
Người lớn và trẻ em tụ tập trong một lều trú ẩn có bạt phủ. Ảnh: ST.
Ni Wayan Wati, một người dân đảo Bali, đang sơ tán cùng 4 cháu nội trong túp lều nhỏ dựng tạm sau khi núi lửa Agung phun trào hôm 26/11, cố tránh nước mưa và tro bụi độc rơi xuống từ bầu trời sau hàng loạt vụ phun trào, theo Straits Times.
Các đơn vị cứu hộ khẩn cấp tại Bali đang cố gắng cung cấp nơi trú ẩn cho những người phải sơ tán vì núi lửa. Số người phải di dời tăng nhanh sau khi hàng nghìn người buộc phải rời bỏ nhà cửa trước khi núi lửa phun.
Núi Agung bất ngờ phun trào cuối tuần trước, thổi khói dày đặc vào bầu trời khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ và hàng chục nghìn du khách mắc kẹt. Các vụ nổ dự kiến sắp xảy ra, thổi khí độc, bùn đất và tro bụi rơi xuống phía đông hòn đảo, khiến hơn 100.000 người đang sinh sống ở 22 ngôi làng trong "vùng nguy hiểm" rộng 10 km phải sơ tán.
Tới ngày 28/11, chính quyền mới sơ tán được 29.000 người như gia đình bà Wati tới 217 nhà tạm trú nằm ở rìa Karangasem, mũi phía đông hòn đảo. Ba ngày trước, bà và các cháu được di tản tới Rendang, một ngôi làng cách nhà cũ 5 km.

Một nửa lều trú ẩn dựng bằng cọc tre, chưa có bạt phủ. Ảnh: ST.
Nhà cũ của bà ở Banjar Besakih Kawan, một ngôi làng nằm trong những khu vực có nguy cơ bị xóa sổ nếu xảy ra phun trào lớn, theo tính toán của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia.
"Làng tôi đang bị tro bụi bao phủ, tôi rất sợ", bà Wati nói. "Chính phủ yêu cầu chúng tôi sơ tán, vì vậy chúng tôi đến đây".
Tuy nhiên, cuộc sống tại nơi sơ tán được dựng lên bởi các lều trạm trú không hề dễ dàng, đặc biệt khi mùa mưa đang tới. Lều dựng bằng cọc tre, một nửa chưa có bạt phủ. Đêm đầu tiên, mưa lớn trút xuống khiến nhiều gia đình ướt sũng.
Những người sơ tán giống bà Ni Nengah Ngarti và ông Gede Karya phàn nàn việc thiếu thốn tiện nghi cơ bản và kêu gọi chính quyền cứu trợ những mặt hàng thiết yếu như gạo, xà phòng, sữa, mặt nạ phòng độc.
"Tôi lo nhất cho các cháu nhỏ nhà tôi hít phải tro bụi núi lửa", ông Gede nói.
Chủ tịch huyện Rendang, ông Wayan Mastra cũng cho rằng nhu cầu mặt nạ rất khẩn cấp vì loại mặt nạ hiện nay người dân sử dụng không thể bảo vệ họ khỏi tro bụi.
"Thực tế, đây là loại mặt nạ duy nhất chúng tôi có và cũng là loại nhà nước phân phối", ông Mastra nói. "Chúng mỏng nhưng còn hơn là không có".
Ông giải thích nguồn cung thiếu hụt do số người phải sơ tán tăng đột ngột, lên gấp đôi tới 5.500 người.
"Nguyên nhân là khu vực bị ảnh hưởng đã mở rộng từ bán kính 6 km lên 7,5 km và giờ là 10 km. Do đó, số người sơ tán cũng tăng lên", ông bày tỏ, nói thêm hàng cứu trợ sẽ được bổ sung sớm.

Cán bộ địa phương ở Rendang đang ghi danh những người sơ tán. Ảnh: ST.
Lần gần nhất núi lửa Agung phun trào là năm 1963, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng. Các chuyên gia lo ngại vụ phun trào lần này sẽ khiến thảm họa tương tự lặp lại. Ngoài ra, tro bụi cũng có nguy cơ lan rộng ngoài phạm vi 10 km, giới chức khuyên người dân đeo mặt nạ để che mũi và miệng, bảo vệ mắt.
Gede Suantika, giám đốc Trung tâm Núi lửa và Giảm nhẹ Thiên tai dự kiến các vụ phun trào lớn hơn, mạnh hơn sẽ sớm xuất hiện ở núi lửa Agung.
"Magma đã ở sẵn trong miệng núi lửa, nhưng chúng tôi vẫn không chắc khi nào nó sẽ phun trào", ông nói.
Hồng Hạnh