Sáng 7/3, chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (26 tuổi) đang chăm bẵm con trai 4 ngày tuổi tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thì bác sĩ Fiona Sutton (người Anh) cùng phi hành đoàn tham gia xử lý ca sinh nở trên máy bay ghé thăm.
Fiona Sutton nhẹ nhàng tiến đến đầu giường nơi mẹ con Nga nằm, đưa mắt âu yếm nhìn cậu bé, khen bé đẹp trai. Nga lúc này mới biết đến sự xuất hiện của ân nhân. Không biết nói tiếng Anh, sản phụ nở nụ cười đáp lại, cầm lấy tay Fiona Sutton ghì chặt, rồi ôm chầm lấy.
Chị Trần Thị Huệ, tiếp viên trưởng chuyến bay BL590 từ TP HCM về Đà Nẵng hôm 4/3, cùng nhiều tiếp viên khác cũng có mặt. Ba người phụ nữ ôm chặt nhau trước sự ngỡ ngàng của nhiều sản phụ và người nhà ở phòng 1116. Nga bật khóc giữa những cánh tay ôm. "Em nhớ các chị lắm. Thật hạnh phúc vì hôm nay được gặp lại các chị", Nga chia sẻ.
Fiona Sutton không vội đáp lại. Suốt 5 phút, cô ngồi ôm chặt Nga, mặc cho những giọt nước mắt rơi xuống cánh tay mình. "Em là người phụ nữ rất tuyệt vời và dũng cảm", Fiona Sutton nói. Đáp lại, Nga siết chặt cánh tay quanh người bác sĩ, bật cười khi mắt vẫn còn ngấn nước.
Bé Jetstar (tên gọi ở nhà của cháu bé) vẫn thiêm thiếp ngủ, giữa những nước mắt và nụ cười hạnh phúc của người xung quanh.
Như để chứng minh với vị ân nhân về sức khỏe của bé, Nga bồng con lên cho bú, nói rằng đã quyết định khai sinh cho con với cái tên Dương Bảo Minh. Được Nga chuyển em bé qua tay, vị bác sĩ trẻ không giấu cảm xúc vui sướng. Cô nhờ mấy người bạn đi cùng chụp một tấm ảnh kỷ niệm. "Tất cả chúng ta đã trải qua một kinh nghiệm đáng nhớ", Fiona nói với những tiếp viên hàng không.
Fiona Sutton là bác sĩ chuyên khoa nhi tại Anh. "Tôi không nghĩ mình có thể đỡ đẻ ở trên máy bay", cô nói và chia sẻ rất vui khi gặp lại mẹ con Nga trong tình trạng hai mẹ con đều khỏe mạnh. "Hãy chia sẻ ảnh của Jetstar để tôi có thể nhìn thấy bé mỗi ngày", Fiona Sutton đề nghị. Nhưng khi biết Nga không có Facbook, cô cẩn thận ghi lại địa chỉ, số điện thoại để giữ liên lạc.
Tiếp viên trưởng Trần Thị Huệ nhớ lại đã rất lo sợ khi biết hành khách Nga bị vỡ ối, đau bụng. "Tôi thông báo đến hành khách với hy vọng sẽ được hỗ trợ. Bác sĩ Fiona Sutton tiến lại gần, nhẹ nhàng hỏi chuyện gì đang xảy ra, sản phụ đã mang thai bao nhiêu tuần và nhận lời giúp đỡ", chị kể. Suốt quãng thời gian căng thẳng sau đó, bác sĩ liên tục hỏi em bé đã chuyển động chưa, rồi động viên người mẹ giữ bình tĩnh. Khi em bé chào đời khóc to, môi hồng, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm rồi chia tay nhau những cái ôm.
Bà Lê Nguyễn Hiền Trinh, trưởng đoàn tiếp viên hãng hàng không Jetstar Pacific cho hay, biết được nguyên vọng của sản phụ Nga muốn gặp lại bác sĩ và các tiếp viên đã giúp mình sinh con ở độ cao 10.000 m, hãng đã tìm mọi cách liên lạc. Nhưng số điện thoại của Fiona đăng ký khi mua vé bên Anh không gọi được. "May mắn hành khách này có đăng ký thêm địa chỉ email, chúng tôi gửi thư và cô ấy đồng ý ngay", bà Trinh kể về cơ duyên của cuộc hội ngộ bất ngờ.
Theo bà Trinh, quy định của hãng hàng không là những hành khách mang thai từ 28 đến 35 tuần phải xuất trình giấy xác nhận của bác sĩ về tình trạng sức khỏe bình thường, thời gian khám không quá 10 ngày so với lịch bay. Trường hợp chị Nga đủ điều kiện bay vì có giấy khám của bác sĩ cho thấy thai 32 tuần tuổi và hành khách cũng ký giấy miễn trừ trách nhiệm theo thông lệ.
Trước đó chiều 4/3, chuyến bay BL590 của hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific từ TP HCM cất cánh đi Đà Nẵng lúc 14h55. Khoảng 15 phút sau, hành khách Nguyễn Thị Ngọc Nga có biểu hiện đau bụng và chuyển dạ. Nhân viên thông báo đề nghị hành khách trợ giúp. 3 ghế liền nhau trên hàng thứ năm được xếp gọn để sản phụ có thể ngả lưng. Bác sĩ Fiona Sutton - lúc đó đang là hành khách - đã tình nguyện thực hiện ca đỡ đẻ ở độ cao 10.000 m.
Đại diện hãng cho biết, đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam sinh con trên không trung. Trước đó ngày 16/1/2011, chị Nguyễn Thị Lập (quê ở Hà Tĩnh) cũng sinh hạ một bé trai khi máy bay lăn bánh trên đường băng Tân Sơn Nhất để chuẩn bị cất cánh đi Vinh.
Nguyễn Đông