Tôi là Huỳnh Ngọc Hồng Nhung, sinh ra và lớn lên ở một miền quê sông nước của tỉnh Sóc Trăng. Ba mẹ tôi ly dị từ khi tôi mới một tuổi, nên mẹ tôi một mình nuôi con, nhưng mẹ chưa bao giờ để tôi phải nghỉ học. Mẹ dạy tôi rằng vì là người khuyết tật và không đủ sức khỏe nên chỉ có học hành thì sau này mới có nghề nghiệp. Mẹ tôi rất nghiêm khắc, bà vẫn nói rằng “trong từ điển của mẹ chỉ có điểm 10”, vì vậy tôi đã luôn luôn nỗ lực để đạt điểm cao nhất trong học tập. Đến năm 15 tuổi, mẹ cho tôi lên Cần Thơ sống một mình học trung học. Đó là một quyết định táo bạo, nhưng cũng chính là cách mẹ tập cho tôi sống độc lập, vì mẹ nói tôi không thể sống mãi với mẹ. Tôi thích ứng cuộc sống mới khá nhanh, và tốt nghiệp trung học loại giỏi.
Tôi mơ ước trở thành một dược sĩ, nhưng khi thi đậu, trường không cho tôi nhập học với lý do tôi không thể đi thực tập được. Nhưng khó khăn nhất là thời gian sau khi tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, ngành Sư phạm Anh Văn năm 2000, tôi cầm tấm bằng về quê Sóc Trăng xin việc khắp nơi nhưng không ai nhận. Tôi đã hiểu cho dù sự nghiêm khắc của mẹ và nỗ lực của tôi lớn đến đâu để tôi học thật giỏi và có thể tự lực không kém bất cứ ai, nhiều cánh cửa vẫn đóng lại trước mắt tôi.
Chính thời gian này, tôi vừa học thêm đại học tại chức ngành Kế toán tài chính, Đại học Kinh Tế TP HCM vừa tham gia câu lạc bộ Người Khuyết Tật tỉnh Cần Thơ với vai trò thư ký, rồi được tín nhiệm trở thành phó chủ nhiệm câu lạc bộ. Từ đó, ước mơ về một “mái nhà chung” cho người khuyết tật và những cơ hội tạo việc làm cho họ lớn dần lên trong tôi.
Năm 2005, tôi dự tuyển chương trình học bổng Ford IFP và trúng tuyển, được sang Thái Lan học chuyên ngành Hoạch định phát triển vùng và nông thôn trong hai năm. Sau đó tôi có 9 tuần theo chương trình trao đổi sinh viên quốc tế của Ford IFP tại Đại Học Arkansas, Mỹ.
Mặc dù tôi đã quen tự lực, nhưng chương trình và phương pháp học tập ở nước ngoài hoàn toàn khác biệt và đòi hỏi cao, khiến tôi bị áp lực lớn, nhiều lúc rất mệt mỏi. Nhưng rồi tôi cũng vượt qua được với suy nghĩ học cho những người khuyết tật cùng cảnh khác không có cơ hội như mình và cho phong trào khuyết tật ở Việt Nam.
Tôi rất thích món ăn Thái và sự thân thiện của thầy cô và bạn bè ở đây. Điều tôi ấn tượng nhất về con người những nơi tôi theo học là sự nghiêm túc và lòng chân thành. Dần dần, tôi cảm thấy hạnh phúc và tự tin hơn nhiều vì được học hỏi và hiểu biết về những môi trường sống khác biệt, nhất là hiểu về những điều kiện sống thuận lợi mà người khuyết tật ở Việt Nam còn thiếu.
Tháng 5/2008, nhận bằng thạc sĩ, tôi trở về nước, trở về lại câu lạc bộ người khuyết tật Cần Thơ, lúc này đã trở thành Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ. Đây là một tổ chức mà mọi người thường đùa là “đa đoan” vì hoạt động ở tất cả các lĩnh vực như đào tạo nghề và giải quyết việc làm; các chương trình an sinh xã hội; các hoạt động nâng cao nhận thức; các hoạt động nâng cao năng lực và các hoạt động hòa nhập cộng đồng. Tôi bắt tay ngay vào thực hiện ước mơ của mình: viết dự án, tìm tài trợ và quản lý các dự án tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật.
Đầu tiên là dự án “Nâng cao kỹ năng làm thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu dừa cho người khuyết tật Đồng bằng sông Cửu Long” do quỹ Ford tài trợ (2009 - 2011). Chúng tôi đã đào tạo nghề từ 6 - 12 tháng một người và có cửa hàng giới thiệu sản phẩm chính họ làm ra tại kios E 12 - E 13 chợ cổ Cần Thơ, khách hàng mỗi năm một tăng lên. Hiện nay, cơ sở Nhịp Cầu là nơi thực hiện dự án đã trở thành điểm tham quan mới cho du khách tại Cần Thơ.
Kế đó là các dự án khác nữa vì tôi cũng mong muốn người khuyết tật tự tin vào chính họ để có thể hòa nhập xã hội tốt hơn, bằng các dự án khác nhau. Trong vòng 6 năm, tôi đã viết và thực hiện thành công 10 dự án cho người khuyết tật Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung. Những đóng góp của tôi đã được biết đến thông qua các chuyến đi không chỉ trong nước, mà còn ở nước ngoài.
Giống như bài học về sự nỗ lực và sống độc lập của mẹ tôi, tôi hiểu rằng nếu được khơi gợi và có tinh thần tự lực, tiềm năng của mỗi con người sẽ được phát huy hết sức. Đó mới là con đường bền vững nhất để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Và hơn ai hết, tôi biết rằng nỗ lực của riêng người khuyết tật có nhiều bao nhiêu cũng không đủ để mở mọi cánh cửa, mà còn phải thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật và thay đổi môi trường về tiếp cận để người khuyết tật có thể sống, học tập, làm việc, đóng góp cho xã hội.
Tôi chính là minh chứng sống cho điều đó. Tôi đang đại diện cho một thế hệ trẻ, năng động, có tri thức, có ước mơ hoài bảo và đặc biệt là tôi luôn khao khát được làm việc, được cống hiến và được khẳng định cái quyền được làm việc như mọi người không khuyết tật. Tôi muốn thay đổi quan niệm sai lầm về khả năng lao động của người khuyết tật, phải xem xét dưới góc độ người khuyết tật là một nguồn lực của thị trường lao động. Nếu để người khuyết tật đứng ngoài thị trường lao động thì đó là một sự lãng phí tiềm năng rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy tôi biết con đường trước mắt còn rất dài để phấn đấu cho lý tưởng, sự khao khát cống hiến và tràn ngập hy vọng về một thế giới không rào cản.
Mẹ đã dạy tôi sự nỗ lực và độc lập để tự đứng lên. Chương trình học bổng Ford IFP đã cho tôi nhìn thấy thế giới rộng lớn với bao nhiêu cơ hội. Tôi đã và sẽ tiếp tục không dừng lại trước những cánh cửa đóng. Tôi tin rằng hãy gõ, cửa sẽ mở.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Huỳnh Ngọc Hồng Nhung