V-League hạ màn hôm 27/8, khi CAHN hòa Thanh Hóa 1-1, còn Hà Nội thắng Viettel 3-2. Những kết quả đó đồng nghĩa CAHN kết thúc mùa giải bằng điểm Hà Nội (38), nhưng hơn hiệu số bàn thắng bại (+18 so với +13).
Kể từ khi V-League ra đời năm 2000, trước trường hợp của CAHN, có hai lần ban tổ chức phải xét chức vô địch dựa trên chỉ số phụ là mùa giải 2016 và 2017. Cả hai mùa đó đều xét đối đầu giữa các đội, trước khi tính hiệu số bàn thắng bại toàn giải.
Mùa 2016, Hà Nội và Hải Phòng đứng nhóm đầu cùng với 50 điểm, nên phải xét chỉ số phụ. Trong hai lần đối đầu khi đó, hai đội này đều thắng 2-1 trên sân nhà, vì thế chỉ số ngang nhau. Họ phải tính đến hiệu số bàn thắng bại và Hà Nội vô địch do có thông số tốt hơn (+17 so với +15).
Một năm sau, Quảng Nam và Thanh Hóa lại kết thúc giải với 48 điểm, đứng nhóm đầu. Nhưng xét đối đầu, Quảng Nam giành bốn điểm nên vô địch, bởi đối thủ chỉ có một điểm. Mấu chốt là trận thắng 3-2 của Quảng Nam trên sân Thanh Hóa, trong khi hai đội hòa 1-1 ở Tam Kỳ. Nếu điều lệ giải năm 2017 xét hiệu số bàn thắng bại toàn giải trước, Thanh Hóa mới là đội vô địch (+15 so với +14).
Chênh lệch lớn nhất giữa hai đội nhóm đầu V-League là mùa 2018, khi Hà Nội vô địch với 18 điểm nhiều hơn đội về nhì Thanh Hóa. Mùa đó, CLB Thủ đô cũng giữ thêm những kỷ lục khác như 20 trận thắng, hai thất bại, ghi 72 bàn, hiệu số bàn thắng bại +42 và giành 64 điểm.
Trong 23 mùa V-League đã qua, chỉ số của CAHN năm nay thấp hơn so với nhiều nhà vô địch trước đó. Họ đứng vị trí 15 về tỷ lệ thắng (55%), vị trí 13 về số bàn thua mỗi trận (1,05 bàn) và vị trí 16 về số điểm mỗi trận (1,9 điểm). Nhưng thành tích ghi bàn của CAHN thuộc nhóm trên, đứng thứ tám trong các nhà vô địch với 1,95 bàn mỗi trận.
Thành tích của Quảng Nam năm 2017 cũng không quá ấn tượng, khi tỷ lệ thắng của đội cả mùa chỉ là 0,5 - thấp bậc nhất trong những nhà vô địch tại giải. Họ cũng thủng lưới 1,23 bàn mỗi trận, nhiều thứ ba chỉ sau Long An năm 2006 và Bình Dương 2015. Nhà vô địch có hàng thủ tốt nhất là HAGL năm 2004 với 0,68 bàn thua mỗi trận.
Đây là mùa đầu tiên CAHN trở lại V-League sau 20 năm. Đội bóng đổi tên từ Công An Nhân Dân (CAND), sau khi giành suất lên hạng mùa trước. CAHN trở thành đội đầu tiên vô địch ngay sau khi lên hạng sau 20 năm, kể từ HAGL năm 2003. Họ còn gia nhập nhóm đăng quang V-League một lần, sau Cảng Sài Gòn năm 2002, Quảng Nam 2017 và Viettel 2020. Sáu nhà vô địch còn lại đều có hai danh hiệu trở lên, kỷ lục thuộc về Hà Nội với sáu lần lên ngôi năm 2010, 2013, 2016, 2018, 2019 và 2022.
Sức mạnh hàng công của CAHN phụ thuộc chủ yếu vào ba ngoại binh, bởi không cầu thủ nội nào của họ ghi quá ba bàn mùa này. Cầu thủ nội ghi bàn tốt nhất của tân vương là Lê Văn Đô và Vũ Văn Thanh, đều ba bàn. Tổng cộng số bàn của bốn tiền đạo ngoại cho CAHN mùa này chiếm 62% pha lập công của đội.
Điều này cũng không quá bất ngờ khi Văn Đức chấn thương và sa sút phong độ, còn Quang Hải mất nhiều thời gian hòa nhập. Đây là mùa đầu tiên Văn Đức không ghi bàn nào ở V-League kể từ khi anh chấn thương nghỉ gần trọn năm 2019. Còn trước khi ghi bàn đầu cho CAHN - ở trận thắng Viettel 3-0 tại vòng áp chót, Quang Hải trải qua chuỗi hơn 20 trận tịt ngòi ở mọi cấp độ.
Cầu thủ nội ghi bàn tốt nhất V-League 2023 là Nguyễn Văn Quyết với chín bàn, dù bị treo giò tám trận giữa mùa giải. Thành tích của thủ quân CLB Hà Nội chỉ sau ba ngoại binh là Vua phá lưới Rafaelson, Jhon Cley và Bruno Cantanhede. Hiệu suất 0,69 bàn mỗi trận cũng là thành tích cá nhân tốt nhất với anh tại giải.
Xuân Bình