![cuoc-song-chui-ruc-trong-nha-o-chuot-tai-hong-kong](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/05/11/800-jpeg-5808-1494470863.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qtuR0Q_GYHWDaZYeTdOT7Q)
Chỗ ở như cái nhà kho của ba mẹ con Li. Ảnh: AP
Li Suet-wen luôn mơ về căn hộ có phòng ngủ và phòng khách riêng để hai con có chỗ chơi đùa và học tập. Thực tế, cô và các con đang sống trong một căn phòng bé tẹo, một trong 5 phòng được tách ra từ căn hộ nhỏ trong một chung cư cũ ở khu vực dành cho người lao động bình dân ở Hong Kong.
Theo AP, phòng rộng 11 m2, bên trong chật cứng bởi một chiếc giường tầng, ghế sô pha, tủ lạnh, máy giặt và một cái bàn nhỏ. Bên trái cửa ra vào là nhà vệ sinh kiêm nhà tắm, bên phải là bồn rửa bát và bếp. Quần áo treo lủng lẳng trên trần, khô nhờ đèn trần ống tuýp huỳnh quang phát sáng lờ mờ. Căn phòng gợi cảm giác như một cái nhà kho chứ không phải nơi để ở.
"Tại sao chúng ta luôn phải sống trong những căn phòng nhỏ như thế? Tại sao chúng ta không được sống ở nơi rộng hơn", đó là hai câu hỏi thường xuyên của con gái 8 tuổi và con trai 6 tuổi của Li.
"Tôi trả lời chúng vì mẹ không có tiền", bà mẹ đơn thân nói. Cô làm trong tiệm bánh, hơn một nửa thu nhập dùng vào việc trả 580 USD tiền thuê nhà và tiền ăn một tháng.
Tại Hong Kong, trung tâm tài chính giàu có ở châu Á, thuê nhà là một trong những vấn đề lớn nhất mà người lao động và chính phủ đang vướng mắc.
Dân số Hong Kong khoảng 7,3 triệu người, trong đó 200.000 người, bao gồm 35.500 trẻ dưới 15 tuổi, đang sống trong "căn hộ được chia nhỏ". Con số này tăng 18% so với 4 năm trước và không bao gồm hàng nghìn người đang sống tại những nơi như lều trên tầng thượng, căn hộ phân chia bằng lồng sắt và "nhà quan tài" là những buồng nhỏ bằng gỗ xếp chồng lên nhau.
![cuoc-song-chui-ruc-trong-nha-o-chuot-tai-hong-kong-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/05/11/nha-o-hong-kong10-1484901623-6-7881-6138-1494470863.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TfDaytgnr-w3KEnS2RH-jQ)
Nhiều "lồng thép" đặt trong một căn phòng ở Hong Kong, mỗi lồng là một người ở. Một căn phòng chưa tới 20 m2 được đặt ít nhất 10 lồng thép. Ảnh: CRI
Hong Kong thường xuyên đứng đầu trong các cuộc khảo sát giá bất động sản toàn cầu. Giá thuê và mua nhà năm nào cũng tăng và luôn cao chóng mặt. Theo trung tâm tư vấn Demographia có trụ sở tại Mỹ, giá cả thị trường nhà ở tại Hong Kong đã liên tục được xếp vào loại khó có khả năng chi trả nhất trong 7 năm, đánh bại Sydney, Vancouver và hơn 400 thành phố khác. Giá nhà ở Hong Kong cao gấp 19 lần thu nhập trung bình của một người.
Bà Carrie Lam, người vừa được bầu chọn làm trưởng đặc khu hành chính Hong Kong hồi tháng 3, hứa hẹn sẽ khắc phục cuộc khủng hoảng nhà ở mà người tiền nhiệm Lương Chấn Anh chưa giải quyết được.
Giá cả tăng vọt bất chấp chính quyền đã thử nhiều biện pháp hạ nhiệt. Bất bình đẳng giàu nghèo ngày một mở rộng khiến thanh niên Hong Kong từng tổ chức biểu tình năm 2014. Thế hệ trẻ tuyệt vọng, không mua nổi nhà riêng.
"Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề nhà ở sẽ dẫn tới nhiều vấn đề xã hội hơn nữa", Sze Lai-shan, một thành viên của tổ chức phúc lợi xã hội SCO bày tỏ.
Về phần Li, cô cho biết hai con suốt ngày cãi nhau vì phải ở trong căn phòng chật hẹp.
"Chúng cãi nhau suốt", Li nói. "Chúng càng lớn thì nhà càng chật. Có lúc trong nhà chẳng còn chỗ nào trống để bước chân vào nữa. Hai đứa thậm chí không có chỗ để làm bài tập".
Nhà ở giá rẻ do nhà nước cung cấp là hy vọng của hầu hết người lao động có thu nhập khiêm tốn ở Hong Kong. Khoảng 30% dân số Hong Kong sống tại các chung cư cao tầng giá rẻ. Nếu tính cả nhà ở được chính phủ trợ giá, con số này sẽ tăng gần 50%.
Li đã nộp đơn xin mua nhà hai năm trước nhưng cùng với cô còn có hơn 282.000 người nữa trong danh sách với thời gian đợi trung bình là 4,7 năm.
Wong Tat-ming, 63 tuổi, ở trong một căn phòng nhỏ xíu đã 4 năm nay. Ông phải trả 310 USD tiền thuê một tháng cho chỗ ở như quan tài dài 2 mét, rộng 1 mét, đủ để đặt một cái đệm, một cái tivi nhỏ và một cái quạt điện.
Trong căn hộ có khoảng 20 phòng quan tài như thế. Ông dùng chung nhà vệ sinh và bếp với họ, trong đó vài người là phụ nữ độc thân.
"Ở đây tấc đất là tấc vàng đấy", ông Wong nói đùa. "Đất ở đây có khi còn đắt hơn đất biệt thự".
![cuoc-song-chui-ruc-trong-nha-o-chuot-tai-hong-kong-2](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/05/11/nha-o-hong-kong8-1484901622-68-2205-3538-1494470863.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=s0rEYULyEt3nfNwvUj7v7Q)
Một phòng quan tài ở Hong Kong chỉ đủ kê đệm, tivi. Ảnh: QQ
Ông Wong bị bệnh đa xơ cứng nên đau chân, buộc phải bỏ nghề lái xe taxi 10 năm trước. Ông sống nhờ khoản trợ cấp xã hội 680 USD một tháng. Ông hoài nghi nữ lãnh đạo mới của Hong Kong có thể giải quyết vấn đề nhà ở.
"Bà ấy nói sẽ để tâm đến những vấn đề này nhưng có lẽ phải mất 7-8 năm nữa", ông nói.
Ông Chan Geng-kau và vợ sống trong một "ổ chuột trên trời" là căn nhà tạm dựng trên tầng thượng một khu chung cư cũ tại Kowloon. Chính quyền đang có kế hoạch giải tỏa những căn nhà tạm bất hợp pháp như thế.
"Nếu họ tới giải tỏa, tôi không biết phải làm sao nữa. Tôi đi làm không kiếm được nhiều tiền, mà tiền thuê nhà rất đắt đỏ, tôi không trả nổi", người đàn ông 58 tuổi tâm sự. Ông làm nghề gác cổng, nay ở chỗ này mai ở chỗ khác, thu nhập không ổn định. Ông không trả nổi 260 USD tiền thuê một tháng.
"Nếu phải trả chừng ấy tiền thuê nhà, tôi sẽ phải nhịn đói", ông tâm sự.
Hồng Hạnh