Thứ ba, 3/12/2024
Chủ nhật, 20/8/2017, 00:00 (GMT+7)

Cuộc sống của người Chăm trong chung cư ở Sài Gòn

Hơn 20 năm nay, cộng đồng gần 200 người Chăm sống tại chung cư ở quận Bình Thạnh (TP HCM) vẫn lưu giữ phong tục, tập quán sinh hoạt riêng.

Chung cư 86/1, đường Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh, TP HCM) hơn 20 năm nay là nơi sinh sống của cộng đồng người Chăm. Theo Ban quản lý chung cư, có khoảng 200 người Chăm, chiếm gần nửa số hộ dân ở đây.

Người Chăm sống ở chung cư vẫn giữ những bản sắc văn hóa riêng của dân tộc. Họ theo đạo Hồi, người phụ nữ dù ở trong nhà hay ngoài đường thì đầu vẫn trùm khăn che kín. "Chúng tôi chỉ không trùm đầu khi tắm rửa, đi ngủ hoặc bỏ khăn nếu có sự đồng ý của chồng, cha", bà Sophia (50 tuổi) cho biết.

Theo bà Sikho (69 tuổi), người Chăm ở đây đều có nguồn gốc từ Châu Đốc, An Giang, lên Sài Gòn sinh sống từ thời thuộc Pháp. Trước kia, mọi người sống tập trung quanh bờ kênh Thị Nghè, khi khu này bị giải tỏa thì họ được sắp xếp ở chung cư từ năm 1995. "Ngoài ở đây, cộng đồng Chăm còn sống nhiều ở quận 8, khu Nancy, Phú Nhuận...", bà cho biết.

Đàn ông thường mặc đồ dài hoặc quấn xà rông, đầu đội mũ. Để phục vụ cho việc hành lễ Hồi giáo, cộng đồng người Chăm ở đây dành một căn hộ tầng trên cùng làm thánh đường.

Mỗi ngày, những người đàn ông Chăm đều lên thánh đường đọc kinh Koran - một phần trong hành lễ. "Trong lúc cầu nguyện không ai được chạm vào nhau và chỉ được nghĩ đến thượng đế. Người nào phát sinh tạp niệm thì họ sẽ mang tội", ông Mohamah giải thích.

Những đứa trẻ Chăm từ khi sinh ra đã được cha mẹ hướng theo đạo Hồi.

Chỉ tay vào đồng hồ có 6 múi giờ, anh Karim (32 tuổi) giải thích: "Những đồng hồ này để chỉ thời gian cầu nguyện bắt buộc mỗi ngày 5 lần. Còn đồng hồ ở giữa chỉ giờ hành lễ thêm. Riêng khu vực thánh đường, chỉ có đàn ông mới được đến làm lễ, phụ nữ bị cấm tuyệt đối. Đến tháng ăn chay Ramadan thì phụ nữ mới được đến thánh đường".

Bà Mariyah (49 tuổi) cho bết mẹ ruột mới qua đời. "Mẹ tôi là người Kinh nên lấy chồng phải đổi tên, cải sang đạo Hồi. Còn khi lập gia đình thì đàn ông phải ở nhà vợ. Ở chung cư này, hầu hết gia đình nào cũng từ hai thế hệ trở lên", bà nói.

Theo đạo Hồi nên người Chăm không dùng đũa và ăn bằng tay. 

Phụ nữ Chăm khi lấy chồng sẽ không phải làm bất cứ việc gì. Nhưng theo thời gian, người phụ nữ cũng làm thêm công việc ở nhà như mở tiệm tạp hóa, may mặc, bán hàng... Người trẻ hơn thì đi học, đi làm công ty. 

Chung cư người Chăm nhộn nhịp nhất vào khoảng thời gian sáng sớm và chiều tối. Mọi người hay ngồi hành lang trò chuyện để gắn chặt tính cộng đồng. "Hôm nay tôi có mấy bộ quần áo, trang sức mang từ Châu Đốc lên và bán rẻ cho mọi người. Ở Sài Gòn rất khó để kiếm được trang phục truyền thống", bà Maryrăm nói.

Mỗi tối, lớp học tiếng Chăm tại chung cư lại sáng đèn để giúp trẻ em, phụ nữ, người già không quên tiếng mẹ đẻ, văn hoá dân tộc. "Trẻ nhỏ thì học nói tập viết, người lớn thì học kinh Koran mà còn bảo tồn văn hóa dân tộc chứ. Lớp học miễn phí, mở cũng được hơn 20 năm rồi", thầy Mohammad Amin (59 tuổi) bộc bạch.

Quỳnh Trần