Giữa tháng 4 vừa qua, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sau hơn 60 năm hoạt động. Kết quả được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố sau đó cho thấy VFS chỉ bán được 115.000 cổ phần, với giá bình quân 10.200 đồng một cổ phiếu để thu về gần 1,2 tỷ đồng. Trước đó, theo kế hoạch, số cổ phần được chào bán là 525.000 (10,5% vốn điều lệ), tương đương số tiền thu về tối thiểu là 5,25 tỷ. Cũng căn cứ trên cơ cấu vốn, hãng phim được định giá khoảng 52 tỷ đồng.
Lý giải về sự ế ẩm của cổ phiếu VFS, giới đầu tư cho rằng tình hình tài chính khá bi đát của đơn vị này là lý do chính. Trước khi cổ phần hóa, VFS thua lỗ triền miên với khoản lỗ lũy kế 39,6 tỷ đồng đến trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. Tổng tài sản tại ngày 30/9/2014 của hãng đạt 78,7 tỷ đồng, nợ phải trả là 46,6 tỷ đồng.
VFS cho biết, trong những năm gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ, do kinh phí sản xuất phim lớn và thời gian kéo dài. Nguồn phí để thực hiện các dự án phim còn hạn chế và chủ yếu đến từ đặt hàng của Nhà nước. Tuy nhiên, việc sản xuất các bộ phim này cũng đã gây lỗ cho hãng tổng cộng 34,3 tỷ đồng trong giai đoạn 2004-2014. Bản thân VFS cũng đang bế tắc trong những định hướng phát triển tiếp theo.
Điểm sáng duy nhất khiến nhà đầu tư có thể quan tâm tới VFS là các lô đất có vị trí "vàng" mà hãng đang quản lý. Cụ thể là trụ sở đặt tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) có diện tích sử dụng gần 5.500 m2. Tuy nhiên, thông tin cụ thể lại cho biết đây chỉ là đất thuê và đã hết hạn hợp đồng từ cuối năm 2014.
Trong khi công ty không có bất kỳ một hồ sơ, giấy tờ sở hữu đất đai nào tại đây thì bản thân khu đất cũng đang xảy ra tranh chấp, khiếu kiện khi VFS được giao quản lý và sử dụng khu đất nhưng lại cho các đơn vị khác thuê đất với mục đích làm nhà in. VFS đã có đơn khởi kiện ra Toà án để đòi nhà đất cho thuê và thanh toán tiền nợ gốc của đơn vị làm nhà in tại đây song vụ việc hiện vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài ra, hãng còn có 905m2 đất có địa chỉ trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe và quản lý khu đất rộng 6.382 m2 tại Đông Anh (Hà Nội); hơn 1.200m2 tại Khu đất số 6, Thái Văn Lung (Bến Nghé, TP HCM) làm trường quay phim nhưng đều là đất thuê hoặc hết hợp đồng đã lâu. Hiện công ty còn nợ tiền thuê đất 5,7 tỷ đồng.
Theo kế hoạch cổ phần hóa VFS được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chấp thuận, ngoài việc IPO 10,5% vốn, Nhà nước nắm giữ 20% và 4,5% bán cho cán bộ, nhân viên, 65% vốn còn lại sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty Vận tải thuỷ (VIVASO).
Có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải đường sông nên việc VIVASO đầu tư vào một hãng phim thua lỗ khiến dư luận thắc mắc. Ngay chính cổ đông của VIVASO cũng có người không đồng thuận với quyết định này bởi công ty thực chất cũng thua lỗ, không dư giả tài chính để đầu tư ngoài ngành.
Nhiều ý kiến cho rằng các khu đất "vàng" mà VFS đang quản lý có thể là lý do khiến VIVASO quyết chi hàng chục tỷ đồng để chi phối hãng phim. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch - Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định các khu đất trên phố Thuỵ Khuê, Hoàng Hoa Thám đang nằm trong quy hoạch Khu chính trị Ba Đình nên sẽ không được phép sử dụng tùy tiện. Nếu nhà đầu tư chiến lược dùng sai mục đích đã cam kết thì sẽ phải bồi thường thiệt hại và sẽ kiến nghị thu hồi quyền thuê đất nếu có sai phạm.
Ngoài ra, Giám đốc VFS - Đạo diễn Vương Đức cũng thừa nhận về đất đai, hãng "rất giàu" nhưng không có giấy tờ sở hữu. Vì vậy, dù nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu nhưng đều "một đi không trở lại", chỉ có VIVASO là chấp nhận các điều kiện do Bộ Văn hoá đặt ra.
Giải thích về quyết định đầu tư, Chủ tịch VIVASO - Nguyễn Thuỷ Nguyên cho rằng không có quy định cấm doanh nghiệp đầu tư đa lĩnh vực. "Cũng như doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư vào các đội bóng, đơn vị vận tải thủy cũng muốn đầu tư vào hoạt động nghệ thuật", ông Nguyên nói.
Khẳng định đã hiểu rõ kết quả kinh doanh thua lỗ của VFS cũng như tình trạng thiết bị lạc hậu, đất đai đi thuê và nợ tiền của đơn vị này, vị Chủ tịch cũng cho biết ông nhận được không ít lời khuyên không nên đầu tư vì ẩn chứa nhiều rủi ro. Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng doanh nghiệp sẽ có kế hoạch cụ thể để đưa VFS thoát khỏi tình trạng thua lỗ kéo dài, nợ tiền sử dụng đất hàng tỷ đồng như hiện nay. "Trụ sở của hãng phim tại số 4 Thụy Khuê cần trở thành rạp chiếu phim hiện đại chứ không thể để xập xệ, cũ nát như hiện nay", vị này tiết lộ.
Trước việc nhiều văn, nghệ sĩ, diễn viên của VFS hoài nghi về việc một đại gia đường thủy liệu có đủ năng lực khi tham gia lĩnh vực này, gần đây, ông Nguyên cũng đã biết một bức "tâm thư" để bày tỏ.
Cho biết là người đam mê điện ảnh, ông Nguyên mong muốn gìn giữ truyền thống, thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cũng như mong muốn đầu tư để hãng xứng đáng với những kỳ vọng của người hâm mộ điện ảnh.
"Những tác phẩm điện ảnh kinh điển như Chung một dòng sông, Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Nổi gió, Biệt động Sài Gòn, Đêm hội Long Trì, Thằng Bờm… đã góp phần hình thành nên tính cách, lối sống của tôi trong suốt những năm tháng học tập trên ghế nhà trường hay trong quân ngũ", vị này viết. Theo đó, ông Nguyên mong muốn cán bộ của VFS ghi nhận thiện chí của VIVASO và khẳng định sẽ gặt hái được lợi nhuận từ khoản đầu tư này.
Bạch Dương - Đoàn Loan