Chị Nguyễn Thị Mai, 30 tuổi, ngụ Bình Dương, từng sinh một đứa con đầu lòng nhưng không bao lâu thì bé qua đời do sức khỏe yếu. Suốt 3 năm sau người phụ nữ không thể đậu thai, thầy thuốc chẩn đoán bị vô sinh thứ phát. Đầu năm 2014, chị đến Bệnh viện Hùng Vương, TP HCM, nhờ bác sĩ tư vấn và thực hiện thụ tinh nhân tạo. Ca điều trị thành công vào tháng 3, sản phụ 8x hạ sinh cặp con gái kháu khỉnh. Hai công chúa nhỏ Minh Hằng và Thúy Hằng đến nay đã được 15 tháng, phát triển khỏe mạnh và thông minh lanh lợi, trở thành niềm tự hào của cả nhà.
Tại tọa đàm “12 năm đong đầy hạnh phúc” nhân kỷ niệm 12 năm thành lập khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương diễn ra ở TP HCM cuối tuần qua, vợ chồng chị Mai chia sẻ kinh nghiệm nhằm tiếp lửa cho những người cùng cảnh ngộ có thêm niềm tin và nghị lực trên hành trình kiếm con. Ông bố trẻ Nguyễn Ngọc Bá, 31 tuổi kể trước đây hai vợ chồng gặp khó khăn về kinh tế nên phải cân nhắc rất nhiều khi có ý định làm thụ tinh ống nghiệm. Khát khao nghe tiếng trẻ thơ trong nhà đã thôi thúc anh chị ngỏ lời nhờ hai bên họ hàng cho vay tiền để điều trị rồi trả dần.
Anh Bá vẫn nhớ như in khi nghe bác sĩ thông báo chị Mai đã vượt cạn thành công và bật khóc khi lần đầu tiên trông thấy 2 con gái chào đời khỏe mạnh. "Đứa con đầu của chúng tôi không may qua đời để lại nỗi đau rất lớn, hai vợ chồng nhiều đêm không ngủ được vì sợ không còn cơ hội làm cha mẹ. Vậy mà giờ đây nhờ khoa học, chúng tôi đã có được 2 bé sinh đôi. Cảm giác hạnh phúc thiêng liêng và kỳ diệu không thể diễn tả được", anh Bá nói.
Từ khi sinh con xong, chị Mai trở lại công việc tại khu điều trị bệnh nhân phong ở Bình Dương. Còn anh Bá quyết định làm công việc tự do để có thời gian chăm hai công chúa nhỏ. Ông bố trẻ dí dỏm bảo: "Hai vợ chồng đang dự định có thêm một bé nữa vì nghĩ rằng mới có 2 đứa vẫn còn 'mong manh' lắm".
Bác sĩ Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn cho biết đơn vị đã thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm cho hàng trăm bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn, trong đó có những trường hợp bị bệnh lý mạn tính đi kèm, từng điều trị thất bại ở nhiều nơi. Đơn vị này không chỉ tiếp nhận bệnh nhân tại TP HCM và các tỉnh lân cận mà còn điều trị cho nhiều người nước ngoài đến từ Trung Quốc, Campuchia, New Zealand, Thụy Điển..
Ca thụ tinh trong ống nghiệm thành công đầu tiên tại Bệnh viện Hùng Vương là sản phụ Lâm Thu Trinh. Bác sĩ chẩn đoán nữ bệnh nhân này bị vô sinh do tắc ống dẫn trứng 2 bên, có chỉ định làm thụ tinh nhân tạo. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên, cha mẹ chị Trinh phải bán đất ở quê để hỗ trợ hai con có tiền theo đuổi liệu trình điều trị. Các bác sĩ Khoa Hiếm muộn đề xuất lãnh đạo bệnh viện hỗ trợ một phần chi phí giúp chị Trinh thỏa ước nguyện. Ít lâu sau nữ bệnh nhân đậu thai thành công nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Ngày 21/5/2004, tập thể bác sĩ Khoa Hiếm Muộn như vỡ òa trong hạnh phúc khi chào đón 2 "công dân ống nghiệm" đầu tiên cất tiếng khóc chào đời tại đây. Hai bé được đặt tên Nguyễn Thùy An và Nguyễn Thúy An. Chị Trinh hồi tưởng: "Các cháu sinh ra vào ngày trời mưa rất lớn. Hai vợ chồng ôm nhau khóc vì quá hạnh phúc. Các bác sĩ cũng xúc động". Hiện cặp song sinh đã 12 tuổi, phát triển khỏe mạnh và ngoan ngoãn.
Chị Huỳnh Thị Bích Thảo chia sẻ từng bị sảy thai 6 lần, đến năm 2009 mới có được một bé gái nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đến nay cháu đã được 7 tuổi. Bà mẹ trẻ nhớ lại thời khắc bác sĩ thăm khám và thông báo đã phát hiện tim thai. "4 lần trước đó, khám chỉ có túi thai mà không nghe tim thai. Sau đó tôi phải nằm trên giường suốt 11 tuần để đảm bảo thai không bị động. Thật hạnh phúc khi nghe bác sĩ bảo đã thấy tim thai ổn định".
Bà mẹ trẻ nhắn nhủ các cặp vợ chồng đang mong con nên kiên nhẫn và lạc quan để chờ đợi điều kỳ diệu sẽ đến. "Trong thời gian điều trị, quan trọng nhất là niềm tin. Bản thân tôi gặp nhiều gian nan nhưng một lần nào nghĩ đến chuyện từ bỏ hy vọng tìm kiếm một đứa con".
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM đánh giá cao công tác đầu tư phát triển chuyên sâu về lĩnh vực hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Hùng Vương đã góp phần vào sự nghiệp phát triển của ngành y tế địa phương. Nhờ đó giúp cho người dân TP HCM và các tỉnh lân cận dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ mang tính chuyên sâu đặc thù như thụ tinh ống nghiệm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, người đã truyền lửa cho toàn bộ hệ thống hỗ trợ sinh sản của Việt Nam, ghi nhận nỗ lực của các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương đã mang lại những thành quả tốt đẹp hôm nay. Ông khuyến khích lãnh đạo bệnh viện tiếp tục đầu tư phát triển khoa Hiếm muộn xứng tầm trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là đầu tư thêm về công nghệ và nghiên cứu khoa học. Thứ trưởng cũng đánh giá cao và ủng hộ chương trình hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện thụ tinh nhân tạo miễn phí, nhờ đó giúp cho người nghèo có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn.