Cụ thể, đã có gần 19 tỷ tin nhắn miễn phí được gửi đi trên điện thoại di động so với 17,6 tỷ SMS. Xu hướng này dẫn đầu bởi Whatsapp và tuần trước, Nokia cũng đã tung ra mẫu điện thoại đầu tiên tích hợp nút truy cập Whatsapp.
Điều này khiến các hãng viễn thông đứng ngồi không yên bởi SMS bao lâu nay vẫn được coi là "cần câu cơm" của họ. Kết quả khảo sát độc lập của Ovum đầu tháng 4 cho thấy nhà mạng toàn cầu mất tới 25 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ tin nhắn trong năm 2012 vì sự nổi lên của ứng dụng miễn phí. Con số này sẽ tăng lên thành 34 tỷ năm nay, thậm chí nhân đôi lên 56 tỷ USD vào 2016 khi mà SMS phải nhường chỗ cho ứng dụng nhắn tin qua Internet.
Tuy nhiên, đây chỉ là những con số được tính theo kiểu "đếm cua trong lỗ" vì các ứng dụng chat đạt được thành tích "khủng" như vậy đơn giản nhờ chúng miễn phí (trung bình, người dùng chia sẻ 32,6 tin nhắn mỗi ngày trong khi chỉ gửi 5 SMS). Thống kê của công ty Informa chỉ ra rằng có tới 3,5 tỷ người sử dụng SMS năm ngoái trong khi mới chỉ có 586,3 triệu người tham gia vào 6 ứng dụng chat thuộc hàng phổ biến nhất trên điện thoại hiện nay là WhatsApp, BlackBerry Messenger, Viber, Nimbuzz, Apple iMessage và KakaoTalk.
Dù khiến nhà mạng "điên đầu", các nhà phát triển ứng dụng cũng đang gặp những vấn đề hóc búa không kém. Whatsapp không còn một mình chiếm cả thế giới như khi lần đầu xuất hiện năm 2009. Trang The Verge dùng từ "chiến tranh tin nhắn" để mô tả sức nóng của thị trường này với sự tham gia quyết liệt của Viber, Kik, Line, Tellit, iMessage, Moped, Facebook Messenger... Về lý thuyết, ứng dụng với tính năng tốt nhất sẽ dành chiến thắng, nhưng nó cũng sẽ nhanh chóng biến mất khi không kịp đổi mới so với đối thủ. Một lý do nữa, đây là cuộc chạy đua hao tài tốn của, như Viber tiêu tốn 200.000 USD mỗi tháng để có thể duy trì dịch vụ trên khắp toàn cầu, trong khi đa số vẫn còn đang loay hoay tìm cách kiếm tiền từ sự miễn phí nên phải là những công ty có nguồn lực tài chính lớn hoặc được "mạnh thường quân" đỡ đầu mới có thể tồn tại.
Chưa kể, Ted Livingston, CEO của Kik, cho hay thị trường tin nhắn đang bị phân mảnh. Đa phần các dịch vụ đều có những tính năng giống nhau như nhắn tin, thoại, gửi lời nhắn bằng giọng nói, chia sẻ địa điểm, sticker/emoticon, chat nhóm... nên việc thống trị ở mỗi nước là do lựa chọn đúng thời điểm, đúng nền tảng khởi đầu. Whatsapp hiện vững chắc ở ngôi số một với hơn 200 triệu người dùng hàng tháng, vượt cả Twitter. Kik có vị trí khá tốt ở Mỹ, Line làm mưa làm gió ở Nhật, Viber lớn mạnh tại Ấn Độ và Nga, KakaoTalk giành ngôi vương ở Hàn Quốc, Indonesia còn Skype thống trị Đức, Pháp.
"Ở mỗi nước, mỗi ứng dụng có một cơ hội hoàn toàn khác nhau. Nhưng xét trên toàn cầu, câu trả lời sẽ phức tạp hơn và khó có thể xác định ai là kẻ chiến thắng", Talmon Marco, sáng lập Viber, chia sẻ.
Có nhiều mảng dịch vụ "được ăn cả ngã về không" trên môi trường Internet, như Twitter dẫn đầu về tiểu blog, Facebook đứng số một trong lĩnh vực mạng xã hội (bất chấp sự nỗ lực của Google, Google+ vẫn không thu hút được đủ người dùng tích cực tham gia)... Nhiều người tin rằng điều này cũng sẽ xảy ra với ứng dụng nhắn tin miễn phí, do đó các nhà phát triển đã đổ không biết bao nhiêu tiền của để cố gắng chiếm vị trí số một.
"Tôi không nghĩ đây là cuộc chơi một mất một còn. Người sử dụng sẵn sàng cài 5 ứng dụng chat khác nhau trên cùng một thiết bị để luôn liên lạc được với người họ cần (như người dùng Viber, người dùng Line...)", Schuyler Deerman, sáng lập Moped, nhận định.
Còn giới công nghệ lâu nay vẫn mong mỏi một "chuẩn thông số mở" để các ứng dụng chat có thể liên thông với nhau. Như e-mail, người dùng Yahoo Mail không phải bận tâm khi gửi thư tới địa chỉ Gmail hoặc địa chỉ hòm thư nội bộ của một tổ chức như @mic.gov.vn... Hay hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên thế giới đã ký thỏa thuận chung để người dùng của họ có thể gọi, nhắn tin qua lại với nhau. Ngược lại, các chương trình nhắn tin kể cả trên web lẫn điện thoại di động lại đang hoạt động theo kiểu "mỗi người một phách" và chỉ có thể liên thông một cách hạn chế nếu có sự hợp tác giữa hai bên.
Châu An