Trưa cuối năm, trong căn nhà nằm ở cuối thôn Phú Thọ, thị xã Tân Phong (thôn Tân Đa, xã Quảng Tân cũ), huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Kế, 60 tuổi, bê mâm cơm đặt xuống chiếu. Cơm chỉ có món rau luộc với cá kho, hai mẹ con ăn nhưng có đến hai bát nước chấm. Một bát mắm thường là của cụ Trịnh Thị Hẩy, 84 tuổi, mẹ ông Kế, còn bát mắm ớt "đỏ lè" là của ông.
"Gần hai năm đoàn tụ với gia đình, tôi dần quen với cuộc sống mới, nhưng cái khoản ăn cay như thời còn ở Thái Lan thì chẳng tài nào bỏ được", ông kể với khách bằng giọng địa phương.
Tháng 4/1978, chàng thanh niên Nguyễn Văn Kế lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện ở Nông Cống, anh được biên chế vào Sư đoàn 442 và tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam. Đến khi hòa bình lập lại, đồng đội cùng huyện đều trở về, nhưng nhà cụ Hẩy vẫn bặt tin con. Khi gia đình nhận được giấy báo tử, chiến sĩ Nguyễn Văn Kế được phong là liệt sĩ theo diện "mất tích trong chiến tranh".
Suốt 34 năm, gia đình cụ Hẩy lập bàn thờ, thắp hương vào dịp 27/7, không hề biết, ở Thái Lan, ông Kế đang một mình sống đời lang bạt.
Năm 2017, ông Kế đang đi nhặt ve chai, tình cờ nghe một người đàn ông nói tiếng Việt, ngôn ngữ mẹ đẻ bị phong kín lâu ngày bật ra trong trí não. Ông kể từng là một người lính, quê ở đội 16, Quảng Tân, Quảng Xương, Thanh Hóa, tha thiết tìm gia đình.
Từ những thông tin đó, người đồng hương đăng thông tin lên mạng xã hội. Chỉ ít ngày sau, gia đình cụ Hẩy kết nối được với người con tưởng đã hy sinh. Đầu tháng 10, ông Kế về nước, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và người thân.
Ông kể, sau khi vào chiến trường, ông bị quân Pôn Pốt truy bắt khi đang điều trị sốt rét ở một bệnh xá quân y dã chiến. Trốn được ra ngoài, ông lang thang, làm thuê kiếm sống, sau đó lưu lạc từ Campuchia sang Thái Lan. Trí nhớ nhập khoạng, nhưng ông Kế luôn đau đáu được trở về quê nhà.
"Tôi sợ thời gian sẽ khiến ký ức về gia đình ngày càng mai một. Vậy nên tôi hay lấy giấy bút ra viết, để không quên tiếng mẹ đẻ, không quên lai lịch của mình. Nhưng đầu óc chỉ cho phép tôi nhớ mình quê Thanh Hóa, không biết là người Việt Nam, cho đến khi gặp anh đồng hương", ông nói.
Con về nước, cụ Hẩy hạ bát hương, di ảnh, trả bằng Tổ quốc ghi công lại cho chính quyền. Trợ cấp Mẹ Việt Nam anh hùng hàng tháng cũng không còn.
Những ngày đầu, ông Kế nói không sõi tiếng Việt. Khách đến nhà chơi, hỏi chuyện nhiều, ngôn ngữ mẹ đẻ hạn chế, ông chuyển sang nói tiếng Thái Lan, tiếng Campuchia. Thỉnh thoảng bí từ, ông phải lôi giấy bút ra diễn đạt lại.
"Năm ngoái giỗ ông nhà tôi, nó xung phong vào bếp nấu ăn, nhưng nấu ngọt quá, cả nhà chẳng ai ăn được", cụ Hẩy ngồi bên góp chuyện. Quen dùng thìa, cơm, thức ăn đều dồn vào một đĩa, nên ông mất hai tháng mới cầm thạo đũa. Vẫn giữ thói quen không mời, chào trước khi ăn, hồi đầu, ông bị mẹ giận vì vô lễ. Phải mất nửa năm, ông mới có cảm giác ngon khi ăn các món quê nhà.
Chuyến một mình xa nhà nhất của ông Kế kể từ ngày về nước đến nay là chạy xe máy đi dạo dọc Quốc lộ 1A dịp cuối năm 2018. Lần đó, vì tò mò không khí Tết quê, ông mượn xe máy, phóng vèo vèo. Đang đi cách nhà khoảng 10 km, ông bị công an "tuýt còi" vì đi trái đường.
"Tôi vẫn giữ thói quen tham gia giao thông ở Thái Lan. Dừng xe, tôi cởi mũ thì anh công an bảo ‘Hóa ra là bác Kế liệt sĩ. Bác chưa được phép tham gia giao thông đâu nhé’, rồi các anh ấy chở tôi về", người đàn ông vốn lặng lẽ kể với vẻ hài hước.
Sau lần đó, ông Kế về học lại luật giao thông. Mấy người anh em họ đi trước hướng dẫn đường, còn ông chạy rè rè phía sau cho thạo hướng. Ra Tết, ông làm thẻ căn cước, xin đi công nhân.
Thế nhưng, đi làm, sinh hoạt lệch giờ, ăn uống không hợp khẩu vị, sức khỏe ông Kế ngày một giảm sút. "Quản lý nói nhanh nên tôi không kịp hiểu, mà diễn đạt cho người ta cũng khó, thành ra công việc không hiệu quả. Anh em liên hoan, tôi không biết uống rượu, cũng không quen đồ ăn, ít hào hứng nên khó thân với người ta", ông buồn kể. Làm bảo vệ được năm tháng, sức khỏe yếu, thích nghi chậm, ông Kế đành phải xin nghỉ việc.
Muốn giao lưu với hàng xóm, bạn bè, nhưng không hiểu "chuyện thời sự", nói được đôi ba câu, ông tự thấy mình lạc lõng. Hơn một năm nay, ông Kế bị lao phổi, xem bệnh viện là nhà.
"Mình có giao lưu bên ngoài mới mở mang được đầu óc, kết giao được với mọi người, mà tôi ốm đau, lạc lõng nên không bắt nhịp được. Tôi chỉ sợ mai này mẹ mất, sống một mình, sẽ buồn lắm", ông trầm ngâm nói.
Hiện, hai mẹ con ông Kế chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp tuổi già của cụ Hẩy và trợ cấp xã hội của ông, tổng hơn 700 nghìn đồng. "Hai mẹ con ông Kế sống tương đối chật vật. Chính quyền địa phương, làng xóm cũng quan tâm, ủng hộ tiền để ông ấy đi về đơn vị cũ xác minh, làm các thủ tục hưởng trợ cấp, nhưng chưa được", ông Nguyễn Văn Hùng, trưởng thôn Phú Thọ, nguyên Phó ban chính sách thị xã Tân Phong nói.
Dạo gần đây, cụ Hẩy hay lên xóm trên chơi, vì đã "chấm" một cô cho con trai, nhưng "người ta" vẫn chưa đồng ý. "Đến tuổi con tôi, thuận ra đã con cháu đề huề. Nó với tôi ít trò chuyện, nhưng nhiều lúc thấy con ngồi thẫn thờ, tôi biết nó cô đơn, nên cũng rầu trong lòng lắm", miệng nói, tay cụ Hẩy xua xua đàn gà năm con, đang mổ trụi luống rau trong vườn.
Phạm Nga