Ngày 15/3, Intel công bố kế hoạch xây nhà máy chip trị giá 19 tỷ USD tại Magdeburg (Đức). Trước đó một tháng, công ty cũng cho biết sẽ đầu tư ít nhất 20 tỷ USD vào cơ sở chip mới tại New Albany, bang Ohio (Mỹ). Theo CEO Pat Gelsinger, đây là một phần trong kế hoạch hạn chế phụ thuộc vào châu Á và giải quyết cơn khát chip toàn cầu.
Theo Bloomberg, nhà máy 19 tỷ USD của Intel ở Đức chỉ là phần mở đầu cho tham vọng của liên minh Mỹ và châu Âu. Họ dự định chi 100 tỷ USD để mở các nhà máy chip nhằm tránh phụ thuộc vào Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại điều này có thể phản tác dụng. Việc gắn ngành chip với các khoản viện trợ của chính phủ có thể làm phức tạp thêm chuỗi cung ứng toàn cầu.
Rudi De Winter, CEO của nhà sản xuất chip X-Fab Silicon Foundries (Đức), nói: "Ngành công nghiệp bán dẫn từ lâu đã là một ngành kinh doanh toàn cầu và đã hoạt động rất tốt. Những nỗ lực xây dựng các trung tâm chip độc lập ở từng quốc gia, khu vực với chuỗi cung ứng riêng mang nặng yếu tố chính trị hơn là vì sự phát triển tự nhiên của ngành chip thế giới".
Trong nỗ lực tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên kế hoạch đầu tư 52 tỷ USD vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất chất bán dẫn trong nước. Trong khi đó, 27 quốc gia thành viên EU đang xem xét gói đề xuất trị giá 48 tỷ USD để tăng năng lực chip của khu vực. Trung Quốc cũng không ngồi yên trong cuộc đua này. Dự tính đến 2030, chính quyền Bắc Kinh có thể chi 150 tỷ USD để nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty chip nội địa.
Khi Trung Quốc chạy đua với Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực chip, Đài Loan cũng bị kéo vào cuộc chiến. Đây là quê hương của TSMC - công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Khách hàng của họ là nhiều công ty lớn trên toàn cầu, trong đó có cả Apple. Nhiều chuyên gia lo ngại nếu căng thẳng về chip tiếp tục leo thang, ngành chip Đài Loan sẽ gặp nhiều rủi ro từ Trung Quốc. Động thái đầu tiên là "săn trộm" các nhân tài.
Theo Nikkei Asia, Đài Loan xem chất bán dẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế, chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu năm 2020. Việc giữ chân nhân tài trong ngành này được xem là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chip toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo việc bảo vệ nhân tài quá mức của Đài Loan có thể khiến các kỹ sư bị kẹt trong các vấn đề chính trị. Họ không thể tự do đi lại, trao đổi học thuật và nghiên cứu. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình phát triển chung của ngành chip.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn kéo Đài Loan về phía mình để có thể tự chủ nguồn cung. Tuy nhiên dù loại chip nào được sản xuất thì nguồn cung của thị trường này vẫn rất phức tạp và không thể hoạt động trong phạm vi một quốc gia hoặc khu vực. Bloomberg dẫn lời chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết, ngay cả những sản phẩm do Mỹ sản xuất cũng phải dựa vào thế giới bên ngoài. Ông Liu lấy ví dụ vào tháng 12 năm ngoái, khi Intel được yêu cầu chuyển về Mỹ thì một số hóa chất bán dẫn vẫn phải được cung ứng bởi Đài Loan, nếu không toàn bộ dây chuyền của họ không thể hoạt động dù đặt ở Mỹ hay bất kỳ đâu.
Jan-Peter Kleinhans, nhà nghiên cứu tại Stiftung Neue Verantwortung của Đức cho rằng kế hoạch của Mỹ và Đức về việc tự chủ trong chuỗi cung ứng chip là phi thực tế. Nó còn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu nếu một ngày ngành chip không còn tồn tại độc lập như hiện nay mà phụ thuộc quá nhiều vào các chính phủ. "Một ngày nào đó, một vị chính khác có thể yêu cầu các công ty sản xuất ưu tiên chip cho một số ngành ở khu vực nhất định. Khi đó chuỗi cung ứng tự nhiên của ngành chip sẽ bị sụp đổ và cuộc khủng hoảng chip toàn cầu càng trở nên tồi tệ hơn", Jan-Peter Kleinhans nói.
Khương Nha (theo Bloomberg)