Người đàn ông này làm việc 12 tiếng mỗi ngày nhưng thu nhập vẫn không đuổi lạm phát và tăng giá sinh hoạt. Ba năm trước, anh chỉ cần lái xe 10 tiếng mỗi ngày đã đủ nuôi bốn con, giờ thì 12 tiếng vẫn thiếu trước hụt sau.
Tình huống như của Fadli ngày càng phổ biến ở Singapore. Trong hai năm, số tài xế xe công nghệ và nhân viên giao hàng phải vay tiền để trang trải chi phí sinh hoạt tăng 12%, theo báo cáo của nền tảng tài chính Lendela.

Ông Mohammad Fadli. Ảnh: CNA
Ông Chris Tan, 54 tuổi, là tài xế công nghệ, cho biết nhiều người đã vay tiền từ Grab hoặc các công ty tài chính để trang trải chi phí. "Riêng tôi không thể vay vì điểm tín dụng xấu. Nhưng nếu được, tôi rất cần", ông nói.
Tan là ông bố đơn thân, có hai con. Ông cho biết giá nhiên liệu, tiền thuê xe và nhu yếu phẩm đều tăng nhưng thu nhập không theo kịp.
Theo tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người khó khăn về tài chính Credit Counselling Singapore (CCS) số lao động nền tảng tìm đến họ đã tăng liên tục trong giai đoạn 2022-2024. Nguyên nhân chính khiến họ rơi vào nợ nần là thu nhập giảm. Việc xoay xở trả hóa đơn trở thành thách thức chung, khiến nhiều người xem vay nợ là giải pháp sống còn.
Ở Singapore, Grab là nền tảng duy nhất có chương trình vay Partner Cash Advance cho lao động của mình.
Năm ngoái, quốc gia này có khoảng 67.600 lao động trên các nền tảng công nghệ. 60.000 người dựa hoàn toàn vào công việc này để kiếm sống. Nhóm này gồm 31.800 tài xế, 15.300 nhân viên giao hàng.
Nghiên cứu của ngân hàng DBS Singapore cho thấy trong hai năm liên tiếp, nhóm lao động này chi nhiều hơn thu. Đến tháng 5/2023, tỷ lệ chi tiêu so với thu nhập của họ là 112% cao hơn nhiều so với mức 57% trung bình. Do thu nhập không ổn định, họ phải rút tiền tiết kiệm để trang trải cuộc sống.
Đồng thời, lao động nền tảng khó tích lũy tiết kiệm do thu nhập thấp và bấp bênh, trung bình 1.100-1.850 USD một tháng vào năm 2023, theo Bộ Nhân lực Singapore.
Nhưng tình hình ngày càng tệ. Mohamed Norfirdaus, nhân viên giao hàng, từng kiếm 135 USD một ngày vào hai năm trước nhưng hiện giảm xuống còn 75 USD, không còn tiền dự phòng.
Năm 2023, ông bị ung thư đại tràng, phải hóa trị và phẫu thuật, mất thu nhập suốt 9 tháng. Vợ ông cũng không thể làm việc do bệnh cột sống và đầu gối. Với thu nhập trung bình 1.480 USD một tháng, ông không đủ tiền trang trải cuộc sống và phải đi vay.
Công ty thu hồi nợ ASK Debt Recovery cho biết trước đây họ chỉ xử lý 5-10 vụ mỗi tháng liên quan đến lao động nền tảng nhưng từ năm ngoái, con số này đã tăng lên 5-10 vụ mỗi tuần.
Tài xế Lalitha Dorairajoo, 46 tuổi, là trụ cột gia đình buộc phải làm việc nhiều giờ hơn để tăng thu nhập nhưng điều này khiến anh kiệt sức, dễ gặp tai nạn, kéo theo nợ chồng chất.
"Làm nhiều hơn không phải giải pháp bền vững", anh nói.

Nhiều tài xế công nghệ phải vay tiền mới có thể đủ sống. Ảnh minh họa: CNA
Ông Rocky Ng, nhân viên giao hàng, cho biết thời tiết cũng ảnh hưởng đến thu nhập. "Trời mưa, không ai muốn chạy vì quá nguy hiểm", ông kể. "Nhưng nếu từ chối đơn hàng không hợp lý, chúng tôi có thể mất tiền thưởng.
Một đồng nghiệp của Ng phải giao hơn 10 thùng nước từ siêu thị nhưng vì xe quá nhỏ, ông ấy phải đi nhiều lần mới hoàn thành. Anh mất thời gian, đối mặt rủi ro chỉ để kiếm 3,70 USD cho mỗi lần giao.
Phó giáo sư Walter Theseira ở Đại học Khoa học Xã hội Singapore cảnh báo nếu lao động nền tảng vay tiền để trang trải chi phí sinh hoạt, họ có thể rơi vào vòng xoáy nợ nần.
"Tín dụng giúp giải quyết tạm thời, nhưng khoản vay phải trả kèm lãi suất, khiến gánh nặng chi phí sinh hoạt càng lớn", ông nói.
Ngọc Ngân (Theo CNA)