Tháng tới, tôi sẽ bắt đầu học kỳ thứ tư với tư cách sinh viên quốc tế của Đại học Nam Kinh. Tôi là sinh viên năm hai, chuyên ngành Báo chí và là Phó chủ tịch Hiệp hội sinh viên Malaysia, trong khi tôi chưa từng đặt chân đến khuôn viên trường.
Dù lớn lên ở Malaysia, tôi được nuôi dưỡng bởi nền văn hóa Trung Quốc nên đã hướng đến mục tiêu học tập tại đây ngay từ trung học. Tháng 11/2019, tôi đăng ký vào Đại học Nam Kinh, một trong những trường hàng đầu Trung Quốc. Là một người yêu lịch sử và thích ẩm thực, tôi bị thu hút bởi vị trí của Đại học Nam Kinh hơn là danh tiếng học thuật của nó. Tôi háo hức khi có cơ hội học tại kinh đô của sáu triều đại, sắp được thử bánh bao, bún, các loại tráng miệng đầy màu sắc được gọi là gaotuan xiaodian.
Nhưng đến bây giờ tôi vẫn chưa được thử bất kỳ cái nào trong số chúng.
Vào thời điểm tôi nhận được thư trúng tuyển, thế giới đã chìm trong Covid-19. Tôi nhanh chóng được thông báo rằng sinh viên quốc tế tạm thời không thể đến Trung Quốc và sẽ tham gia các lớp học trực tuyến. Các trợ giảng và giáo sư đăng chi tiết lịch học để chắc rằng chúng tôi không bỏ sót điều gì.
Rõ ràng, đây không phải là cuộc sống đại học mà tôi đã tưởng tượng, dù phải thừa nhận rằng tôi khá thích cách học này, ít nhất là trong thời gian đầu. Năm nhất của tôi chủ yếu được định hướng là làm quen, thích nghi với đại học, nên tôi có thể ngủ muộn tùy thích, miễn là không nghỉ buổi nào.
Các nhân viên kỹ thuật và giáo sư luôn cố gắng hết sức để sinh viên có trải nghiệm tốt khi tham gia lớp học trực tuyến. Ví dụ, trong lớp học tự chọn tiếng Trung hiện đại, giáo sư cho chúng tôi đọc thơ, "gặp gỡ" nhau qua video call. Tất cả đều là những trải nghiệm quý giá và đặc biệt.
Tuy nhiên, học trực tuyến không phải là một trải nghiệm thú vị. Tôi cảm thấy mệt mỏi khi gặp phải những trục trặc về âm thanh, hình ảnh hay nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính trong nhiều giờ liên tục. Chưa kể, có những thứ không thể học trực tuyến được. Với chuyên ngành báo chí, chúng tôi cần được đào tạo thực tế, chứ không chỉ là kiến thức lý thuyết trong sách giáo khoa. Chúng tôi phải phỏng vấn ngoài thực địa, thu thập tin tức ở hiện trường mới phải. Thế nhưng, mọi thứ có thể làm chỉ là dựng một chân máy trong căn phòng chật chội, hướng ống kính vào bản thân và bắt đầu nói chuyện.
Việc này còn tệ hơn với những sinh viên chuyên ngành khoa học và kỹ thuật. Họ không chắc mình có thể hoàn thành các lớp thực hành vào thời điểm dự kiến tốt nghiệp hay không.
Trước tình hình đó, thật khó để không cảm thấy lo lắng và chán nản. Đáng lẽ tôi đang có một cuộc sống đại học thú vị, nhưng giờ chỉ quanh quẩn với học trực tuyến, thuốc sát khuẩn. Tôi đã phải kết nối với những người bạn Trung Quốc thông qua ứng dụng Wechat để có cái nhìn gần gũi hơn về cuộc sống của họ.
Tôi cũng đã tham gia Hiệp hội sinh viên Malaysia của Đại học Nam Kinh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của sinh viên quốc tế tại đây, đồng thời quảng bá trường đến những người Malaysia quan tâm tới du học. Trách nhiệm chính của tôi là quản lý các tài khoản mạng xã hội của hiệp hội, gồm cả việc trả lời các câu hỏi về Đại học Nam Kinh hoặc đăng những lời chúc tốt đẹp vào ngày lễ lớn. Mặc dù đây là thách thức đối với một người mới như tôi, đó cũng là cơ hội tốt để cải thiện nhiều kỹ năng.
Sang năm hai đại học, tôi vẫn ở lại hiệp hội và giữ vị trí phó chủ tịch. Mỗi tháng, chúng tôi lên kế hoạch cho các hoạt động trực tuyến thông qua Internet hoặc PowerPoint, nhằm kết nối và xây dựng kỹ năng cho các thành viên.
Dù khối lượng công việc khá lớn, vị trí này cho tôi cơ hội quen biết các sinh viên khắp Trung Quốc, Malaysia và nhiều nơi khác trên thế giới. Có lẽ do chúng tôi đều là "sinh viên trực tuyến" nên dễ dàng đồng cảm với hoàn cảnh và cảm nhận của đối phương. Chúng tôi còn lập một nhóm tên là "Những người giữ vị trí chủ nhiệm" để chia sẻ về cuộc sống và nỗi thất vọng của bản thân.
Trước khi bước vào học kỳ trực tuyến thứ tư, tôi không thể ngăn bản thân nghĩ về việc có nên nghỉ học hay không. Đôi khi, tôi cho rằng sẽ thiết thực hơn nếu dùng thời gian này để kiếm tiền thay vì chi tiêu cho các lớp học mà tôi không được trải nghiệm trực tiếp.
Với những khó khăn đang hiện hữu, chẳng có quá nhiều dấu hiệu hay hy vọng cho sinh viên quốc tế chúng tôi về việc có thể đến trường trong thời gian tới. Trung Quốc vẫn chưa mở đơn xin thị thực sinh viên, ngoại trừ những người đến từ Hàn Quốc. Hiệp hội sinh viên tốt nghiệp từ các đại học, cao đẳng của Trung Quốc đặt tại Malaysia liên tục thúc đẩy kế hoạch học trực tiếp tại đất nước tỷ dân, liên lạc với cơ quan ngoại giao, giao thông của Malaysia để gửi sinh viên sang Trung Quốc. Mục tiêu rất đơn giản: cho phép sinh viên quốc tế được học trực tiếp càng sớm càng tốt, nhưng tiến độ xem ra rất chậm.
Thế nhưng, bất cứ khi nào nghĩ đến việc từ bỏ, tôi lại động viên mình cố gắng thêm một thời gian nữa. Với tình hình Covid-19 ở Malaysia, việc đi làm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh của tôi. Chưa kể, nghỉ học một năm nghĩa là trì hoãn tốt nghiệp đến khi tôi 25 tuổi, độ tuổi mà hầu hết bạn bè cùng trang lứa đã thành danh trong sự nghiệp.
Trong hai năm qua, gần như chẳng có ai được sống cuộc sống tốt nhất mà vốn dĩ họ có. Chúng tôi không thể làm gì ngoài việc ngừng cố gắng, tiếp tục tiến về phía trước. Cuộc sống này phải tiếp diễn. Có một câu tiếng Anh mà tôi rất thích "Khi cuộc sống cho bạn những quả chanh, hãy làm nước chanh", ý nói hãy nghĩ mọi việc theo hướng tích cực.
Trong khi viễn cảnh quay trở lại trường học không chắc chắn, tôi vẫn cố gắng kết bạn. Chúng tôi trải qua nhiều điều cùng nhau và tôi luôn mong một ngày có thể gặp họ.
Gần đây, tôi thấy một bài đăng trên Zhihu, một nền tảng hỏi và trả lời của Trung Quốc, đề cập rằng sinh viên quốc tế có thể trở lại vào tháng 3. Ngày nào tôi cũng đọc lại bài đăng đó, hy vọng có một bản cập nhật mới và chi tiết hơn, cảm thấy tinh thần của mình được xoa dịu. Tuy nhiên vào tuần trước, tôi thấy bài viết đã bị xóa.
Tôi không có cách nào để biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng tôi không mất hy vọng.
Thanh Hằng (Theo Sixth Tone)