Quá trình chuyển đổi của Myanmar hứa hẹn trở thành động lực cho kinh tế khu vực, và việc cạnh tranh để giành được những hợp đồng và ưu đãi ở nước này đang tạo ra cuộc chạy đua rõ ràng giữa các ông lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước phương Tây.
Myanmar mở cửa, với nguồn tài nguyên dồi dào và bờ biển trải dài ở Ấn Độ Dương, đang là nam châm thu hút những người kinh doanh đến tìm cơ hội. Ảnh minh họa: umncignite.com |
Với bờ biển trải dài ở Ấn Độ Dương và vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, Myanmar là nhân tố hàng đầu về phát triển cảng biển. Họ tự hào với ba dự án lớn về phát triển cảng biển, trong đó có cảng Sittwe trên bờ biển phía bắc và Dawei ở miền nam. Các dự án này đại diện cho một mô hình thu nhỏ của cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và thế giới, để giành lấy ưu thế trong kinh tế ở Myanmar cũng như bảo đảm an ninh trên các tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng.
Được Ấn Độ cung cấp tài chính và xây dựng, cảng Sittwe là một phần trong Dự án giao thông đa phương tiện Kaladan, một sáng kiến sâu rộng được thiết kế để kết nối miền đông Ấn Độ với Myanmar và, mở rộng hơn là phần còn lại của khu vực, thông qua đường biển, đường sông và đường cao tốc. New Delhi coi dự án lớn này là một phần cấu thành của với chính sách “Hướng Đông”, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gia tăng ảnh hưởng chính trị thông qua việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng.
Cuộc gặp tháng trước giữa Tổng thống Myanmar Thein Sein và Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ, Meira Kumar đã ra một tuyên bố rằng hai bên có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quá cảnh Kaladan. Tuyên bố này không chỉ nhấn mạnh sự nồng ấm trong quan hệ song phương, mà còn nêu bật tầm quan trọng tổng thể của dự án trong bối cảnh kinh tế và chính trị hiện nay.
Vì vậy, việc Ấn Độ đầu tư 100 triệu USD ở cảng Sittwe có thể được coi là một thành phần cốt lõi của nỗ lực lớn của New Delhi nhằm mở rộng ảnh hưởng khu vực của Ấn Độ thông qua việc giúp Myanmar vượt qua sự lạc hậu kinh tế và yếu kém triền miên về quản lý sau hàng thập kỷ dưới sự lãnh đạo của quân đội.
Cảng Kyaukphyu là nền tảng trong chiến lược của Trung Quốc ở Myanmar nói riêng và toàn khu vực nói chung. Đối với Bắc Kinh, Kyaukphyu, cách 100 km về phía nam cảng Sittwe, có tầm quan trọng trung tâm vì nó tạo ra một cơ sở cho luồng đầu tư của Trung Quốc vào cả hai lĩnh vực sản xuất năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng ở Myanmar. Ngoài ra, cảng này còn giúp Trung Quốc một đường tiếp cận trên đất liền ra Ấn Độ Dương, điều mà Trung Quốc đã tìm kiếm hàng thập kỷ qua. Con đường bộ cũng có thể là một giải pháp thay thế dành cho việc chuyên chở nhiên liệu từ khu vực Trung Đông về Trung Quốc.
Cũng giống y như trong trường hợp Trung Quốc cấp tài chính xây dựng cảng Gwadar ở Pakistan (và giờ đây thì họ đã khiểm soát và điều hành), Bắc Kinh coi những cảng nước sâu ở Nam Á là cần thiết cho sự phát triển kinh tế và tham vọng địa chính trị. Đồng thời, tình trạng bất ổn chính trị và sắc tộc ở bang Rakhine của Myanmar đã chứng tỏ với thế giới nói chung, và Trung Quốc nói riêng, rằng những mối quan ngại về bất ổn định và an ninh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các hải cảng ở Myanmar.
Vị trí chiến lược của cảng Dawei. Đồ họa: daweidevelopmnent.com |
Mặc dù có chung một số điểm tương đồng với các hải cảng Sittwe và Kyaukphyu, kế hoạch xây dựng một hải cảng tại Dawei trên bờ biển phía nam của Myanmar đang phải đối mặt với những trở ngại lớn hơn. Ban đầu được dự kiến là một liên doanh lớn giữa Thái Lan và Myanmar và sẽ hoàn thành vào năm 2020, dự án này đã gặp phải những trở ngại lớn khi thực hiện, bao gồm cả nghi ngờ của các nhà đầu tư Nhật Bản về tính khả thi của dự án lớn 58 tỷ USD này.
Dawei, đầu tiên được thiết kế thành một đặc khu kinh tế được trang bị đầy đủ với những mạng đường sắt tốc độ cao, hiện đại và một khu công nghiệp lớn nhất ở khu vực, nhằm kết nối Myanmar với các nền kinh tế của khu vực rộng lớn.
Kyaukphyu, là đại diện cho cửa khẩu đầu mối của các đường ống nhập dầu và khí do Trung Quốc cấp vốn, chạy khắp Myanmar đến tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Những đường ống này không chỉ là phương tiện vận chuyển năng lượng nhập khẩu đáng tin cậy từ Trung Đông và châu Phi trực tiếp cho Trung Quốc mà không phải đi qua Eo Malacca chật hẹp và Biển Đông đang nổi sóng, chúng còn có thể sẽ cung cấp cho Trung Quốc một đường ống trực tiếp trong tương lai, kết nối việc khai thác trên 20 lô dầu và khí ngoài khơi dự kiến sẽ được đưa ra đấu giá vào tháng tư tới.
Đối với Trung Quốc, mạng lưới đường ống này là tiêu điểm của chiến lược đầu tư và năng lượng tổng hợp của họ ở Myanmar. Việc tái diễn nội chiến gần đây ở bang Kachin, sau 17 năm ngưng bắn, đã gây trở ngại cho việc xây dựng và khai trương đường ống. An ninh đã trở thành một mối quan ngại lớn đối với Trung Quốc, đến mức mà Trung Quốc được cho là đã thuê quân đội Myanmar ở phía bắc đứng ra đảm bảo an ninh cho việc xây dựng đường ống.
Một nghiên cứu năm 2008 của Earth Rights International ghi nhận rằng: “Chí ít có 16 công ty đa quốc gia của Trung Quốc đang can dự vào trên 21 dự án khai thác dầu khí trên đất liền và ngoài khơi ở [Myanmar], trong đó có mặt toàn bộ ba công ty lớn của Trung Quốc là Sinopec, China National Petroleum Corporation (CNPC), và công ty China National Offshore Oil Corporation (CNOOC).”
Việc nhiều nhà đầu tư Trung Quốc dính líu đến tất cả các lĩnh vực trong ngành năng lượng của Myanmar cho thấy tầm quan trọng của Myanmar trong các kế hoạch về an ninh năng lượng dài hạn của Trung Quốc.
Dự án đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc cấp 3,6 tỷ USD vốn trên sông Irrawaddy ở bang Kachin, cũng gây ra tranh cãi. Dự kiến 90% lượng điện sản xuất ra sẽ được xuất khẩu cho khu vực phía tây nam Trung Quốc vào lúc Myanmar vẫn còn thiếu điện kinh niên. Bạo lực và bất ổn, những quan ngại về môi trường và những vấn đề khác về tự hào dân tộc tất cả đã góp phần vào quyết định treo dự án lại.
Bắc Kinh đã đứng ra đăng cai chủ nhà cho một số cuộc đàm phán hòa bình giữa phiến quân Kachin và chính phủ Myanmar, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả đáng kể. Bắc Kinh cũng đảm nhận một vai trò làm người kiến tạo hòa bình khác thường trong một nỗ lực gây ảnh hưởng đối với tiến trình đàm phán, với hy vọng rằng một nền hòa bình lâu dài sẽ cho phép dự án đập thủy điện Myitsone được tiếp tục.
Nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ và tạo thành cửa ngõ với Đông Nam Á, Myanmar giờ đây đang sẵn sàng hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh địa chiến lược của các bên muốn có nguồn tài nguyên, các hợp đồng và thị trường của Myanmar.
Phạm Ngọc Uyển (theo Asia Times)