Matt Christensen sống tại thành phố Westlake, bang Ohio, Mỹ. Từng là kẻ bắt nạt học đường, con trai cũng bắt nạt bạn, ông chia sẻ cách vượt qua tính hiếu thắng của bản thân và giúp con trai sửa đổi sai lầm.
Tôi nhận được cuộc gọi từ hiệu trưởng trường tiểu học của con trai, thông báo về việc cháu đánh các bạn. Hành động của con chính xác là hành động tôi từng thực hiện trong quá khứ và tôi không muốn con giẫm vào vết xe đổ của mình.
Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ những lời nói của hiệu trưởng ngày hôm đó: "Xin chào, tôi là hiệu trưởng và chúng tôi đang gặp vấn đề với con trai anh. Cháu đã đẩy các bạn trên sân chơi và lăng mạ nhiều bạn học. Chúng tôi muốn anh biết để tìm biện pháp giải quyết trong tương lai".
Nó chắc chắn không phải cuộc gọi tệ nhất mà một ông bố nhận được nhưng cũng chẳng vui vẻ gì. Tôi lắng nghe, nói chuyện với thầy, nhưng suốt quãng thời gian đó tôi suy tính vạch ra những chiến lược để giúp đỡ con.
Con trai tôi học lớp 4, là đứa trẻ 10 tuổi bình thường, không có gì xuất sắc nhưng cũng không kém cỏi. Hiệu trưởng nói đây không phải lần đầu tiên, cháu từng có hành vi bắt nạt bạn bè trong lớp. Đó chính xác là những gì tôi từng làm, khi còn là cậu bé ngây ngô nhưng tôi đã không truyền lại hành vi này cho con.
Trước đây, tôi từng là kẻ bắt nạt, khi lớn hơn con trai vài tuổi. Tôi nhận ra mình có thể khiến những đứa trẻ khác tôn trọng thông qua nỗi sợ hãi. Giống như con trai, tôi không phải người khỏe nhất lớp nhưng đủ tinh ranh để giả mạo thành người có "sức nặng" nhất lớp. Tôi không cố tình đánh ai bị thương nặng mà bày ra vài cuộc xô xát nhẹ hay nói những từ ra dáng "xã hội đen" để những người bạn khác không dám coi thường.
Trong khi đợi con trai từ trường học trở về, tôi nghĩ lại nguyên nhân biến tôi trở thành con người như vậy. Cha mẹ tôi là những người tốt, tôi và chị gái chưa bao giờ thiếu ăn thiếu mặc. Nhưng họ rất thờ ơ trước thành tích học tập tốt mà tôi nhận được. Lớn lên, tôi nhận ra rằng cha mẹ tỏ ra như vậy vì không muốn làm tôi kiêu ngạo, coi thường người khác mà phải nỗ lực, chăm chỉ hơn nữa. Dưới góc độ một đứa trẻ, tôi đã không nhìn ra dụng ý này của cha mẹ. Thay vào đó, tôi tìm kiếm sự công nhận từ phía bạn bè bằng những hành vi bạo lực.
Quay trở lại với con trai tôi, vợ tôi và tôi đã cố gắng làm hết sức để nuôi dạy cháu thành đứa trẻ biết yêu thương, tôn trọng và có nhận thức sâu sắc. Tuy vậy, tôi sợ mình đang lặp lại sai lầm của cha mẹ, rằng luôn tỏ ra thờ ơ vào thời điểm con trai cần khích lệ. Vì vậy, cháu mới bắt nạt bạn bè để tìm kiếm chút hư vinh phù phiếm. Nếu đúng là như vậy, tôi phải làm thế nào để giải thích cho con hiểu và giúp con thay đổi?
Khi trở về từ trường, con trai tôi đầy sự bất an, hoảng loạn. Cháu biết thầy hiệu trưởng đã gọi về cho gia đình và cháu đang đợi cơn thịnh nộ trút xuống từ tôi. Nhưng tôi đã không làm như vậy. Quát tháo và đòn roi sẽ chẳng giúp ích được gì trong tình huống này.
Tôi và con trai cùng nhau ngồi xuống ghế sofa và trò chuyện. Tôi tin vào sức mạnh của lời nói và tôi tin con trai sẽ thành thật với mình. Tôi không coi buổi trò chuyện ngày hôm đó là sự chất vấn từ người có vị thế cao hơn mà đó là sự chia sẻ giữa cha và con như hai người bạn.
Tôi đặt câu hỏi: "Tại sao con lại làm như vậy? Cha biết con không phải đứa trẻ xấu tính. Điều gì khiến con gây khó dễ cho các bạn, đó sẽ là kỷ niệm buồn với các bạn đó".
Con trai tôi trả lời rằng cháu "bất an". Tôi bị sốc khi nghe thấy hai từ đó.
Khi ở tuổi của con, cụm từ "bất an" thậm chí còn không xuất hiện trong đầu tôi. Nhưng con trai tôi lại biết rõ điều đó, trải qua nó và vì nó mà gây ra hành vi bạo lực. Một mặt, cháu nói rằng gia đình khiến cháu cảm thấy được yêu thương, nhưng mặt khác sự bất an của cháu đến từ việc thiếu tin tưởng bạn bè.
Khi các bạn nói những lời tốt đẹp với con trai tôi, cháu không tin. Cháu nghĩ rằng các bạn đang chế giễu, mỉa mai cháu hoặc đang nói dối hoặc chỉ vì cháu là bạn với họ nên họ nói vậy.
Như tôi đã nói, về thể chất, con trai tôi ở mức trung bình. Cháu có thể chơi thể thao như bóng đá, chạy đua nhưng không xuất sắc. Cháu không quá kém để bị chế giễu nhưng không quá giỏi để được khen ngợi. Tôi nghĩ hành vi của con trai là muốn kiểm soát cách nhìn nhận, thái độ của bạn bè về cháu. Cháu không nổi bật trong các môn thể thao, nhưng ít nhất cháu muốn mọi người biết rằng có thể đẩy ngã các bạn vào giờ ra chơi.
Con trai nói xong, tôi chia sẻ rất ấn tượng với khả năng bày tỏ cảm xúc của cháu. Trẻ em ở tuổi của cháu không phải ai cũng có thể nói ra những suy nghĩ trong lòng và gọi tên chính xác cảm xúc của mình. Tôi với vợ đều nhất trí nói rằng cháu là diễn giả nhí xuất sắc và là đứa trẻ thông minh. Tôi giải thích trẻ con muốn hành động hơn là trò chuyện, vì vậy tài năng của con không được chú ý là bình thường, nhưng nếu tiếp tục trau dồi sẽ thành công trong tương lai.
Sau đó, tôi tiếp tục chỉ ra bằng chứng cho thấy con có tài ăn nói. Ví dụ, bạn bè thường tìm đến con tôi để nhờ giảng lại bài học ở trường hay khi các bạn bất hòa cháu có thể đứng ra khuyên bảo từng người. Cuộc nói chuyện đã thay đổi con trai tôi. Bạo lực xuất hiện vì cháu chỉ nhìn thấy điểm yếu của mình, nhưng tôi đã tìm ra điểm mạnh, nó sẽ đẩy lùi điểm yếu và giải quyết vấn đề bắt nạt.
Sau buổi nói chuyện, con trai tôi đã nhận ra bạo lực không phải cách giải quyết vấn đề. Có lẽ, cháu chưa thực sự gỡ bỏ được nỗi bất an trong lòng, nhưng ít nhất cũng tìm ra cách giải quyết tốt hơn với bạn bè.
Cuộc sống hiện nay không thiếu những kẻ bắt nạt nhưng lại quá ít người có thể giải quyết bằng lời nói. Tôi hy vọng cuộc trò chuyện giữa tôi và con trai sẽ cho các phụ huynh khác một phương pháp để giải quyết vấn đề bạo lực học đường.
Tú Anh (Theo Fatherly)