"Gọi được chừng một phút, Lợi cúp máy. Tôi chạy đi báo chính quyền địa phương, khoảng 5 phút sau gọi lại thì mất liên lạc đến bây giờ", chủ tàu Trần Văn Hiệp, 51 tuổi, ở TP Tuy Hòa, nói chiều 23/12. Ông cho biết bản thân cảm nhận được sự hoảng loạn thuyền trưởng Lợi và các thuyền viên ở đầu dây bên kia.
Khuya 22/12, tàu do anh Huỳnh Đức Lợi - cháu ông Hiệp làm thuyền trưởng, cùng 4 ngư dân (20-35 tuổi) chở nhiều tấn cá chuẩn bị về cảng Đông Tác, TP Tuy Hòa, sau gần hai tháng đánh bắt ở vùng biển Trường Sa. Khi đến vùng biển Khánh Hòa - cách Mũi Đôi, huyện Vạn Ninh khoảng 5 km, tàu bị sóng lớn đánh chìm.
Lúc nhận cuộc gọi của Lợi, ông Hiệp căn dặn các cháu chuẩn bị áo phao, quăng thuyền thúng xuống biển để thoát thân. Với kinh nghiệm 30 năm đi biển, ông trấn an mọi người trên tàu bình tĩnh, phải ưu tiên mạng sống, không được tiếc của mà bám lấy tàu. "Từ lúc nhận tin báo, tôi không thể nào chợp mắt", ông Hiệp nói.
Ông Hiệp kể tàu cá dài 15 m, công suất 400 CV, trị giá một tỷ đồng được ông vay ngân hàng mua để đi đánh bắt cá ngừ đại dương. Đầu tháng trước, ông cùng 5 người đưa đồ dùng, nước uống, lương thực xuống tàu đậu ở cảng cá Đông Tác, chuẩn bị ra khơi. Tàu vừa nổ máy, ông thấy người không khỏe nên đành quay về.
"Lúc đó, tôi chỉ kịp căn dặn anh em và giao cháu Lợi làm thuyền trưởng, rồi dùng thuyền thúng vào bờ", ông Hiệp kể, cho biết ai cũng kỳ vọng chuyến tàu sẽ thu được nhiều cá để có tiền lo cho gia đình.
Trong 50 ngày tàu cá ra khơi, ông Hiệp thường xuyên liên lạc với Lợi, hỏi thăm tình hình sức khỏe. Các cuộc gọi diễn ra trong thời gian ngắn vì các thuyền viên đều mệt mọi sau ngày dài làm việc. Người cháu trai cho biết chuyến cá không như kỳ vọng nhưng ai cũng vui vẻ chờ ngày vào bờ.
Hay tin tàu cá gặp nạn, nhiều người tập trung tại nhà ông Hiệp tại xóm Rớ, phường Phú Đông, để ngóng về kết quả tìm kiếm các ngư dân. Hầu hết họ là người thân, anh em bạn thuyền của những người mất tích.
Ngồi cạnh ông Hiệp, ông Huỳnh Đức Thắng, 60 tuổi, cha của Lợi không kìm được cảm xúc khi nhắc đến con trai. Ông cho biết mới 28 tuổi nhưng con trai đã có 15 năm làm nghề biển. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Lợi phải nghỉ học sớm, đi biển để kiếm tiền nuôi vợ con và cha mẹ già. "Tôi chỉ kịp nghe con nói ú ớ thì đầu dây bên kia bị mất sóng", ông nói về cuộc gọi cuối của con.
Cách nhà ông Hiệp khoảng 500 m, căn nhà của ông Trần Văn Quan, cha của thuyền viên Trần Trọng Quyền, 27 tuổi, cùng đi trên tàu với Lợi cũng có nhiều bà con đến hỏi thăm. Ông cho biết con trai làm nghề lái xe tải nhưng mấy tháng nay thất nghiệp nên đi biển để có tiền ăn Tết.
"Đây là chuyến đi biển đầu tiên của nó", ông Quan nói, cho biết lúc con trai bắt đầu ra khơi, mỗi ngày ông đều nhẩm đốt ngón tay tính ngày. Suốt thời gian đó, mỗi lần đi qua vùng có sóng điện thoại Quyền đều gọi về nhà hỏi thăm gia đình.
Bốn tiếng trước tàu gặp nạn, Quyền còn gọi điện về nhà nói gia đình chuẩn bị gà, vịt, dự kiến sáng hôm sau có mặt ở nhà. Vui mừng, ông Quan dặn vợ đi chợ mua đồ ăn, chuẩn bị để bồi bổ cho con trai. Khi nghe tin dữ, ông chạy xe máy từ TP Tuy Hòa, Phú Yên vào huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa để ngóng tin con.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực IV, cho biết đến nay các lực lượng chức năng vẫn đang phối hợp cảnh sát biển tìm 5 ngư dân mất tích. "Hiện trời tối, sóng lớn có thể sẽ ảnh hưởng đến việc tìm kiếm", ông Bình nói, cho biết hiện vẫn chưa thể nhận định chính xác về khả năng sống sót của họ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ hôm qua, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa giông, gió đông bắc cấp 6-7, giật tăng hai cấp, có thể xảy ra lốc xoáy. Biển động mạnh, sóng cao 4-6 m.
Bùi Toàn