"Bố mẹ tôi có 4 con và chỉ mình tôi chưa kết hôn. Bố nói vì tôi chưa có gia đình nên ông chẳng có lý do gì để đến đây. Mẹ tôi đến một lần, ba năm trước, nhưng đó là một thảm họa. Mẹ đặc biệt lo lắng về tình trạng độc thân của con gái. Một hôm, bà gọi cho tôi và nói hè sẽ đến thăm để giúp tôi tìm một tấm chồng", giảng viên này cho biết.
Mẹ của chị Zhang đã đọc được một bài báo nói về "chợ hôn nhân" ở Bắc Kinh - nơi các phụ huynh có con độc thân tập hợp lại tại một công viên, hy vọng mai mối con mình với con cháu của những ông bố bà mẹ tuyệt vọng khác. Hai lần một tuần, nhóm khoảng 30-60 bố mẹ gặp nhau tại một địa điểm, mỗi người mang theo một tờ giấy ghi các thông tin về con mình - công việc, trình độ học vấn và mức lương cũng như tình trạng thể chất.
"Ban đầu, 'chợ' này chỉ dành cho các bố mẹ. Nhưng ngày nay, nhiều người con độc thân cũng đi cùng cha mẹ tới đó. Đó giống như cái chợ cho phụ huynh và những 'đứa con bị ế' của họ, mà hầu hết là nữ", Zhang thở dài.
Chị cũng đã miễn cưỡng đi cùng mẹ tới "chợ" hai lần một tuần, đứng lặng thinh bên bà hơn một tiếng mỗi lần. "Tôi thấy mình không thể từ chối mẹ nhưng làm việc này khiến tôi cảm giác thật tệ, bị bẽ mặt, trầm cảm, ức chế. Tôi thấy mình như kẻ thua cuộc, đứng đây để bán thân", chị bộc bạch.
Những cô gái bị dán nhãn
Cách gọi "phụ nữ ế" lần đầu được nhắc đến trong một báo cáo của Liên đoàn Phụ nữ trung Quốc vào năm 2007, để miêu tả những phụ nữ ở độ tuổi gần 30 mà chưa kết hôn.
Trong khi nhãn dán này tương đối mới, thông điệp của nó lại rất cũ. Nhà tư tưởng cổ đại hàng đầu Trung Quốc, Khổng Tử, từng viết: "Hôn nhân là mục tiêu trong đời của phụ nữ" và "Đàn bà phải luôn theo đàn ông: ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng mất thì theo con".
Hàng trăm năm sau, Trung Quốc đã hiện đại hóa, và phụ nữ, theo Mao Trạch Đông "nắm giữ một nửa bầu trời" nhưng hầu hết vẫn bị chì chiết khắc nghiệt nếu chưa kết hôn ở một độ tuổi nhất định.
"Đó là cảm giác thất bại. Mọi người sẽ cho rằng chắc bạn có vấn đề gì, đó là lỗi của bạn", chị Zhang chia sẻ.
Áp lực bên trong những "phụ nữ ế"
Áp lực phải lấy chồng không chỉ đến từ bên ngoài. Với một số người, nó còn là một cuộc xung đột nội tâm.
Cô gái 27 tuổi Li Yuan đã tuyệt vọng đến nỗi từng nhịn ăn vì cái nhãn "gái ế". "Tôi muốn như mọi người bình thường, được kết hôn và có con. Tôi nghĩ ngay cả khi bạn cực kỳ xinh đẹp và chưa lấy chồng thì bạn vẫn chẳng là gì bởi điều đó có nghĩa đàn ông không đoái hoài gì đến bạn", Li nói.
Li sinh ra tại một vùng quê nghèo ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc và lớn lên ở Hà Bắc, một vùng nông thôn cách Bắc Kinh không xa. "Vì chính sách một con, mẹ tôi đã đến Thanh Hải sinh tôi để tránh bị phạt vì bà đã có một con trai rồi", cô kể.
Cô học đại học tại địa phương về quản lý chuỗi cung ứng và đã yêu một người lính trẻ. Họ hẹn hò 3 năm. Gia đình cô phản đối mối quan hệ này. Li tốt nghiệp đại học nhưng bạn trai cô thì không và bố mẹ cô cho như vậy là không tương xứng. Hai người chia tay. Một năm sau, Li phát hiện người cũ đã cưới một cô gái cùng làng do cha mẹ mai mối và đã làm cha một bé trai. "Tôi trở nên tuyệt vọng và phải mất khá lâu mới chấp nhận được chuyện này", cô nói.
Sau khi tình yêu tan vỡ, cô nhận một công việc ở Bắc Kinh và thực hiện nhiệm vụ tìm một người đàn ông để lập gia đình. Nỗi sợ lớn nhất của cô là bị coi như một "bà cô quái đản".
"Một người đồng nghiệp kể với tôi về bạn cùng phòng của cô ấy, chị này 36 tuổi và chưa lấy chồng, cũng xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó. Khi mới đến, chị ấy dành tất cả thời gian để nghiên cứu, kiếm tiền và gửi tiền về nhà. Lúc bước sang tuổi 30, chị ấy vẫn chưa có mối tình nào, không biết trang điểm hay làm đẹp. Người đồng nghiệp bảo tôi rằng gần đây, chị ấy không còn về nhà nữa vì gia đình, cộng đồng, mọi người nhìn chị như thể một con quái vật. Câu chuyện đó đã tác động rất lớn đến tôi", Li nhớ lại.
Nhưng sau một lần được mai mối không thành và nhiều dịp tham gia các sự kiện gặp gỡ nam giới độc thân mà không tìm được ai, sự tự tin của Li giảm hẳn. Cô tự đổ lỗi do mình béo và bắt đầu ăn uống kham khổ, chạy bộ.
Sau đó, Li tham gia một nhóm chạy bộ và gặp một chàng trai. Người này nói với cô là anh từng thừa cân nhưng đã giảm 30kg và suốt 3 năm qua anh không ăn tối. Cô rất hào hứng với mối quan hệ này và đã gọi về cho bố mẹ vào đêm muộn để tâm sự rằng nếu chàng trai kia muốn cưới, cô sẽ đồng ý ngay. Nhưng mọi chuyện không như dự định. "Hóa ra anh ta đang theo đuổi một cô gái khác. Có lẽ tôi đã thể hiện quá thích anh ta và họ nghĩ tôi dễ dãi", cô nói.
Hiện tại, Li cố học cách giảm lo âu về tình trạng độc thân của mình. Cô kết bạn với một số người nước ngoài và vài phụ nữ Trung Quốc ly hôn nên đã mở mang hiểu biết. "Họ cảnh báo tôi về việc quá nóng lòng muốn lấy chồng, thậm chí cưới nhầm người. Bây giờ tôi lạc quan hơn nhưng tất nhiên, vẫn muốn lập gia đình", cô nói.
Phòng Li hiện có một góc dành riêng trưng bày những huy chương từ những giải chạy. Mục tiêu trước mắt của cô là tham dự giải chạy đường dài.
Sự thay đổi quan điểm
Roseann Lake là một nhà báo Mỹ, từng có 3 năm ở Trung Quốc. Trong thời gian đó, cô đã gặp gỡ và phỏng vấn hơn 100 phụ nữ cho cuốn sách sắp tới của mình về hiện tượng "gái ế".
Cô cũng sản xuất và làm đạo diễn một chương trình mang tên "Độc thoại gái ế" - với sự tham gia của hơn mười phụ nữ và nam giới Trung Quốc, nước ngoài, chia sẻ các câu chuyện mà Lake miêu tả như một "cái nhìn sâu sắc về sự phức tạp của tình yêu, sex, hôn nhân và các mối quan hệ ở Trung Quốc".
"Tôi nghĩ quan điểm ở Trung Quốc đang thay đổi, dù chậm. Ngày càng nhiều bố mẹ hiểu và chấp nhận rằng con gái họ muốn có một cuộc sống khác", Lake nói.
Nếu quan điểm của Trung Quốc về phụ nữ chỉ vừa bắt đầu thay đổi, thì Lily Lu đã đi trước một bước.
Người phụ nữ 51 tuổi này là một chuyên gia về kinh doanh đã về hưu. Căn phòng của bà đầy các đồ lưu niệm mang về từ những chuyến du lịch nước ngoài. "Đó là sở thích của tôi và giúp tôi luôn bận rộn. Ngay cả khi không kết hôn, tôi vẫn có cuộc sống viên mãn", bà nói.
Sinh năm 1964, bà Lu lớn lên ở một vùng nông thôn, gần công ty của Nhật. Khi còn là một bé gái, bà Lu thích nghe các chương trình phát thanh về những câu chuyện tình yêu và đọc tiểu thuyết lãng mạn. "Tôi đã tìm kiếm tình yêu cả đời mình. Tôi đã mơ là nàng Lọ Lem và đợi hoàng tử. Nhiều chàng trai theo đuổi tôi ở trường nhưng tôi rất kiêu hãnh và có tiêu chuẩn cao", bà kể.
Sau khi tốt nghiệp, bà bắt đầu làm việc ở công ty của bố, sửa chữa đồng hồ, đồng thời hoàn thành bằng cử nhân tài chính hệ vừa học vừa làm. Bà thích làm việc với đôi tay và khao khát được giao tiếp xã hội nhiều hơn. Khi 23 tuổi, bà chuyển tới Bắc Kinh, nhận vị trí nhân viên bán hàng tại một công ty may mặc lớn. 25 tuổi, bà trở thành một trong những người bán hàng giỏi nhất ở công ty, nhưng vẫn độc thân.
"Hầu hết bạn bè của tôi đã lập gia đình trước tuổi 24 và tôi bị coi là 'ế'. Mọi người luôn cố gắng mai mối tôi với nam giới nhưng tôi không thích ai trong số họ. Nhìn chung mọi người đều không cưới người họ yêu mà chỉ lấy người 'gần đủ tiêu chuẩn'. Tôi không chấp nhận điều này", bà nói.
Khi công ty may mặc nơi bà làm việc sát nhập với một công ty bán lẻ lớn của Nhật, Lu được thăng chức. Đây cũng là thời điểm bà gặp người bạn trai đầu tiên, một thợ may sống gần đó. "Ở cùng anh là trải nghiệm tình dục đầu tiên của tôi. Tôi không biết gì về sex, điều được coi là cấm kỵ và nó làm tôi sợ", bà kể.
Mối quan hệ kết thúc khi bà phát hiện bạn trai đi lại với phụ nữ khác nhưng bà không hề nuối tiếc. "Người Trung Quốc nói khi bạn mất trinh sẽ khó mà tìm được tình yêu đích thực nhưng tôi không bao giờ tin vào điều đó".
Mặc dầu những năm sau này, chuyện tình yêu không có bước tiến nào, sự nghiệp của bà lại lên như diều gặp gió. Bà là người phụ nữ duy nhất trong nhóm 10 nam giới ở vị trí cao trong công ty.
Bà làm ở đó 10 năm, đi công tác nhiều nơi ở Trung Quốc, đi nghỉ nước ngoài. Bà đầu tư bất động sản, sưu tầm đồ cổ nhưng vẫn cảm thấy thiếu thứ gì đó.
"Tôi gần 50 tuổi và mọi người xung quanh đều đã có cháu trong khi tôi còn chưa có con", bà nói.
Năm 2011, bà nghỉ hưu và quyết định ra nước ngoài. "Tôi không muốn tìm 'một nửa' là người Trung Quốc nữa. Đàn ông Trung Quốc nghĩ giá trị của bạn giảm theo tuổi tác", bà kể.
Bà chuyển tới Mỹ và theo sự giới thiệu của một người bạn, bắt đầu hẹn hò trên mạng. Năm ngoái, bà gặp người bạn trai hiện tại - Charles - quản lý một công ty xây dựng.
"Tôi hy vọng các 'gái ế' trẻ ngày nay đừng từ bỏ việc tìm tình yêu đích thực. Ở Trung Quốc, tình yêu kiểu này không phải là điều quan trọng nhất. Nhưng tôi không quan tâm đến những điều người khác nghĩ", bà Lu chia sẻ. Bà nói rằng mình không hối tiếc điều gì.
"Tôi không nghĩ phụ nữ chỉ có hoặc gia đình hoặc sự nghiệp. Tôi không lên kế hoạch mình phải trở nên thế nào trong công việc, tôi chỉ yêu những việc mình làm và làm nó tốt hơn nhiều nam giới", bà Lu bộc bạch.
Chợ hôn nhân
Trở lại câu chuyện của chị Zhang Lin, nữ giảng viên đại học này cho hay, chị yêu công việc và giữ vững vị trị của mình, nhưng điều tệ nhất khi chưa kết hôn ở tuổi này là cách đồng nghiệp nhìn về chị.
Trong khi bà Lu nói không bao giờ cảm thấy bị phân biệt đối xử vì tình trạng chưa lập gia đình, chị Zhang lại khác. "Những quản lý nữ nói và đối xử với tôi như một kẻ kỳ dị vì tôi chưa lấy chồng. Họ khiến tôi cảm thấy như mình không đủ khả năng để làm tốt công việc chỉ vì tôi chưa có gia đình", chị kể.
Mấy năm trước, khi tham gia "chợ hôn nhân" ở Bắc Kinh, mẹ chị đã tìm được một người sẵn sàng cưới con gái mình. "Anh ấy cũng đến 'chợ' đứng, ở bên kia công viên cùng dì mình", chị kể. Mặc dầu chẳng có cảm xúc gì với người đàn ông này, chị Zhang vẫn gặp gỡ anh ta để làm yên lòng mẹ.
"Một hôm, anh ta bảo với tôi là muốn mua một căn hộ. Anh ta đưa tôi tới đó và nói: 'Chỗ này cũng đẹp đấy chứ? Cô có tiền để mua không? Nhà cửa ở Bắc Kinh đắt đỏ quá và nếu chúng ta không đủ tiền thì có thể nhờ gia đình hai bên hỗ trợ'. Tôi từ chối và nói rằng tôi không có quyền đòi hỏi bố mẹ mình điều này và tôi cũng chẳng có tiền. Người đàn ông này đã rất thất vọng và tôi đoán cuối cùng cũng nhận ra tôi chẳng có ý định cưới anh ta", chị Zhang nhớ lại.
"Mẹ tôi đã rất giận dữ và muốn giết tôi. Bà bảo: 'Được, nếu người đàn ông tôi tìm cho chị không tốt, vậy chị hãy tự đi tìm, càng sớm càng tốt".
Chị Zhang cho biết, chị học được nhiều điều từ trải nghiệm này. "Trước đây tôi tin rằng do lỗi của mình nên mới không thể tìm được ai. Bố mẹ và những người khác vẫn bảo tôi 'Chị là phụ nữ, chị không nên tiêu tiền vào thứ này, thứ kia, du lịch ở đây, tới đó. Nếu đàn ông Trung Quốc biết chị hay đi du lịch và ở nước ngoài nhiều, họ sẽ cho rằng chị không biết cách chăm sóc gia đình, họ không thích chị'. Nhưng nếu sống vậy, đó không phải là tôi. Tôi thà độc thân còn hơn", chị nói.
Tìm kiếm sự độc lập
Zhang Lin, Li Yuan and Lily Lu đều đồng ý rằng xây dựng sự độc lập, về cả tài chính và các lĩnh vực khác, là chìa khóa giảm sự kỳ thị liên quan đến tình trạng độc thân.
"Điều đáng buồn là hầu hết các cô gái Trung Quốc sẽ không bao giờ thực sự độc lập. Điều đó ở Bắc Kinh còn tệ hơn vì chi phí sinh hoạt và nhà cửa đắt đỏ. Nếu một cô gái không có nhà, cô ấy không thể cảm thấy an toàn. Vì vậy những người trẻ ở đây thường liều lĩnh hơn bởi họ tin rằng nếu tìm được ai đó, họ có thể cùng giải quyết vấn đề này", Zhang nói.
Ở một thành phố mà giá đất trung bình là 33.000 nhân dân tệ mỗi mét vuông và lương trung bình dưới 7.000 nhân dân tệ/tháng, stress về tài chính là điều dễ hiểu. "Tiền là hữu ích nhưng bạn phải tự xây dựng sự độc về tâm lý", chị nói.
Tuy nhiên, "ngày càng nhiều phụ nữ dần thay đổi nhận thức của mình, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi mọi thứ đang dần cởi mở", chị Zhang nói. Năm nay, chị tham gia chương trình về "Độc thoại gái ế" của Roseann Lake, nói với các cô gái, chàng trai trẻ về sự sỉ nhục chị phải chịu khi cố gắng "thoát ế".
"Trước đây đây tôi cảm thấy xấu hổ còn bây giờ tôi tự hào, thoải mái. Nhận thức tại các thành phố lớn, đang thay đổi. Trung Quốc đang ngày càng cởi mở và mọi người bắt đầu nói về chuyện này, thậm chí cười vui về nó. Dần dần, chúng ta sẽ thấy hoàn toàn bình thường với chuyện này", chị nói.
Vương Linh (Theo Al Jazeera)