Thoạt nhìn, Stephen Chng, 33 tuổi, trông giống bất cứ ai bạn gặp trên đường. Chng là kỹ sư hàng hải, sở hữu một chiếc ôtô và có cuộc hôn nhân hạnh phúc với bạn đời Faith suốt gần 5 năm qua. Nhưng có một phần đời mà Chng luôn muốn giấu, đó là anh phải vật lộn với việc đọc hoặc viết tiếng Anh.
Được đánh giá có trình độ đọc của một đứa trẻ tám tuổi, Chng gặp khó khăn khi đọc biển báo trên đường, nhãn thực phẩm và thậm chí cả tin nhắn văn bản. Chng cười bẽn lẽn khi nhớ lại lần đầu tiên hẹn hò với vợ. Thay vì "reply message" (tin nhắn trả lời), anh viết là "repple massage" (massage phục hồi).
Anh thường giấu giếm vấn đề của mình. Không ít lần, anh được vợ giúp đỡ khi phải đánh máy báo cáo. Lúc lái xe, anh dựa vào trợ lý Google Maps đọc to các biển báo cho mình. Chng chỉ có thể đọc được một vài bảng chỉ đường là tên các ga tàu điện ngầm anh thường xuyên gặp trên đường đi làm.
Chng là một trong khoảng 100 người tham gia series Write of Passage, kể về những người Singapore trưởng thành đã trải qua phần lớn cuộc đời mà không biết đọc hay viết tiếng Anh.
Singapore được biết đến là một trong những quốc gia sử dụng tiếng Anh nhiều nhất ở châu Á. Nhưng tỷ lệ mù chữ ở người trưởng thành lại lớn hơn mức hình dung. Theo Cục Thống kê, năm 2020, khoảng 283.000 người dân Singapore 15-64 tuổi không biết tiếng Anh.
Ông Jimmy Tan, 60 tuổi, bỏ học từ tiểu học và từng là một thành viên băng đảng, vào, ra tù hơn 20 năm qua. Được trả tự do cách đây gần hai năm, ông quyết tâm sang trang mới cuộc đời. Thế nhưng, thế giới bên ngoài nhà tù giờ đã khác và ông nhận ra mình mù chữ. "Singapore đã thay đổi," ông nói. "Các bảng chỉ dẫn đều bằng tiếng Anh".
Ở phần đời trước đây của Tan, mọi người nói tiếng Quan thoại hoặc Quảng Đông, không dùng tiếng Anh.
"Khi bạn nói chuyện bằng tiếng Anh, mọi người sẽ chê 'khoe khoang, kiêu ngạo'", ông nhớ lại. "Bây giờ ở Singapore, bạn nói chuyện với mọi người, mở miệng ra là bằng tiếng Anh".
Ông được đánh giá có trình độ đọc và viết của một đứa trẻ 7 tuổi. Cuối khóa học, ông hát một ca khúc bằng tiếng Anh - Amazing Grace, như một minh chứng cho hành trình chuộc lại lỗi lầm dài nhiều thập kỷ.
Không bị cách ly xã hội trong thời gian dài như ông Tan nhưng Maya, 40 tuổi, cũng gặp khó khăn với tiếng Anh. Ba năm trước, cô có thể đọc, viết và thậm chí nói bình thường. Nhưng sau cơn đột quỵ, cô mất khả năng làm tất cả điều này.
Tình trạng của cô được gọi là chứng mất ngôn ngữ, nghĩa là vùng não xử lý khả năng đọc viết bị tổn thương. Khoảng 1/3 người bị đột quỵ rơi vào tình trạng này. Mặc dù không thể hồi phục tổn thương, nhưng liệu pháp ngôn ngữ có thể giúp người bệnh lấy lại một số khả năng giao tiếp.
Cũng có những người khác đã hoàn thành chương trình tiểu học và học lên cao hơn. Theo giáo trình của Bộ Giáo dục, họ có thể đọc, tương tác, phản hồi và phân tích được các tình huống trong đời sống hàng ngày.
Chng nhớ những năm tháng đi học với điểm kém trong các bài kiểm tra. Chng nhiều lần bị giáo viên khiển trách, thậm chí biến anh thành trò cười trước lớp. Điều đó khiến anh luôn cảm thấy xấu hổ khi ở trong lớp học.
"Mỗi khi bài học bắt đầu, tôi sẽ tự động đi ra ngoài", Chng nói. Việc này xảy ra suốt 8-9 tháng thời tiểu học. Chính môn Toán đã vực dậy Chng, giúp anh có bằng cao đẳng bách khoa.
Nhà trị liệu giáo dục Rachel Toh cho biết, học sinh trong trường được luyện đọc và viết chính tả thường xuyên, và điều này giúp các em vượt qua các kỳ thi. Nhưng ở nhà, chúng không có môi trường tiếp xúc với tiếng Anh.
"Không phải nhà nào cũng có tạp chí hay sách, truyện. Khi bạn không tiếp xúc với từ vựng thường xuyên, nó sẽ không lưu lại trong bộ nhớ dài hạn", Toh nói.
Từ đó, việc đọc sách trở thành một việc vặt. Điều này có nghĩa dù bắt gặp các từ trong cuộc sống hàng ngày, mọi người có xu hướng bỏ qua chúng. Nhưng những người không biết đọc và viết có thể bù đắp bằng những tính cách khác.
"Bạn không thể đọc nhưng bạn có thể hùng biện và được lòng bạn bè bởi sự chân thành, hào phóng", Toh cho hay.
Tng Xiao Ling, 35 tuổi, là một người như thế. Cô có thể nói tiếng Quan Thoại ở nhà nhưng không mấy khi cầm sách, truyện và ít chú ý ở trường. Cô giấu khả năng ngôn ngữ của mình sau nụ cười. Ling vui tính, thường tự cười bản thân khi phát âm sai một từ.
"Nếu mọi người cười về tiếng Anh của tôi, tôi chỉ cười lại với họ", cô nói.
Được đánh giá có khả năng đọc của một đứa trẻ 7 tuổi, Ling tham gia chương trình với hy vọng giúp con gái Yingxin kiểm tra chính tả.
"Tôi cảm thấy bất lực khi không biết dạy con ra sao", Ling chia sẻ.
Jegathasan Pushpangathan, 40 tuổi, cũng phải tìm nhiều cách để khắc phục khó khăn trong việc nhận ra các từ đơn lẻ. Thời điểm chương trình phát sóng, anh làm công việc điều hành đồ ăn, thức uống tại một nhà hàng của khách sạn trong 15 năm và thường xuyên nhận đơn đặt hàng, đặt chỗ trước của khách.
Pushpangathan có một "ngôn ngữ bí mật", đó là khi khách gọi những chiếc bánh quế (waffles), anh sẽ viết ngệch ngoạc từ "wewk" lên sổ tay.
"Tôi sẽ viết những chữ cái tiếng Anh mà chỉ tôi mới hiểu. Đó là lý do tôi không chia sẻ những gì mình viết", Pushpangathan tiết lộ.
Cấp trên của Pushpangathan mô tả anh là một nhân viên tốt, hình mẫu cho các đồng nghiệp trẻ và muốn thăng chức cho anh. Nhưng bản thân Pushpangathan cũng do dự.
"Nếu sếp muốn thăng chức cho tôi, tôi cần gửi email... Tôi thậm chí không thể làm thẻ đồ ăn, làm sao tôi có thể viết email?", Pushpangathan than thở.
Những người tham gia chương trình như ông Tan, Chng, Ling hay Pushpangathan được kết hợp với các chuyên gia để được đào tạo một kèm một trong 12 tuần. Họ học những kiến thức cơ bản, như ngữ âm và cách chia nhỏ các từ để giúp việc đọc dễ dàng hơn. Chương trình cũng có nhiều thử thách để giúp họ thể hiện bản thân tốt hơn và xây dựng sự tự tin.
Là người tham gia lớn tuổi nhất, ông Tan vật lộn với các bài học và nhận ra thật khó để thực hành khi còn bận rộn với công việc của một giám sát vệ sinh. Tng thì đối mặt với rào cản từ gia đình khi chồng cô luôn thắc mắc học tiếng Anh ở tuổi này làm gì. Pushpangathan cũng có nhiều năm tự hỏi vấn đề của mình là gì. Anh từng mất tiền đi học tiếng Anh nhưng sau 6 tháng không thấy cải thiện nên bỏ. Đến với chương trình, anh phát hiện ra mình mắc chứng khó đọc (Dyslexia).
Các thành viên đã hoàn thành khóa học của mình vào tháng 8 và cho thấy sự tiến bộ đáng kể. Chng đã viết một bức thư cho vợ, có thể viết báo cáo khi đi công tác nước ngoài mà không phải gọi điện về cầu cứu cô. Còn ông Tan đứng hát tiếng Anh trước mọi người và đã có thể dịch được các bài báo tiếng Anh cho mẹ nghe. Tng giờ cũng đã tự tin hơn khi sử dụng tiếng Anh trong đời sống hàng ngày và vẫn tiếp tục học với chuyên gia.
Bình Minh (Theo Channel News Asia)