Chiều 19/5, Công an huyện Cam Lộ bắt Đoàn Trân (50 tuổi, trú thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) khi lẩn trốn tại TP HCM. Đồng phạm trốn trại tạm giam với Trân là Nguyễn Văn Tiềm (30 tuổi, trú xã Gio An, huyện Gio Linh) sa lưới ngày 12/5 tại khu vực rừng núi thuộc xã Ba Lòng (huyện Đakrông).
Ba tháng trước đó, rạng sáng 20/2, Trân và Tiềm dùng thanh kim loại khoét lỗ 30 x 50 cm và trốn khỏi buồng giam 1A tại nhà tạm giữ Công an Cam Lộ. Thời điểm này, Trân bị điều tra vận chuyển, tàng trữ 21 kg ma túy đá. Tiềm bị tuyên 5 năm tù do tàng trữ trái phép chất ma túy, đang chờ thi hành án.
Để truy bắt hai kẻ vượt ngục, Công an Cam Lộ lập nhiều tổ chốt chặn cùng hàng trăm lượt chiến sĩ, rải quân dọc quốc lộ 9 lên đến vùng biên giới Việt Nam giáp Lào. Người dân được vận động báo tin ngay khi phát hiện dấu vết khả nghi.
Công an cũng gặp gia đình Đoàn Trân ở thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) và gia đình Tiềm ở xã Gio An (huyện Gio Linh) để thuyết phục nếu nghi phạm liên lạc thì vận động ra đầu thú. Nhưng cả hai lại không có bất kỳ "động thái" nào với người nhà.
Đầu tháng 5, trinh sát nhận tin Tiềm và Trân nghi lẩn trốn ở xã Ba Lòng (huyện Đakrông). Tiềm có một số lần ra tiệm tạp hóa ở xã mua lương thực, thực phẩm.
Trinh sát lập tức tiếp cận chủ tiệm để khai thác thông tin. Công an huyện Cam Lộ phối hợp với Công an huyện Đakrông lập ba tổ với 47 cán bộ chiến sĩ ở khu vực này triển khai các phương án nếu kẻ vượt ngục chống cự, bỏ trốn.
Dù tập trung thêm lực lượng nhưng công an lại tỏ vẻ "nới lỏng vòng vây" để Tiềm mắc bẫy. Ngày 12/5, Tiềm trở lại tiệm tạp hóa, mua 5 kg gạo và hai kg thịt lợn. Cuối giờ chiều 12/5, trên đường trở vào rừng, kẻ trốn trại giam này bị bắt bí mật ở khu vực vắng vẻ để tránh tâm lý hoang mang, xáo trộn cho người dân.
Khu vực Tiềm lẩn trốn cách tiệm tạp hóa khoảng hai đến ba km, giáp ranh giữa rừng sản xuất và rừng tự nhiên. Tiềm khai cùng với Trân kiếm được một số xoong nồi cùng chai nhựa để dự trữ nước.
Thịt lợn mua về, được Tiềm và Trân cắt thành miếng mỏng, bỏ vào chai nhựa rồi ướp muối, ăn dè xẻn. Cả hai kê đá để nấu ăn, hạn chế đốt lửa, khi di chuyển cố gắng không gây tiếng động, quyết không để lại dấu vết. Than củi có được từ nấu ăn được cất lại, đêm đến dùng lá cây ủ lên tạo khói, đuổi muỗi. Trời vừa tảng sáng, cả hai thu dọn chỗ ngủ. Các vết than, lá cây, dấu vết được xé nhỏ, vứt ở những nơi kín đáo, xóa bằng hết tung tích.
Khi Tiềm đưa trinh sát đến nơi lẩn trốn trong rừng, Trân đã trốn đi. Ban chuyên án nhận định, nghi phạm buôn ma túy này từng là phu trầm, quen với các điều kiện sinh sống khắc nghiệt ở vùng rừng núi, thông thạo địa bàn khi bỏ trốn.
Trân là chủ mưu cuộc bỏ trốn, lựa chọn các điểm nghỉ ở trong rừng, Tiềm thực hiện theo. Chỗ ngủ qua đêm thường là khu vực dễ ẩn nấp, dễ trốn thoát. Việc ăn nghỉ không theo quy luật, không định trước mà "đến đâu biết đến đó".
Nhà chức trách phán đoán Trân di chuyển về phía nam để trốn lên khu vực biên giới Campuchia. Trong ngày 18/5, hai tổ công tác với 25 cán bộ, chiến sĩ chia làm hai đường không và đường bộ di chuyển vào TP HCM.
Sáng 19/5, các trinh sát có mặt ở khu vực Bến xe miền Đông, rà soát các nhà trọ, nhà nghỉ... Nắm thông tin hắn sẽ bắt xe tới tỉnh Tây Ninh, các trinh sát tập trung ở khu vực cửa số một tại bến xe và phát hiện ra Trân đang ngồi chờ ở khu vực hành khách vào chiều cùng ngày.
Hai kẻ trốn trại khai đã di chuyển theo quốc lộ 9 về phía tây, lên vùng rừng ở xã Đakrông (huyện Đakrông), xã Tân Hợp (huyện Hướng Hóa). Khi vòng vây của cảnh sát dần siết chặt, hai nghi can băng rừng về phía nam, xuống khu vực xã Ba Lòng.
Trong quá trình trốn chạy, cả hai thấy một số lán trại của người dân đi làm rừng nên thu nhặt một số dụng cụ sinh hoạt. Ba tháng sống giữa rừng, cả hai đào cây, tìm rễ củ, bắt cá, cố gắng sống tự cung tự cấp.