bom đạn liên tục dội xuống Dải Gaza.

Người Palestine đi bán nước bằng xe ngựa ở Khan Younis, miền nam Dải Gaza, ngày 31/10.

Người dân Gaza ngày 31/10 tiếp tục trải qua một đêm mất ngủ do các đợt không kích của Israel. Israel liên tục không kích Dải Gaza từ ngày 7/10, để trả đũa vụ tập kích bất ngờ của Hamas. Khu vực bị tàn phá trên diện rộng.

Người dân mang can chờ lấy nước ở Gaza City, miền bắc Dải Gaza ngày 31/10.

Theo cơ quan truyền thông Hamas, hơn 18.000 tấn chất nổ đã rơi xuống vùng lãnh thổ từ 7/10. Trong ba tuần qua, "mỗi km đường phố ở Gaza hứng chịu 50 tấn chất nổ". Hơn 8.500 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có hơn 3.500 trẻ em; 1.870 người mất tích dưới đống đổ nát, trong đó có 1.020 trẻ em.

Người đàn ông nghe tin tức từ đài cát xét cầm tay trên đường phố Rafah, miền nam Dải Gaza, ngày 31/10.

Các lãnh đạo Israel cam kết sẽ "đè bẹp" Hamas để trả đũa vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10, khiến hơn 1.400 người Israel thiệt mạng, đa số là dân thường, và 240 người bị bắt làm con tin.

Nhóm thanh niên dùng xe ngựa chở đồ đạc ở Gaza City ngày 31/10.

Bom đạn Israel đã san phẳng nhiều khu định cư và nhắm vào một số trại tị nạn đông dân. Trong trại tị nạn Shati ở phía tây Gaza City, Ahmad Ghaben đứng trước một địa điểm trúng bom, nơi từng có nhà cửa san sát.

"Toàn bộ khu vực đã bị san phẳng", anh nói. "Trẻ em, người già, đều thiệt mạng. Cả nhà Abu Mohammed al-Jabari, Abu Mohammed Abdelsamad đã chết. Gia đình Hasouneh có người già đau ốm. Ba quả tên lửa dội xuống chúng tôi. Israel nghĩ chúng tôi là lính ư? Chúng tôi chỉ là thường dân".

Israel khẳng định những cuộc tập kích trại tị nạn nhằm vào các mục tiêu Hamas. Nước này cáo buộc Hamas bố trí các kho vũ khí và cứ điểm tại khu vực dân sự, sử dụng dân thường làm "lá chắn sống" để khiến "cộng đồng quốc tế đổ lỗi cho Israel".

Các bé trai chặt củi từ một gốc cây đổ ở Rafah ngày 31/10.

Trong các siêu thị, kệ trưng bày hàng hóa trống rỗng sau khi Israel áp đặt lệnh bao vây toàn diện Dải Gaza, hạn chế nguồn cung nước, thực phẩm, nhiên liệu, điện và kết nối Internet. Các nhóm viện trợ và Liên Hợp Quốc cảnh báo thời gian sắp hết đối với 2,3 triệu người Palestine ở Dải Gaza đang sống trong cảnh thiếu thốn.

Một gia đình đi sơ tán trên chiếc xe tồi tàn ở Gaza City ngày 31/10.

Bolivia cắt quan hệ ngoại giao với Israel để lên án chiến dịch tấn công Gaza. Qatar cảnh báo cuộc tấn công mở rộng sẽ làm "suy yếu các nỗ lực hòa giải và giảm leo thang". Arab Saudi cũng chỉ trích các đợt tấn công của Israel.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ lời kêu gọi quốc tế về lệnh ngừng bắn nhân đạo. Ông cho rằng ngừng bắn "giống như Israel đầu hàng Hamas, đầu hàng chủ nghĩa khủng bố, đầu hàng sự man rợ".

"Lệnh ngừng bắn chắc chắn không bao giờ xảy ra", ông nói.

Em bé cầm trên tay chiếc bánh mì vừa nướng trong một con hẻm ở Rafah ngày 31/10.

Giới chức Israel cho hay 70 xe tải chở hàng viện trợ đã được phép qua cửa khẩu ở Ai Cập để vào Gaza ngày 31/10. Đây là một trong những đợt viện trợ lớn nhất từ khi Mỹ đứng ra làm trung gian, nhưng vẫn chưa đủ.

Israel e ngại thực phẩm, nước và thuốc men tới Gaza có thể rơi vào tay Hamas hoặc các chuyến hàng viện trợ có thể che giấu vũ khí, thiết bị quân sự. Nhân viên Israel siết chặt kiểm tra xe tải viện trợ, khiến nguồn cung vào Dải Gaza "nhỏ giọt".

Bên trong một tiệm bánh mì ở Gaza City ngày 31/10. Các đợt không kích của Israel đã phá hủy ít nhất 10 tiệm bánh mì ở vùng đất này.

Trên đường phố Gaza City, người dân tìm kiếm nước sạch và xếp hàng dài ở các tiệm bánh. Những người khác tìm bình gas để nấu nước, một số bày đồ đem bán ở ven đường.

Người dân dùng củi nấu ăn trên đường phố Rafah ngày 31/10.

Người dân tụ tập quanh một trạm sạc điện thoại di động và ắc quy ở Rafah ngày 31/10. Nguồn điện lấy từ máy phát chạy bằng dầu.

Trẻ em ở Rafah nhặt nhạnh giấy bìa cáctông mang về nhà để nhóm lửa ngày 31/10.

Cậu bé nấu mì ăn liền trên bếp lò làm từ thùng tái chế ở Rafah ngày 31/10.

Ảnh: AFP/Al Jazeera