Thứ sáu, 22/11/2024
Thứ bảy, 17/8/2024, 14:32 (GMT+7)

Cuộc sống của người Israel giữa căng thẳng với Iran

Người dân Israel vẫn đi tắm biển, kinh doanh buôn bán như bình thường, dù lo ngại nguy cơ chiến tranh từ lời đe dọa trả đũa của Iran.

Người đàn ông bày bán đồ gia dụng trước cửa hàng ở phố chợ trời tại Haifa, thành phố lớn nhất miền bắc Israel, ngày 15/8.

Với hơn 265.000 người sinh sống ở Haifa và 300.000 người ở các tỉnh lân cận, khu vực này trở thành đô thị sầm uất, nằm cách biên giới Lebanon khoảng 30 km. Lực lượng Hezbollah, đồng minh thân cận của Iran, gần đây tăng cường các cuộc tấn công bằng rocket vào các mục tiêu ở miền bắc Israel, trong đó có thành phố Haifa.

Hai người chơi cờ vua trong một quán cà phê ở Haifa.

Thành phố còn là cảng biển lớn nằm ở phía đông Địa Trung Hải, nơi đặt nhiều trường đại học lớn và là trung tâm công nghệ, lọc dầu, hóa chất, dệt may... của Israel. Cư dân Haifa e ngại các nhà máy lọc dầu lớn nhất Israel, những bồn chứa nhiên liệu khổng lồ và nhà máy hóa chất, sẽ kích hoạt vụ nổ khổng lồ nếu trúng không kích của Hezbollah.

Ký ức về cuộc chiến năm 2006 vẫn còn in đậm trong ký ức người Haifa, khi Hezbollah liên tục nã rocket về phía thành phố, biến nhà cửa thành đống đổ nát và hàng chục người thiệt mạng.

Người đàn ông đi tắm biển ở Haifa, phía xa là tàu ngầm Israel đang ở trạng thái nổ.

Patrice Wolff, 58 tuổi, cư dân Haifa, ngày 10/8 trả lời phỏng vấn AFP, cho hay mọi người đều ý thức được một vụ nổ lớn ở nhà máy lọc dầu có thể gây thiệt hại tới nhường nào và hy vọng mọi chuyện không xấu tới mức đó.

"Chúng tôi đều ý thức rõ ràng về nguy cơ và biết phải làm gì nếu chuyện xấu xảy ra. Chúng tôi được lực lượng phòng vệ dân sự hướng dẫn cách xử lý", ông nói. "Chúng tôi hy vọng mọi chuyện không tới mức đó nhưng Haifa rất dễ bị tổn thương bởi nằm rất gần Lebanon".

Người bán trái cây và rau quả trong một khu chợ ở Haifa.

Căng thẳng gia tăng cùng lời đe dọa tấn công của Iran nhằm trả đũa vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát ở Tehran khiến khách du lịch tới Haifa giảm mạnh. Nadia Abu-Shaker, chủ một nhà hàng gần cảng, cho biết "bây giờ rất ít khách du lịch, việc làm ăn rất chậm".

"Nhiều người sợ, không dám ra khỏi nhà, không dám đi xa", bà lý giải.

Tuy nhiên, nguy cơ bị tấn công không làm Abu-Shaker nao núng. Bà đã trải qua các trận không kích của Hezbollah năm 2006 và 1991, khi tên lửa bắn trúng nhà.

"Tôi không sợ. Tôi sống gần cảng, tại nhà hàng. Nếu có chiến tranh, tôi không sợ vì biết Chúa sẽ bảo vệ chúng tôi", bà nói.

Người nhà con tin bị Hamas giam giữ tại Dải Gaza cùng người ủng hộ đeo băng bịt mắt, yêu cầu thả con tin tại Tel Aviv, khi các bên trung gian tổ chức vòng đàm phán mới với hy vọng đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến ở Gaza và trao trả con tin giữa Israel và Hamas.

Israel và các nhà trung gian Mỹ, Ai Cập, Qatar đã tham gia vòng đàm phán ở Doha ngày 15-16/8. Hamas không tham gia trực tiếp nhưng đã được thông báo về tiến trình.

Vòng đàm phán khai mạc ở Doha được coi "cơ hội cuối cùng" để các bên đạt được lệnh ngừng giao tranh ở Dải Gaza, trước khi tình hình diễn biến phức tạp hơn nếu Iran tung đòn tấn công Israel, nhiều khả năng với sự phối hợp của Hezbollah. Các nhà đàm phán sẽ tiếp tục họp tại Cairo vào tuần tới.

Một quán bar-cafe nhìn ra Địa Trung Hải tại cảng cũ Jaffa, khu vực sinh sống của người Do Thái và Arab tại Tel Aviv, ngày 5/8.

Tại Tel Aviv, các quán cà phê ồn ào đầy khách quen và ô dù mọc trên bãi biển đông đúc, gợi cảm giác kỳ lạ về một khu vực đáng lẽ phải ngập tràn lo lắng và sợ hãi khi đang đứng trên bờ vực chiến tranh toàn diện.

Người theo Do Thái giáo Chính thống cầu nguyện trong lễ thánh Tisha B'Av tại Western Wall (Bức tường phía Tây), thánh địa linh thiêng nhất của Do Thái giáo, tại thành cổ Jerusalem ngày 13/8.

Thành cổ là khu vực rộng 0,9 km2, vây quanh là tường thành, nằm trong lòng thành phố Jerusalem hiện đại ngày nay. Thành cổ Jerusalem là nơi đặt nhiều địa điểm tôn giáo quan trọng như Núi Đền và Bức tường phía Tây của Do Thái giáo, Nhà thờ Mộ Thánh của Kitô giáo và Đền mái vòm đá cùng Giáo đường Al-Aqsa của Hồi giáo. Khu vực này được công nhận là Di sản thế giới UNESCO năm 1981.

Người đàn ông đeo súng bế con tại lối vào Thành cổ Jerusalem ngày 11/8.

Sau vụ đột kích của Hamas hồi cuối năm ngoái, Bộ An ninh Nội địa Israel nới lỏng quy định về cấp phép cho người dân mang súng. Bất cứ ai từng làm tình nguyện viên trong cơ quan khẩn cấp, cũng như những công dân trên 21 tuổi từng phục vụ hai năm trong quân đội đều được phép mang súng nơi công cộng.

Nhiều người Israel hiện nay luôn mang theo súng khi ra khỏi nhà. Súng hiện diện ở khắp nơi, cửa hàng, siêu thị, quán cà phê cho đến sân chơi trẻ em. Ước tính số người đủ tiêu chuẩn sở hữu súng ở Israel đã tăng gấp ba từ khi Bộ An ninh Nội địa nới lỏng quy định.

Cảnh sát Israel kiểm tra hiện trường một vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái ở Nahariya ngày 6/8.

Nahariya nằm ở phía tây vùng Galilee, cách biên giới Lebanon chỉ vài km. Hàng chục nghìn người Israel sống gần biên giới đã sơ tán ngay khi cuộc chiến bắt đầu ở Dải Gaza, nhưng tại Nahriya, người dân vẫn ở lại. Điều này khiến thành phố biến thành một biên giới mới, mặt trận mới, theo Massad Barhum, giám đốc Trung tâm Y tế Galilee, nơi đã chuyển cơ sở vật chất của bệnh viện xuống lòng đất.

"Chiến tranh sẽ nổ ra ở đây đầu tiên. Tên lửa sẽ bắn xuống nơi này", người đàn ông 64 tuổi nói hồi cuối tháng 7, cho hay bệnh viện có thể "chống chọi trong 7 ngày" mà không cần liên lạc với thế giới bên ngoài.

Ảnh: AP