Ai đến làng Hòa Loan, xã Lũng Hòa, hỏi cụ Chạo 110 tuổi, không ít người vặn lại: "Cụ ấy 111 tuổi rồi". Cụ Chạo sinh năm 1904.
Căn nhà 2 tầng rộng rãi, khang trang nằm trên con dốc yên tĩnh. Cháu chắt đi công tác hết, trong nhà chỉ có cụ Chạo và vợ chồng ông Nguyễn Văn Thăng (con cụ Chạo). Tuy nhiên, nhà vẫn bố trí nhiều giường, có chăn đệm đầy đủ và những khoảng không gian rất rộng cho gia đình 6 thế hệ tụ họp vào những dịp lễ Tết. Nơi ngủ của cụ Chạo cạnh phòng khách, được ưu ái tới 2 giường, song cụ thích nằm trên chiếc giường cũ, lót tấm chăn mỏng. Đầu giường luôn đặt một hộp trầu, bình nước trà ủ ấm và con dao nhỏ gọt cau.
Gần trưa, ông Thăng gọi mẹ dậy ăn cơm. Cụ Chạo cựa mình, ứ ư vài câu như đứa trẻ. Phải đến lần thứ hai, ông Thăng nâng mẹ, bà cụ mới dậy nhưng vẫn úp mặt xuống gối ngủ lười. Ông già 75 tuổi ghé sát tai mẹ, nói lớn: "Bà ơi, ăn xôi hay cơm". Cụ đáp dõng dạc: "Tao ăn cơm thôi". Một bát cơm có rau, nem rán, thịt lợn rang được đặt vào tay cụ Chạo. Tuy mắt mờ nhưng tay cụ khỏe, liên tục xúc cơm đưa vào miệng và đặc biệt nhai cực nhanh dù không còn răng. Chỉ chừng 3-4 phút tô cơm đã hết veo.
"Mẹ tôi thường xúc vài thìa cơm cho vào miệng, đến khi phồng má lên mới nhai. Nhìn bà ăn cứ tưởng là đói lắm, nhưng thực ra do cuộc sống khổ sở trước kia đã ngấm vào người rồi", ông Thăng nói.
Sau khi ăn, cụ Chạo tự mò cốc nước ở đầu giường uống, rồi ngồi bổ cau. Với cau tươi, cụ vẫn tự nhằn rồi nhai được. Nếu cau khô, cụ cho vào cơi nghiền nát rồi mới ăn. Từ thời con gái, cụ đã nghiện ăn trầu, đến giờ ngay cả lúc ngủ, vẫn phải ngậm miếng trầu trong miệng.
Mỗi ngày cụ Chạo ăn 3 bữa chính, thích nhiều rau xanh, hạn chế thịt cá. Nếu ăn thịt, cụ rất thích gặm chân, cổ cánh gà, vịt. Ngoài bữa chính, cụ còn ăn nhiều bữa nhỏ là các đồ ăn vặt như bim bim, bánh quy, khoai, sắn và đặc biệt bỏng ngô. "Mẹ tôi thích ăn bỏng ngô nhất. Lúc mỏi lợi không nhai nữa thì mẹ cho vào cốc nước ngâm cho mềm mới nhỏ nhẻ nhai. Ngay cả ngô rang, mẹ tôi vẫn ăn được", ông Thăng cho biết thêm.
Sức khỏe của cụ Chạo cũng rất tốt, cả đời chỉ đau đầu, chóng mặt nhẹ chứ chưa từng ốm đau gì nặng. Con cháu biếu nhiều thuốc bổ nhưng cụ không thích uống. Lối sống sạch sẽ, ngăn nắp cũng ăn sâu vào người cụ. Ở tuổi này, bà cụ Chạo vẫn tắm rửa hằng ngày, và thường tắm nước lạnh. Những hôm trời rét căm căm, cụ mới đụng đến nước ấm. Cụ cũng tự giặt giũ, không hề phiền đến con cháu.
Tuổi già được kính hiếu, con cháu hết mực chăm sóc, nhưng cuộc sống khổ cực trước đây vẫn in hằn lên con người cụ. Sinh ra trong gia đình làm nông nghèo khổ, không biết lấy một chữ cắn đôi, 19 tuổi cụ kết hôn với một chàng trai cùng làng. 6 người con lần lượt ra đời nhưng cả 6 đều chết yểu. Người ta bảo số cụ phải nhận con rơi mới nuôi được con đẻ. Một lần cụ thấy bé gái bị bỏ rơi, ngẫm đến phận mình không con nên mang về nuôi. Những năm sau cụ sinh thêm được 2 con, một trai, một gái. Cả ba đứa trẻ vạ vật, ăn ngô, ăn khoai mà lớn lên.
Năm 1946, quân địch chiếm đóng vùng Hòa Loan. Chồng cụ bị bắt, tra tấn đến chết. Người vợ phải làm đủ nghề cực nhọc để nuôi các con từ cày bừa, cào cỏ, xay thóc cho đến nhá cơm thuê. Bà cụ chia sẻ: "Ngày xưa làm gì có bột, sữa như giờ. Trẻ con làng này lớn lên đều là nhờ cơm nhá của tôi hết. Từ nhà giàu, đến nhà nghèo người ta đều nhờ tôi nhá cho con họ".
Cơm nhá của bà chỉ cơm và thức ăn là một loại muối trắng đặc biệt. Để làm muối phải xúc nước cơm trộn với muối rồi bọc vào lá chuối, vo viên, nướng trên than hoa. Lúc nhai cơm, bà ăn một miếng cơm trắng, một chút muối. Lúc nhai, cụ xúc vài ba thìa cơm, phồng má lên rồi nhai nhanh, sau đó mớm cho trẻ. Chỉ có thế mà đám trẻ bụ bẫm, lớn lên. Cụ nhai cơm thuê nhiều năm, có nhà trả cụ vài xu, một hào, có nhà xem như giúp.
Người mẹ góa một nách 3 đứa con, lại mù chữ nên không ai nghĩ cụ nuôi giấu cán bộ ngay trong túp lều rách nát nhà mình. Suốt từ năm 1949 đến 1954, nhiều cán bộ chủ chốt sống trong nhà cụ. Bằng củ khoai, củ sắn, chút gạo tấm xay thuê được trả công, cụ đã nuôi bộ đội và các con mình. Có thời điểm, các cán bộ cách mạng đề phòng địch phát hiện trả thù đã mang con trai duy nhất của cụ là ông Thăng lên vùng tự do ở Lập Thạch để giữ lại máu mủ cho cụ. Năm 2001, cụ Chạo được trao tặng bằng khen của Thủ tướng vì những cống hiến cho cách mạng.
Bà Dương Thị Nhuận, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Hòa Loan cho biết, ở thôn có một quy định, những cụ từ 100 tuổi trở lên thì năm nào cũng được tổ chức đại thọ. 10 năm nay, cứ mùng 2 Tết là bà Nhuận cùng Hội người cao tuổi đến chúc thọ cụ Chạo. "Cụ ấy nhớ giỏi lắm. Thỉnh thoảng tôi vào thăm, tuy mắt không nhìn được nhưng tai cụ thính lắm, mới nói hết câu đầu cụ đã nhận ra tôi rồi. Ngày xưa có biết chữ đâu mà cụ ấy tính nhẩm nhanh đáo để", bà Nhuận cho biết.
Phan Dương