Bị Taliban săn lùng, Khalid phải đưa gia đình ẩn náu ở Kabul, liên tục di chuyển nơi ở để tránh bị phát hiện và cố tìm đường tới các điểm hẹn để được di tản nhưng không thành công.
Sau ít nhất 4 lần phải đổi hành trình trong nhiều ngày, Khalid cùng gia đình cuối cùng được đưa lên trực thăng trong cuộc giải cứu nghẹt thở, được gọi là "Chiến dịch Giữ lời hứa" do quân đội Mỹ và các đồng minh thực hiện.
Nỗ lực giải cứu Khalid được thực hiện sau sự ủng hộ mạnh mẽ mà binh sĩ Mỹ dành cho anh. Các binh sĩ này cho rằng Khalid như thể anh em của họ khi đã giúp vô số người và chắc chắn sẽ đối diện cái chết nếu rơi vào tay Taliban.
"Tôi không cho rằng mọi người có thể hiểu được sự hỗn loạn đang diễn ra tại thủ đô lúc này cùng những biện pháp mà Taliban có thể thực hiện để dẹp bỏ mối đe dọa lớn nhất của họ là quân đội và cảnh sát", Chris Green, quan chức quân đội Mỹ từng làm việc với Khalid ở Afghanistan, nói.
Khalid và gia đình trước đó không thể tới được sân bay Kabul, do lực lượng Taliban đã kiểm soát các cửa ngõ tới sân bay. Khalid rất dễ bị phát hiện, bởi anh từng giữ chức cảnh sát trưởng tỉnh Helmand, miền nam Afghanistan, và nhiều lần xuất hiện trên truyền hình thách thức lực lượng Taliban.
Green cho biết ông vô cùng hạnh phúc khi biết tin Khalid và gia đình đã an toàn, thêm rằng trong nhóm quân nhân Mỹ giải cứu gia đình Khalid có những người từng làm việc với anh.
Sau khi rời thủ đô Kabul, Khalid cùng vợ và 4 con trai trong độ tuổi 3-12 đã được đưa đến một địa điểm an toàn bí mật dưới sự bảo vệ của Mỹ. Các quan chức Mỹ cho biết những đối tác Afghanistan khác từng làm việc cho họ, bao gồm thành viên lực lượng cảnh sát và quân đội, cũng xứng đáng được giải cứu và các nỗ lực đưa họ đến nơi an toàn đang được tiến hành.
Bạn bè của Khalid cho biết anh trước đó không có ý định rời Afghanistan và dự định sát cánh cùng mọi người để chiến đấu với Taliban sau khi lực lượng Mỹ rời đi. Tuy nhiên, chính phủ Afghanistan nhanh chóng sụp đổ và Tổng thống Ghani vội vàng bỏ trốn.
"Anh ấy đã chiến đấu tới khi không còn gì để chiến đấu. Anh ấy bị thương, bị bao vây và không được chi viện. Cấp trên của anh ấy trong khi đó vội thực hiện kế hoạch rút lui. Những người như anh ấy bị bỏ lại mà không có sự hỗ trợ nào", quan chức Mỹ nói về Khalid.
Gia đình của Khalid đã nộp đơn xin tị nạn ở Mỹ, song không rõ quá trình này mất bao lâu và liệu họ có được chấp thuận hay không. Những thông dịch viên và nhân viên từng làm việc cho Mỹ ở Afghanistan đủ điều kiện để xin thị thực nhập cư đặc biệt, song các thành viên quân đội hoặc sĩ quan cảnh sát thì không được như vậy.
Những sĩ quan Mỹ ủng hộ Khalid cho biết trước hết phải giúp gia đình anh rời đi rồi mới tính tới chuyện sau đó.
"Chẳng ai muốn sống trong cảm giác tội lỗi vì không thực hiện lời hứa của mình. Cam kết được thực hiện để giải cứu Khalid khiến bạn tự hào là một người Mỹ", quan chức Mỹ nói.
Ngọc Ánh (Theo AP)