Dưới cái nắng ngoài trời hơn 40 độ C, gần 40 công nhân, kỹ sư dự án Nhà máy điện mặt trời Đức Huệ 1 (Long An) vẫn tất bật làm việc, hoàn thành thí nghiệm cuối cùng, truyền số liệu về Trung tâm Điều độ điện Quốc gia (A0), để được công nhận vận hành thương mại (COD).
Ông Phạm Xuân Dương - Giám đốc dự án cho biết, Đức Huệ 1 là một trong 7 dự án điện mặt trời của Tập đoàn Thành Thành Công "cán đích" đóng điện trước ngày 30/6. Khi đi vào vận hành, nhà máy với công suất 49 MW này sẽ cung ứng khoảng 72 triệu kWh điện một năm cho hệ thống điện quốc gia.
Không riêng điện mặt trời Đức Huệ 1, những ngày cuối tháng 4 trên khắp các "cánh đồng điện mặt trời" khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ... những công đoạn cuối cùng quá trình thí nghiệm để bước vào vận hành thương mại (COD) đang được chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn thiện. Điểm chung của các dự án này khiến chủ đầu tư "mở hết tốc lực" đưa dự án cán đích trước thời điểm 30/6 là để được mức giá ưu đãi 9,35 cent một kWh trong 20 năm vận hành dự án.
Một dự án điện mặt trời khác tại Long An là Euro Plast có quy mô công suất 50 MWp cũng đang khẩn trương hoàn thành các bước xây dựng cuối cùng và chuẩn bị nghiệm thu. Có tổng mức đầu tư ban đầu 1.157 tỷ đồng, dự án do Công ty cổ phần Nhựa châu Âu làm chủ đầu tư và sau đó đã chuyển giao cho Công ty Sao Mai tiếp tục thực hiện. Theo tính toán, với sản lượng điện 70 - 80 triệu kWh một năm, doanh thu của dự án điện mặt trời này khoảng 160 tỷ đồng mỗi năm.
Trong khi đó, tại cụm dự án Điện mặt trời Dầu Tiếng (Tây Ninh) với 3 nhà máy tổng công suất 500 MW trải dài trên diện tích khoảng 700 ha, hiện các cán bộ kỹ thuật của A0 đã có mặt tại hiện trường nghiệm thu. Ông Vũ Huy Cường - chỉ huy trưởng công trình cho hay, dự án đã sẵn sàng lên lưới điện quốc gia 150 MW đầu tiên và dự kiến phát điện thương mại vào giữa tháng 5 và đến ngày 30/6 sẽ hoà lưới toàn bộ các nhà máy còn lại. "Thời hạn tới mốc 30/6 không còn nhiều, có thời điểm chúng tôi phải tăng ca, làm ngày làm đêm, nhưng nhất định phải xong", ông Cường nói. Khi đi vào hoạt động, 3 dự án điện mặt trời Dầu Tiếng ước tính sẽ mang lại doanh thu 350.000 - 400.000 USD một ngày.
Còn tại Ninh Thuận, vài ngày trước dự án nhà máy điện mặt trời của BIM cũng công bố về đích, đấu nối thương mại COD thành công. Dự án này có công suất 330 MW, cấp khoảng 450 triệu kWh điện mỗi năm.
Cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tới 21/4 đã có hơn 606 MW điện mặt trời hoàn tất các thí nghiệm để bước vào vận hành thương mại (COD). Số lượng dự án điện mặt trời dự kiến vận hành đến 30/6 là 90 dự án, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam với 54 dự án, miền Trung 28 dự án và miền Bắc 6 dự án. Việc dồn dập tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận COD cho gần 100 dự án điện mặt trời trong khoảng thời gian ngắn, theo A0 cũng là thách thức không nhỏ với các đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện.
Ông Nguyễn Đức Ninh – Phó giám đốc A0 cho biết, việc vận hành các nhà máy điện mặt trời sẽ gặp không ít khó khăn, do nguồn năng lượng này có tính không ổn định về công suất phát. Cụ thể, công suất nguồn năng lượng mặt trời thay đổi tức thời theo điều kiện thời tiết; các nhà máy trong cùng khu vực có xu hướng cùng biến động, dẫn đến sự thay đổi đồng thời một lượng công suất lớn – tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định hệ thống.
Ngoài ra, từ tháng 6 việc vận hành các nguồn năng lượng tái tạo phải đảm bảo yêu cầu không gây quá tải các đường dây, máy biến áp, dẫn đến sóng hài điện áp có khả năng vượt giới hạn trên lưới điện 110 kV, nhất là khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận... Bên cạnh đó, số lượng các nhà máy điện mặt trời dự kiến vào vận hành từ nay đến hết tháng 6 là rất lớn, gây khó khăn và áp lực lớn về tiến độ thử nghiệm, nghiệm thu; chưa kể một số thời điểm tình hình thời tiết không đảm bảo điều kiện yêu cầu để vận hành thử nghiệm.
Thực tế, từ giữa tháng 3, A0 đã tăng thời gian làm việc 3 ca, kể cả ngày nghỉ cuối tuần; sắp xếp bố trí nhân lực để hỗ trợ các bộ phận có khối lượng công việc tăng cao như Trung tâm điều độ miền Trung và miền Nam. Ngoài ra, số lượng thí nghiệm cơ bản để đạt vận hành thương mại cũng được EVN giảm xuống còn 3, thay vì 8-10 thí nghiệm như trước. Thời gian nghiệm thu nhờ đó cũng rút ngắn một nửa, 10-15 ngày.
Anh Minh