Mùa golf ở Hàn Quốc thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9. "Khi tôi và bạn bè đi chơi golf, sẽ có sự so kè xem đang sử dụng sản phẩm gì, mặc nhãn hiệu nào trên người. Bất kể tôi đi với nhóm nào, luôn có sự bí mật so sánh. Tôi không muốn thua kém ai", Kim Min-young nói.
Mỗi năm Kim chi trung bình một triệu won cho bộ môn này. Cô nằm trong số hàng triệu phụ nữ trẻ Hàn Quốc mê golf và dành sự quan tâm đặc biệt cho trang phục.
Theo Golf Datatech, công ty nghiên cứu về golf có trụ sở tại Mỹ, thị trường hàng hóa liên quan đến golf đã tăng 30% trên toàn cầu trong đại dịch Covid-19, Mỹ chiếm thị phần lớn nhất với hơn 48%, Hàn Quốc chiếm thứ ba với hơn 10%. Tuy nhiên khi nói đến thị trường quần áo chơi golf, Hàn Quốc dẫn đầu với 45%, vượt xa con số 26% của Mỹ. Dữ liệu cho thấy gần một nửa số quần áo chơi golf trên thế giới vào năm 2022 được tiêu thụ ở Hàn Quốc.
Có thể ngạc nhiên khi quần áo chơi golf lại được săn lùng ráo riết như vậy, vì không có nhiều sân golf trong nước. Theo Viện Công nghiệp Giải trí Hàn Quốc (KoLe), tính đến cuối năm 2021, Hàn Quốc có 541 sân golf, chỉ chiếm khoảng 1,4% tổng số sân trên thế giới, con số này ở Mỹ là 16.000 sân.
Seo Cheon-beom, người đứng đầu KoLe, nói rằng sự phổ biến đột ngột của môn đánh golf ở Hàn Quốc gần đây đang hướng tới thế hệ trẻ - đặc biệt là phụ nữ ở độ tuổi 20. Năm 2019, một tay golf nữ trung bình ra sân 1,3 lần và tăng lên 16,3 lần vào 2021.
Một lý do khác khiến Hàn Quốc đang nổi lên như một thánh địa thời trang cho trang phục chơi golf là vì cách người ta cảm nhận về bộ môn này. "Trong khi Mỹ và châu Âu không quan tâm đến thời trang trên sân, ở Hàn Quốc sân golf được coi là nơi thu hút những người có địa vị xã hội cao. Hầu như ai cũng muốn bảnh bao và chơi nó như một cách khoe khoang tinh vi", Seo nói.
Giáo sư khoa học tiêu dùng Lee Eun-hee, Đại học Inha, cho biết người Hàn Quốc có xu hướng so sánh mình với người khác. "Mong muốn phô trương địa vị xã hội của một người bằng sự giàu có đã khắc sâu trong họ. Tham gia một trong những trò tiêu khiển xa xỉ như vậy, những ham muốn như trên tự nhiên sẽ nổi lên, được thể hiện dưới dạng các mặt hàng đắt tiền liên quan đến golf", chuyên gia này nói.
Nhận thấy "miếng bánh béo bở" này, một số thương hiệu đang chớp lấy cơ hội. Một lãnh đạo của thương hiệu golf toàn cầu Titleist cho biết nếu xét về quần áo chơi golf, Hàn Quốc hiện là thị trường lớn nhất của hãng.
Các doanh nghiệp kinh doanh về golf nội địa cũng ghi nhận doanh số bán hàng tăng đáng kể. Gã khổng lồ thời trang Hàn Quốc Kolon FnC tung ra một loạt thương hiệu nội địa đình đám như Waak, Golden Bear và G/fore.
"Chỉ riêng doanh số bán hàng thương hiệu cao cấp G/fore của chúng tôi ước tính đã đạt doanh thu 100 tỷ won vào năm 2022", một lãnh đạo của Kolon cho biết.
Những người làm trong ngành đồng ý rằng đại dịch đã giúp thúc đẩy rất nhiều nhu cầu về các mặt hàng liên quan đến chơi golf, đặc biệt khi các hoạt động tiêu khiển khác như du lịch nước ngoài bị hạn chế. Tuy vậy, một số thương hiệu cũng bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm tăng trưởng doanh số bán hàng gần đây.
"Thị trường đang được định hình lại khi đại dịch gần kết thúc. Chúng tôi tin chỉ những thương hiệu có bản sắc rõ ràng và lượng khách hàng vững chắc mới tiếp tục tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt", lãnh đạo của Titleist cho biết.
Bảo Nhiên (Theo Koreaherald/Koreajoongangdaily)