Ông Ahmed bị giam giữ tại một nhà tù của IS gần thị trấn phía bắc Hawijah, cách thủ đô Baghdad hơn 240 km về phía bắc. Người đàn ông 46 tuổi bị buộc tội làm gián điệp cho lực lượng dân quân người Kurd và thường xuyên bị các phiến quân cực đoan tra tấn.
Có khi chúng bịt mặt ông bằng một túi nilon tới khi gần ngạt thở. Ông cũng bị đánh đập bằng ống nhựa hoặc roi điện, thậm chí còn có những cuộc hành quyết giả.
"Chúng có thể đặt súng vào đầu tôi và nói rằng chúng sẽ giết tôi, sau đó chúng nổ súng ngay bên cạnh", Washington Post dẫn lời ông Ahmed kể lại. "Chúng tôi luôn rất sợ bị hành quyết".
Ông Ahmed bị giam cùng hàng chục tù nhân khác trong một phòng, những người bị IS cáo buộc vi phạm bộ luật Hồi giáo hà khắc của chúng.
Khi nhóm cực đoan chiếm được Hawijah vào tháng 6/2014, ông từ chối gia nhập IS dù bị chúng gây áp lực. Những chuyến viếng thăm thường xuyên của Ahmed tới thành phố Kirkuk, nằm ngoài khu vực kiểm soát của IS, đã khiến các phiến quân nghi ngờ.
"Tôi đã cung cấp thông tin cho người dân ở đây vì chúng tôi muốn khu vực của mình được giải phóng", ông nói, nhắc đến người Kurd. "Chúng biết lý lịch của tôi rất rõ, gia đình tôi, bộ lạc của tôi. Chúng tìm kiếm những người có sức ảnh hưởng gia nhập", ông nói, thêm rằng cuộc sống ở thị trấn đã chuyển từ trắng sang đen khi bị nhóm phiến quân xâm chiếm.
Hồi tháng 5, ông bị 5 phiến quân IS bắt giữ ngay tại nhà, sau đó bịt mắt và tống vào tù. Ông đã không nhìn thấy ánh mặt trời suốt 5 tháng trời. Ông cầu nguyện được cứu giúp nhưng không dám hy vọng nhiều.
Cuộc đột kích trong đêm
2 giờ sáng ngày 22/10, lực lượng đặc biệt của người Kurd cùng 30 lính Mỹ, với trực thăng Chinook và Black Hawk, bất ngờ thực hiện chiến dịch giải cứu các tù nhân nằm trong tay IS ở Hawijah.
Ông Ahmed nghe thấy tiếng trực thăng tới gần. Khi lính gác bắt đầu la hét, ông nhận ra rằng nỗ lực giải cứu đang diễn ra.
"Lính nhảy dù, lính nhảy dù!", những tên lính gác hét lên hoảng loạn. Tuy nhiên, giới chức Mỹ và người Kurd sau đó tiết lộ rằng không có lính nhảy dù nào tham gia trong cuộc đổ bộ này và các trực thăng đã đỗ cách nhà tù gần 30 mét.
Trong một phòng giam khác, Qassim Awad, một tài xế 36 tuổi, từng phục vụ trong quân đội Iraq cũng bị tỉnh giấc bởi những âm thanh náo động.
"Chúng tôi nghe thấy tiếng trực thăng", anh kể lại. "Chúng tôi đều rất sợ hãi và trốn trong nhà tắm".
Theo lời một chỉ huy người Kurd trực tiếp tham gia, chiến dịch giải cứu tù nhân được lên kế hoạch trong vòng 5 ngày. Cuộc đột kích ban đầu dự kiến do người Kurd thực hiện, nhưng sau đó họ phải nhờ đến sự trợ giúp của lính Mỹ vì bị ghìm chặt.
Chỉ huy biệt đội người Kurd cho biết nhóm của ông đã bị lính cai ngục nã súng ngay khi máy bay hạ cánh. Theo kế hoạch, lực lượng người Kurd phải nắm thế chủ động.
"Chúng tấn công ngay lập tức", ông kể lại. "Chúng tôi đang có lợi thế vào lúc đó".
Lực lượng người Kurd đánh trả và giết hai tên phiến quân. Biệt đội của ông sau đó thử xâm nhập vào nhà tù nhưng lại tiếp tục bị tấn công.
"Chúng tôi bị cuốn vào cuộc đọ súng dữ dội nên đã yêu cầu hỗ trợ từ phía Mỹ", người chỉ huy cho hay. "Trong cuộc đọ súng cam go đó, thật không may khi một sĩ quan Mỹ hy sinh".
Khi lực lượng Mỹ và người Kurd tới phòng giam của Awad, họ nghe tiếng một tù nhân kêu cứu bằng tiếng Anh: "Xin hãy cứu chúng tôi! Làm ơn cứu chúng tôi!".
Các tù nhân bị khám xét và còng tay trước khi lên trực thăng rời đi. Các chiến binh người Kurd tiếp tục tìm kiếm nhưng không thấy những người đồng đội bị bắt giữ.
"Thất bại"
Lý do những tù nhân trên bị IS bắt giữ hiện chưa thể được xác minh. Hai tuần sau cuộc đột kích, họ vẫn bị chính quyền người Kurd và giới chức Mỹ thẩm vấn do lo ngại một số người có thể là thành phần ủng hộ IS bị tống giam vì những lỗi nhỏ.
Awad cho biết anh bị giam giữ vì cố gắng trốn khỏi Hawijah cùng hai người vợ và 10 đứa con. Anh đã ở trong tù hai tuần trước khi được cứu.
Kẻ phụ trách tra khảo tại nhà tù là một chiến binh từ tỉnh láng giềng Diyala, được gọi là "Abu Hajjar". Theo lời Awad, thính lực của anh đã bị ảnh hưởng sau khi bị đánh vào đầu bằng một đoạn ống nhựa.
Awad đã điểm chỉ vào lời thú tội dù không hề biết nó có nội dung gì vì bị bịt mắt. Anh kể rằng mình phải chờ phán quyết từ tòa án của IS nhưng chỉ mong bản án được thực thi ngay.
"Tôi đã thú nhận", anh kể. "Tôi không thể chịu nổi sự tra tấn. Những tù nhân khác kể với tôi về những cú sốc điện và tôi không thể chịu được điều đó. Tôi nghĩ chết là cách giải thoát tốt nhất nhưng họ đã tới".
Chiến dịch giải cứu hôm 22/10 đã cứu thoát 69 người và đánh dấu lần đầu tiên lính Mỹ trực tiếp tham gia cùng lực lượng Iraq trên chiến trường chống IS. Binh sĩ Mỹ thiệt mạng là thương vong trong chiến đấu đầu tiên kể từ khi quân đội Mỹ quay lại Iraq vào năm ngoái.
Theo chính quyền người Kurd, có 6 chiến binh IS bị bắt và 20 tên bị giết. Tuy nhiên, trong một video tung ra sau đó, IS tuyên bố chỉ có 6 tay súng của tổ chức này đối đầu trong cuộc tấn công và coi chiến dịch giải cứu trên là "một thất bại". Chúng cũng tuyên bố có 25 tù nhân bị giết chết.
Đoạn video còn quay cảnh hành hình 4 chiến binh người Kurd tại nhà tù đổ nát như một lời đáp trả.
"Obama, ông đã học được một bài học mới", một chiến binh IS đeo mặt nạ nói trong đoạn video. "Ông không đạt được bất cứ điều gì, ông trở về căn cứ với sự thiệt hại và nhục nhã".
Người lính Mỹ thiệt mạng là Joshua L. Wheeler, 39 tuổi, đã 14 lần được điều tới Iraq và Afghanistan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ca ngợi việc anh và một trong các đồng đội bảo vệ cho những người liên quan thâm nhập nhà tù đã giúp cho chiến dịch thành công.
"Anh ấy là một sĩ quan có năng lực. Anh ấy ra đi để lại một mất mát lớn", vị chỉ huy người Kurd nói.
Tuấn Vũ