"Cửa sắt giữ đá lại, nhưng không ngăn được bùn non ồ ạt chảy vào nhà", ông Mật nói khi đang cùng vợ con dùng chậu tát nước ra khỏi vách tường, ngày 14/10.
Sau đợt sạt lở đất đá từ dự án cụm công nghiệp Cẩm Lệ (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) hơn nửa tháng trước, ông và những người hàng xóm phải thuê thợ xây vách tường gạch ngay dưới mái hiên để ngăn nước lũ vào nhà. Dù vậy trận lũ sáng nay nước quá lớn, vách tường không phát huy tác dụng.
Lội giữa sân ngập bùn đi xuống sau nhà kiểm tra kho lúa, ông Mật thắt ruột khi tài sản lớn nhất của gia đình - ba chum lúa đã bị ngấm nước. Các đồ dùng như tivi, tủ lạnh, máy giặt đều không thể hoạt động. "Chúng tôi không biết sinh hoạt, ăn uống sắp tới như thế nào", ông nói.
Theo ông Mật, từ khi cụm công nghiệp được khởi công cuối năm 2019, người dân bên cạnh dự án phải sống cảnh "nắng bụi, mưa bùn". 12 tháng qua, gia đình ông đã 10 lần dọn nhà vì lũ đổ xuống từ phía dự án. Nhiều người đã gửi đơn đến UBND thành phố kiến nghị khắc phục sự cố hoặc di dời dân đến nơi ở mới, nhưng chưa được hồi đáp.
Cạnh nhà ông Mật, bà Huỳnh Thị Hoa cũng luôn tay dọn dẹp đất đá, bùn non trên sàn nhà. "Tôi dọn miết từ sáng, cứ dọn xong bùn lại tràn vào, nhưng không dọn thì nó đông cứng thành từng mảng", bà Hoa nói.
Ba chum lúa lớn phía sau nhà bà Hoa đã bị ẩm nước dù trước đó chồng bà dùng nhiều tấm bạt cỡ lớn che chắn miệng chum. Bộ bàn ghế tiếp khách của gia đình giờ đây là nơi duy nhất cao ráo, chất mọi vật dụng trong nhà.
Hàng chục hộ dân sống trong con ngõ phía cuối dự án, thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, cũng chung số phận. Khu dân cư từng được xem là thế đất đẹp "tựa sơn vọng thủy" với phía sau là đồi núi, mặt trước hướng ra sông, bây giờ chỉ khiến họ lo âu khi quả đồi bị san đỉnh làm cụm công nghiệp.
Người dân sống trong các kiệt, hẻm ở đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) hai ngày qua phải sống trong cảnh nước ngập sâu đến một mét, điện mất. Bộ đội, công an phải di dời các hộ dân đến chỗ cao hơn.
Nhà ông Thuận cao tầng nên đêm qua đón 5 người từ con hẻm bên cạnh. Điện mất, 6 người lớn và cháu bé 5 tháng tuổi phải sinh hoạt dưới ánh sáng của chiếc đèn pin sạc. Có đồ ăn trong tủ lạnh, nhưng không thể nấu nướng.
12h ngày 14/10, anh Trần Ái Nguyên cố gắng lội nước lũ cao ngang ngực, ra gần Đại học Sư phạm Đà Nẵng mua bánh mì cho mẹ già 70 tuổi. "Nhà có gác xép nên chúng tôi chưa sơ tán, nhưng đồ ăn dự trữ thì đã hết", anh nói.
Chiều cùng ngày, những người dân TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, đang dọn dẹp nhà cửa, đồ dùng sau cơn lũ. Trần Công Phúc, 17 tuổi, trú đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường An Tây, TP Huế, tháo rời các bộ phận của chiếc Honda để sửa sau hơn một đêm ngâm nước. Trong căn nhà cấp 4, vốn thấp trũng nhất khu vực này, chiếc tủ lạnh vẫn được kê cao trên bàn, nhiều đồ đạc nằm ngổn ngang.
Lũ không còn xa lạ với người dân TP Huế, nhưng Phúc không ngờ trận mưa trưa 13/10 khiến nước đổ về nhanh, ngập qua cửa sổ. Phúc và mẹ phải chạy đua với lũ để di dời tài sản. Khi nước tràn vào nhà hơn một mét, hai mẹ con phải trèo lên gác lửng tránh. Con đường vào nhà nước chảy xiết, ngập sâu gần 2 m khiến bố và em trai Phúc không thể về, phải ở nhờ nhà người quen.
"Đêm qua, mẹ con tôi phải ăn mì tôm sống ở gác lửng vì nước ngập không thể nấu nướng. Một số vật dụng trong nhà cũng bị cuốn theo dòng lũ", Phúc kể.
Chị Nguyễn Thị Phượng (44 tuổi, mẹ Phúc) lo lắng "nếu đêm qua mưa lớn nữa thì hai mẹ con không biết làm sao. May là nước đến ngang cửa sổ rồi dừng lại", chị Phượng nói.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh và dải hội tụ nhiệt đới, từ ngày 10/10, miền Trung mưa lớn, trong đó tâm mưa là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Đến chiều 13/10, sau đợt mưa xối xả, hàng loạt tuyến đường, cụm dân cư ở hai địa phương này ngập 0,3-1 m, có nơi sâu 1,5 m.
Dự báo mưa to còn kéo dài đến ngày 16/10, riêng Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam mưa 300-500 mm, có nơi trên 800 mm. Cơ quan chức năng cảnh báo người dân đề phòng ngập lụt ở vùng trũng thấp, sạt lở đất ở vùng núi.
Nguyễn Đông - Võ Thạnh