Người phụ nữ 32 tuổi ở quận Bắc Từ Liêm có ý định mua căn hộ này từ cuối 2020 với giá 1,6 tỷ đồng nhưng chần chừ vì khu đó là nhà ở xã hội, chưa đủ điều kiện sang tên đổi chủ. Đầu năm nay chị quay lại đã thấy giá gấp đôi. "Tôi tiếc tiền chưa mua, giờ lại ước giá như chốt luôn hôm đó", chị Hồng nói.
Sau lần mua hụt đó, chị mở rộng tìm kiếm sang các khu chung cư quanh vành đai 3 nhưng tình trạng chung của các căn hộ khu vực này là đã xuống cấp, dù là chung cư cao cấp hay nhà an sinh. Vào các sàn tìm hiểu toàn thấy người rao ảo, nói căn đó đã bán hoặc "nhầm giá", sau xin số điện thoại để gửi thông tin căn khác.
Không mua được chung cư gần, gia đình chuyển sang mua nhà đất xa trung tâm. Suốt mùa hè vừa qua Hồng gác lại các công việc để đi tìm, mong tìm được chính chủ bán nhà. Nhưng nghĩ đến cảnh quãng đường xa xôi, ở xa ông bà, con cái đi học không tiện, chị lại tìm về gần.
Tiếp tục đà tăng của năm 2023, 6 tháng đầu năm nay giá chung cư Hà Nội tăng nóng và liên tiếp thiết lập mặt bằng giá mới. Giá trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư bán ra) trung bình 65 triệu đồng một m2, tăng 10% theo quý và 24% theo năm. Kể từ năm 2020, giá căn hộ trên thị trường sơ cấp tăng 18% mỗi năm và đã tăng liên tiếp 22 quý, trong khi giá thứ cấp tăng 14% mỗi năm, theo "Báo cáo 6 tháng đầu năm của Savills Việt Nam".
Khảo sát của VnExpress tại một số dự án hồi đầu tháng 5/2024 căn hộ giá 2,4 - 2,6 tỷ đồng, nay đều chào bán 2,7 - 2,8 tỷ đồng. Các căn studio tăng giá khoảng 200 triệu đồng, căn 2-3 phòng ngủ tăng khoảng 250 triệu đồng chỉ sau ba tháng. Đà tăng này ở hầu hết các quận.
Cá biệt, một số chung cư cũ gần trung tâm có giá mở bán dưới 20 triệu đồng một m2 chục năm trước, nay được thổi giá theo ngày. Dự án chị Thúy Hồng ngắm ở đường Phạm Văn Đồng có giá bán khoảng 1,2 tỷ đồng năm 2018, đến cuối năm ngoái được giao dịch giá khoảng 3 tỷ và nay lên mốc 3,5 - 3,8 tỷ trong khi giá rao đã trên 4 tỷ đồng.
Bất chấp giá nhảy múa, toàn thị trường Hà Nội nửa đầu năm ghi nhận hơn 52.000 giao dịch, trong đó chung cư (cả sơ cấp và chuyển nhượng) chiếm tới 54%, theo báo cáo mới đây của OneHousing. Mức độ tăng giá nhanh khiến nhiều gia đình rơi vào tình cảnh chới với như nhà chị Hồng, không mua thì sợ bỏ lỡ, mua thì sợ hớ.
Có trong tay 4 tỷ đồng tiết kiệm sau hơn 5 năm kết hôn, vợ chồng anh Việt Hưng, 28 tuổi, quận Hoàng Mai vẫn chưa thể mua được nhà dù quyết tâm từ tháng 6/2023.
Ban đầu họ tìm các dự án ở trong quận khi giá "vẫn còn chấp nhận được". Đến khi chọn được một căn, giá bắt đầu tăng liên tục. Hưng theo dõi thị trường trong địa bàn và nhận thấy có những căn mãi không bán được, nhưng mỗi ngày lại tăng vài chục đến cả trăm triệu, sau một năm tăng cả tỷ đồng.
"Tôi gặp phải tình trạng chung là mới đi xem buổi chiều, tối về bàn bạc với gia đình thì môi giới báo đã bán và có căn khác giá cao hơn. Có căn đã đặt cọc mà chủ nhà đổi ý không bán vì nghĩ giá còn tăng tiếp", Hưng nói.
Cặp vợ chồng buộc phải hạ tiêu chí. Từ việc tìm mua nhà gần cha mẹ để tiện chăm sóc, họ mở rộng ra. Từ chỗ định tính vay thêm một chút để mua căn ba phòng ngủ, nhưng giờ ngay cả căn hai phòng ngủ, diện tích 70 m2 cũng quá sức vì đã lên sát 7 tỷ đồng.
"Tôi nhận ra có cố gắng tăng thêm 20-30% thu nhập cũng khó đua được mức tăng giá nhà hiện nay", Hưng nói.
Giá nhà tăng nóng khiến những người có nhu cầu "cố mãi không nổi" tỏ ra bức xúc. Trong khoảng một tháng trở lại đây, trên mạng xã hội xuất hiện hàng chục hội nhóm kêu gọi cẩn trọng mua nhà Hà Nội. Sôi nổi nhất là "Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá" có gần 70.000 thành viên, mỗi ngày có cả chục bài đăng chia sẻ tình huống của người mua nhà. "Chúng tôi không cần mua rẻ, chỉ muốn mua đúng giá trị thật", Hoàng Minh Anh, quản trị viên của nhóm nói.
Khảo sát mới đây của VnExpress với 3.400 độc giả cho thấy gần một nửa đánh giá chung cư Hà Nội đang bị thổi cao hơn giá trị thật. Nhiều người phải hạ tiêu chuẩn hoặc không muốn mua nữa khi chung cư liên tục bị đẩy giá.
Ông Nguyễn Chí Thanh, phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam khẳng định các loại hình bất động sản ở Hà Nội, nhất là chung cư đang có hiện tượng đẩy giá bất hợp lý. "Một căn hộ đã sử dụng mười mấy năm, giá tăng gấp đôi, gấp ba là bất bình thường", ông nói.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành bất động sản, ông Nguyễn Xuân Lộc, tổng giám đốc công ty bất động sản MSH Group cho biết có nhiều nguyên nhân khiến giá nhà Hà Nội tăng, chủ yếu vẫn là nhu cầu mua nhà lớn trong khi nguồn cung có hạn. Nửa đầu năm nay ghi nhận lượng mở bán tập trung hầu hết ở nhóm căn hộ trung và cao cấp, nằm ngoài khả năng tài chính của số đông người mua nhà.
Bà Đỗ Thị Thu Giang, giám đốc dịch vụ tư vấn Savills Việt Nam cho biết Luật Đất đai sửa đổi sẽ đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng, các chủ đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn đất giá thấp, từ đó phát triển nhà ở phải chăng.
"Việc mua nhà tại các vị trí tốt thường không khả thi đối với người mua lần đầu. Tuy nhiên, việc cung cấp hạ tầng giúp giảm thời gian di chuyển và mở ra nhiều sự lựa chọn hơn ở các vùng lân cận, giải quyết được vấn đề về giá cả phải chăng", bà nói.
Cũng như mọi gia đình trẻ, vợ chồng Hưng khát khao một tổ ấm của riêng mình. Nhu cầu mở rộng không gian sống trở nên bức thiết khi cuối năm nay họ sẽ đón đứa con thứ hai. Nhưng giá chung cư cao bất thường khiến họ đuổi hụt hơi cũng không tới, nên quyết định dừng mua.
Với vợ chồng chị Thúy Hồng, bốn năm qua kinh doanh thành công, giúp họ gia tăng tài sản từ một lên bốn tỷ đồng. Lần này đi mua nhà họ rất tự tin, song thực tế "như cú tát vào mặt". Từ chỗ tính mua căn dưới 3 tỷ đồng, giờ họ xác định có thể phải chi 6 tỷ đồng, nếu có căn ưng.
"Tôi không muốn tạm bợ đi thuê, nhưng quyết tâm mua mà mức giá quá vô lý", chị nói. "Mong ước mua được nhà riêng suốt bốn năm đến nay coi như vỡ mộng".
Phan Dương