Chủ nhật, 5/1/2025
Thứ năm, 28/3/2019, 02:08 (GMT+7)

'Cuộc sống du mục' của người nuôi ong lấy mật ở rừng

Ong sống trong những chiếc thùng bằng gỗ giữa rừng cao su Gia Lai, được người dân chăm sóc mỗi ngày để lấy mật.

Cao su tại các nông trường ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai vào mùa thay lá cách đây gần một tháng. Trên đường dẫn vào thác Mơ, du khách sẽ bắt gặp hàng trăm chiếc thùng gỗ được người dân xếp đều tăm tắp như những hàng cao su cao vút.

"Cây cao su thay lá cũng là lúc vụ thu hoạch mật ong bắt đầu. Cuống lá cao su vào thời điểm này cho rất nhiều mật", một người nuôi ong có kinh nghiệm hơn 10 năm cho biết.

Ông Giang hiện 46 tuổi. Cách đây hơn 9 năm, ông bắt đầu nghề nuôi ong tại một nông trường cao su ở Ia Krai, huyện Ia Grai. Theo ông, cuộc sống của người làm nghề nuôi ong không khác gì "những kẻ du mục". "Cứ dăm ba tháng, tôi hay những người nuôi ong lại phải 'dời nhà' một lần. Hoa ở đâu thì chúng tôi phải mang ong đến ở chỗ đấy để ong dễ dàng lấy mật.", ông nói. Lán, nơi chủ trại ở, được dựng lên sát các thùng nuôi.

Những tổ ong được di chuyển trong đêm. Trại ong của ông Giang hiện có 300 thùng, đặt ở giữa một rừng cao su. Như nhiều nơi khác ở Tây Nguyên, ong tại trại này thuộc giống ong Ý. Đây là loài cho sản lượng mật cao.

Tuỳ theo từng mùa mà thời gian khai thác mật ong sẽ thay đổi. "Ong mạnh thì chăm khoảng 8 ngày là có thể thu hoạch, nhưng cũng có đàn mất 15 ngày mới có thể lấy mật".

Những chiếc thùng được sơn để bền hơn. Thường các tủ được người dân đặt ở nơi khuất gió để đàn ong không bị ảnh hưởng.

Mỗi thùng đều thiết kế một khe ở dưới để làm lối đi cho bầy ong.

Ông Giang kể, hiện mật tự nhiên còn rất ít nên mỗi ngày ông phải cho ong ăn. Thành phần của thức ăn được làm chủ yếu từ đường và đậu nành, giã nhuyễn và trộn đều với nhau.

Người nuôi sẽ dùng bình xịt khói tạo nên từ lá cây khô để đuổi ong bay ra khỏi đàn lúc cho ăn hoặc lấy mật.

Ong sau khi ăn no sẽ quay về tổ bên dưới để tạo mật. Theo ông Giang, trung bình khoảng 50 cầu ong cho ra gần 20 lít mật.

Mật ong của bầy nuôi trong rừng cao su thường có màu vàng nhạt, mùi thơm và vị ngọt dịu. "Khoảng 2 năm trở lại đây, giá mật bán ra rớt xuống gần một nửa. Nếu trước đây giá khoảng 60.000 đồng một lít, bây giờ chỉ còn hơn 40.000 đồng", ông Giang nói.

Gia Lai thu hút du khách bởi cảnh sắc núi rừng hoang sơ, văn hoá bản sắc của đồng bào Tây Nguyên và nét ẩm thực độc đáo. Mời bạn đọc đón xem loạt bài Khám phá những nẻo đường Gia Lai tại VnExpress mỗi ngày từ 25/3 đến 4/4.

Phong Vinh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net