Cả Moscow và IMF đều có chung nhận định GDP Nga sẽ giảm 3% năm nay. Nhưng với một số người, cuộc khủng hoảng lại đang mang đến những cơ hội mới. Tại Bryansk, cách Moscow 400 km về phía tây nam, anh em Alexander và Viktor Linnik đang quản lý một trại gia súc hàng chục nghìn con.
Trước đây, họ là hãng sản xuất thịt lợn lớn nhất Nga. Đến năm 2010, cả hai bắt đầu nuôi giống bò chất lượng cao Aberdeen Angus nhập từ Australia và Mỹ. Họ hiện đã là cơ sở chăn nuôi loại bò này lớn nhất châu Âu.
Năm ngoái, mỗi ngày, công ty chỉ chế biến 100 gia súc. Nhưng năm tới, con số này có thể lên 1.000.
Họ sẽ không thể có mức tăng trưởng mạnh thế này, nếu không có cuộc chiến trả đũa giữa Nga và phương Tây, khiến thị trường nội địa Nga thiếu vắng hàng nhập khẩu và cạnh tranh giảm xuống.
Sau đó, đồng rouble cũng mất giá nữa, khiến thịt càng rẻ khi xuất khẩu. "Chúng tôi cần đồng rouble rẻ để xuất khẩu. Thế nên lệnh trừng phạt cũng phần nào có lợi", Linnick cho biết trên BBC.
Anh cũng bác bỏ nhận xét rằng công ty phất lên là do may mắn, gặp thời. "Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều suốt 8 năm qua. Chính phủ cũng giúp đỡ phần nào nữa", anh nói.
Linnik thừa nhận kinh tế khó khăn có thể làm giảm nhu cầu thịt bò cao cấp trong nước, nhưng đồng rouble rẻ như hiện tại, anh hy vọng Chính phủ có thể giúp mình tiếp cận các thị trường châu Âu. "Các lệnh trừng phạt có thể còn hữu dụng hơn với Chính phủ, nếu họ hiểu chúng tôi cần xuất khẩu sản phẩm. Chúng tôi có công nghệ và sản phẩm chất lượng tương đương hoặc thậm chí tốt hơn châu Âu nữa", anh nói.
Dù vậy, một số người lại không cho rằng bị trừng phạt là điều tốt. Tatyana Volkova đang phải trải qua cuộc sống khó khăn khi làm mẹ đơn thân của những đứa con đang tuổi ăn học. Cô hiện sống trong một ngôi làng nhỏ ở Berezniki.
Từ năm ngoái, để giảm chi tiêu, chính quyền địa phương đã ngừng cấp bữa ăn miễn phí cho các trường học. Và Volkova, cũng như các phụ huynh khác, đều đang vật lộn kiếm tiền nuôi con.
"Với tôi, tất cả như một cơn ác mộng vậy. Lương giảm, việc làm mất. Chính phủ thì vẫn gửi hàng viện trợ sang Ukraine. Nhưng chúng tôi là người Nga đây này. Chúng tôi cứ như bị chối bỏ vậy", cô nói.
"May là trong nhà còn có vườn. Chúng tôi còn có khoai tây và rau để ăn. Thỉnh thoảng tôi còn đi câu cá nữa. Hy vọng các con không cảm thấy thiệt thòi", Volkova cho biết.
Dù vậy, cô cũng gần như chẳng còn chút tiền tiết kiệm nào để mua đồ chơi cho các con. Trước khi đi mua sắm, cô cũng luôn phải tính toán tỉ mỉ chi phí. Volkova vừa mất việc và đang phải tìm việc mới. "Cuộc sống chẳng hề dễ dàng với chúng tôi", cô nói.
Tại Yaroslavl - một thành phố trung lưu tại Nga, nếu chỉ nhìn bề ngoài người ta cũng khó có thể thấy dấu vết của cuộc khủng hoảng. Các cửa hàng và khu chợ vẫn mở, đèn vẫn sáng trưng. Mọi người đều đi lại bận rộn và tấp nập.
Nhưng đằng sau bức tranh ấy là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tất cả người dân đều cảm nhận được hậu quả từ đồng rouble mất giá. Một số sản phẩm đã tăng giá gần gấp 3. Và lạm phát có thể lên 20% đầu năm nay.
Bà Valentina Golenkina (79 tuổi) ngày nào cũng phải đi lùng thuốc và sản phẩm rẻ nhất. "Tôi đi bộ 40-50 phút để tới trung tâm thương mại này, vì thuốc ở đây bán rẻ lắm. Năm nay tôi còn chưa mua hoa quả lần nào, và chỉ mua thịt vào ngày lễ lớn thôi", bà cho biết.
Hai phần ba lương hưu của bà đã đổ vào hóa đơn sinh hoạt và tiền thuốc. Vì thế, mỗi ngày bà chỉ còn gần 2 USD để mua thức ăn.
Còn với người giàu nước này, cuộc sống dư dả cũng không có nghĩa họ chẳng có sự thay đổi nào. Elena Yurgeneva - Giám đốc kinh doanh tại Knight Frank cho biết các hợp đồng mua bất động sản xa xỉ gần đây có thời gian hoàn thành lâu hơn. "Phần lớn người mua bất động sản cao cấp là tỷ phú dầu mỏ. Và giờ đây, họ cũng chẳng có tâm trạng đi mua sắm nữa", cô nói.
Cô cho biết một căn biệt thự ở ngoại ô Moscow đã rao bán nhiều năm nay, hạ giá từ 35 triệu USD xuống 19 triệu USD mà vẫn chưa có ai mua. Nhưng theo Yurgeneva, "Mọi người không lo lắng về nền kinh tế đâu, mà chỉ là chưa phải lúc mua thôi".
Hà Thu