"Trời quá nóng", Panagiotis Vahaviolos, chủ nhà hàng tại thị trấn Mystras, miền nam Hy Lạp, ngày 26/7 nói. "Trời quá nóng nên không ai muốn nhúc nhích".
Vào ngày nóng nhất trong đợt sóng nhiệt dài và khắc nghiệt nhất Hy Lạp, ông Vahaviolos trốn dưới bóng râm để tránh cái nắng gay gắt. Nếu có thể, ông hay bất kỳ ai ở đây đều không muốn ra ngoài khi nhiệt độ lên tới 44 độ C.
"30 hay 40 năm trước, cha ông chúng tôi thường thu hoạch vụ mùa vào thời điểm này", Vahaviolos nói, lắc đầu ngao ngán. "Bây giờ, chỉ thấy khách du lịch ở quảng trường. Dân địa phương đều trốn trong nhà".
Vahaviolos, 60 tuổi, dành phần lớn đời mình sống ở Mystras. Ban đầu ông giúp đỡ bố điều hành quán rượu ở quảng trường, sau đó tự mở quán riêng hơn 30 năm trước. Ông từng chứng kiến nhiều đợt nắng nóng, nhưng không đợt nào kinh khủng như những tuần qua.
"Tôi cho rằng chúng tôi đều bị điều hòa chiều hư rồi", ông cười nói, "nhưng đời tôi chưa từng nghĩ có ngày nóng như thế này".
Đỉnh điểm của đợt nắng nóng thứ ba, với nhiệt độ trên 40 độ C, diễn ra ngày 26/7 ở Hy Lạp. Hơn hai tuần sau khi hiện tượng thời tiết cực đoan đầu tiên xảy ra, ước tính 8,5 triệu người chịu nhiệt độ trên 41 độ C và 120.000 người đối mặt nhiệt độ 46 độ C. Các cơ quan khí tượng không loại trừ khả năng nhiệt độ tăng lên 47 độ C.
Bộ Lao động cấm làm việc ngoài trời vào buổi chiều. Các địa điểm khảo cổ cũng bị đóng cửa.
8h30, khi Panayiota Boursoula mở cửa hiệu thuốc duy nhất ở Mystras, cái nóng đã lên tới mức "gần như không thể chịu nổi". Tới 13h, gần 5 tiếng sau khi bật điều hòa, nhiệt độ trong cửa hàng khoảng 27 độ C.
"Không ai đi làm việc, chắc chắn thế. Tôi nghĩ cả đất nước Hy Lạp bây giờ đều như thế. Tạ ơn Chúa, sắp kết thúc rồi", cô nói.
Cơ quan ứng phó khủng hoảng khí hậu và đảm bảo dân sự Hy Lạp cho biết giới chức phải đối phó 400 vụ cháy rừng trong một tuần, sơ tán người dân khi cháy rừng tiến gần các khu nghỉ dưỡng, làng mạc, thị trấn. Nhiệt độ bắt đầu giảm từ 27/7, khi mưa lớn diễn ra ở nhiều khu vực.
Nắng nóng vừa là thảm họa kinh tế vừa làm thảm họa sinh thái. Cháy rừng hoành hành tại nhiều khu vực ở Hy Lạp trong hai tuần qua, sau ba đợt sóng nhiệt liên tiếp ở Địa Trung Hải. Thảm họa đã khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có hai phi công trên máy bay chữa cháy, và buộc giới chức phải mở đợt sơ tán quy mô lớn với khách du lịch ở đảo Rhodes cuối tuần trước.
Giới chức ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số khu vực cháy rừng ở Rhodes để đánh giá tổn thất. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cam kết bồi thường cho người dân bị thiệt hại, đồng thời cân nhắc đền bù cho khách du lịch bị ảnh hưởng, sau khi gần 2.0000 khách tháo chạy khỏi khách sạn ở Rhodes vào cuối tuần trong đợt sơ tán lớn chưa từng có tại Hy Lạp.
Jayne và Godfrey Wilkinson, hai giáo viên người Anh đã nghỉ hưu tới Hy Lạp sinh sống 6 năm trước, đang uống bia ở quảng trường Mystras. Họ cho hay đã trải nghiệm "luồng hơi nóng như lò sưởi" xuyên qua cửa sổ ôtô trong lúc lái xe tới các di tích lịch sử.
"Ngày 23/7, nhiệt độ ở Kalamata lên tới 45,5 độ C. Chúng tôi chưa từng trải qua cái nóng nào như thế", Godfrey nói. "Ở New Zealand, nơi trước đây chúng tôi sống, từng có lúc nóng tới 43 độ C. Ai cũng biết biến đổi khí hậu xảy ra từ 30 năm trước nhưng không ai nghiêm túc nhìn nhận. Nếu lên tiếng, bạn sẽ bị gọi là kẻ đoán mò. Thế mà bây giờ chúng ta đã tới tình cảnh này".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng nhân loại đang "ngồi trên chiếc ghế nóng bỏng" và những gì đang diễn ra khớp với những dự đoán và cảnh báo liên tục được nhắc đi nhắc lại.
"Điều ngạc nhiên duy nhất là tốc độ biến đổi khí hậu", ông nói. "Kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã hết. Kỷ nguyên đun sôi toàn cầu đã tới".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)