60 năm sau chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ở tuổi 84 mái tóc bạc phơ nhưng hành động và dáng đi của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn nhanh thoăn thoắt. Đôi mắt tinh anh và minh mẫn, ông Tính bảo: "Tôi rất tự hào vì là chiến sĩ Điện Biên. Chứng kiến sự thất bại của quân Pháp và chiến thắng hào hùng của quân dân ta vẫn còn in đậm trong ký ức...". Với ông, sâu đậm nhất đó chính là giây phút ông được giao nhiệm vụ làm phiên dịch trong cuộc hỏi cung tướng De Castries khi vừa bị bắt.
Quê gốc ở Đông Sơn (Thanh Hóa), 20 tuổi, ông Tính rời ghế nhà trường nhập ngũ và được phiên chế vào Đại đoàn 312 đóng quân ở Hà Nội. Năm 1954, đơn vị ông được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Tính hồi tưởng lại, lúc đó đã gần 18h ngày 7/5/1954, đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng chiến sĩ dẫn giải tướng De Castries và Bộ tham mưu Pháp về sở chỉ huy của Đại đoàn 312.
Vốn là người giỏi tiếng Pháp nên ông Tính được chỉ huy Đại đoàn điều lên làm phiên dịch nhằm phân loại binh lính, hạ sĩ quan các cấp để giải về những nơi quy định.
"Tướng De Castries lúc đó đội mũ calô, mặc quân phục mùa hè, mặt tái mét nhưng rất kiểu cách. Bị dẫn giải tới Sở chỉ huy, De Castries tưởng đây là Bộ tổng chỉ huy của quân ta nên cất lời vừa chào vừa như hỏi: "Kính chào các ngài! Bộ tổng chỉ huy", ông Tính nhớ lại giây phút trông thấy tướng De Castries.
Lúc này, ông Lê Trọng Tấn nói bằng tiếng Pháp cho phép De Castries và Bộ tham mưu của ông ta ngồi xuống. Viên tướng Pháp cảm ơn rồi ngồi ở hàng ghế dành cho mình. Thấy chỉ có mình De Castries ngồi, ông Tấn nhắc lại: "Tôi cho phép tất cả các ông ngồi". Một viên sĩ quan đáp: "Thưa ngài! Thiếu tướng của chúng tôi chưa cho phép ngồi".
Ông Tấn liền gằn giọng: "Không còn tướng tá nào nữa! Tất cả các ông đều là tù binh nên mọi mệnh lệnh của chúng tôi các ông đều phải chấp hành". Đến khi hỏi cung thì các vị chỉ huy Đại đoàn hỏi qua phiên dịch.
Sau khi kiểm tra tên tuổi, cấp bậc, số hiệu sĩ quan của từng người, đem ảnh và chữ ký đối chiếu chính xác, cuộc hỏi cung bắt đầu. Ông Tính nhớ lại tỉ mỉ giây phút mình làm phiên dịch cuộc hỏi cung này.
Khi cán bộ ta hỏi câu cuối cùng: "Để khỏi mang danh là viên tướng nòi của một cường quốc bị bắt sống, Bộ tổng chỉ huy của các ông đã điện yêu cầu ông tự sát thì nước Pháp sẽ tri ân và suy tôn ông là anh hùng trong cuộc chiến tại Việt Nam. Ông đã hứa "xin tuân lệnh". Sao không thực hiện?", De Castries trả lời rằng: Thưa ngài! Tôi thấy mình cần có trách nhiệm với hàng ngàn thương binh và binh sĩ dưới quyền để chia sẻ, chịu chung số phận với họ.
Theo ông Tính, thời gian của cuộc hỏi cung tướng De Castries tại Sở chỉ huy Đại đoàn chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 30 phút trước khi tách ông ta và số sĩ quan tham mưu để giải về nơi quy định. Vì vậy về sau mọi người vẫn nói đây là cuộc hỏi cung chớp nhoáng.
Cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ Điện Biên, anh chiến sĩ Nguyễn Xuân Tính tiếp tục bước vào giảng đường Đại học sư phạm Hà Nội.
Sau đó, ông về công tác tại Quân khu 4, phụ trách mảng khoa học quân sự, văn phòng Bộ tư lệnh. Năm 1982, ông xuất ngũ với hàm trung tá.
Ông Tính lập gia đình cùng cô giáo làng Trần Thị Minh Lý, có với nhau 5 người con. Cả gia đình ông hiện sinh sống tại thành phố Vinh (Nghệ An). Hàng ngày, ông Tính vẫn làm thơ, viết sách để tặng bạn bè con cháu.
Nguyễn Hải