Hai công ty chứng khoán FPT và Âu Việt vừa được chấp thuận thành lập về mặt nguyên tắc. Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương (Techcombank), một loạt doanh nghiệp lớn cũng đang chuẩn bị thành lập công ty chứng khoán. Đáng chú ý, Công ty chứng khoán liên doanh giữa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Tài chính Morgan Stanley dự kiến hoạt động trong quý IV năm nay.
Số lượng công ty chứng khoán tăng chóng mặt nhưng chất lượng lại không theo kịp. “Các công ty ra đời nhiều nhưng chưa phục vụ tốt và chưa sẵn sàng phục vụ”, Phó giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSTC) Lê Hải Trà nói. Thị trường chứng khoán hình thành từ nhiều miếng ghép: nhà đầu tư, công ty chứng khoán, công ty niêm yết, quỹ đầu tư... nhưng ở giai đoạn này, các miếng ghép đều chưa hoàn hảo.
Ở các trung tâm chứng khoán lớn trên thế giới, thời gian quay vòng một lệnh chứng khoán chỉ dưới một giây. Trong khi ở Việt Nam, các công ty để rớt lệnh quá nhiều. Theo ông Trà, thường trong 10 lệnh, chỉ có 5-6 lệnh được thực hiện và tình trạng dồn cục lệnh là chuyện thường xuyên xảy ra.
Có nhà đầu tư cả tuần không thấy lệnh của mình, không mua bán được và công ty chứng khoán cũng không thu được phí. Việc tăng khả năng giao dịch thành công là thách thức của tất cả các công ty chứng khoán. "Không thể làm theo kiểu “thủng đâu vá đấy” mà phải bỏ qua giai đoạn thủ công để có hệ thống giao dịch tại nhà, giao dịch qua mạng, qua điện thoại cầm tay, truyền hình và các phương tiện liên lạc cá nhân”, ông Trà nói.
Cuộc đua công nghệ
Với số lượng công ty chứng khoán tăng nhanh, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang lo ngại về khả năng đáp ứng nhân lực và yêu cầu đảm bảo công nghệ. Ngay bản thân hệ thống phần cứng và phần mềm của HaSTC và HoSTC cũng đang gặp thách thức khi muốn “nói chuyện” với tất cả các công ty chứng khoán.
HoSTC đang xây dựng và dự kiến áp dụng hình thức giao dịch không sàn vào cuối năm 2007, và khi đó những công ty nào không đáp ứng được sự tương thích công nghệ tất nhiên sẽ rời cuộc chơi.
Theo bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán, không thể dự báo hết được mức độ phát triển của thị trường hay số lượng giao dịch mỗi ngày. Vì thế, các công ty cần có giải pháp để đáp ứng nhu cầu giao dịch tại bất cứ thời điểm nào. Nếu hôm nay một công ty chỉ có 2.000 giao dịch, hôm sau tăng lên 20.000 giao dịch, thì vấn đề là họ phải phản ứng nhanh với những thay đổi đột ngột đó.
Các công ty đã bắt đầu nhìn ra điều này và đang bước vào một cuộc đua công nghệ mới. Công ty Chứng khoán Thăng Long vừa ký hợp đồng trị giá hơn 600.000 USD để mua phần mềm của Thái Lan, Sacombank cũng vừa đầu tư tiền tỷ để mua một phần mềm của Anh cho công ty chứng khoán của mình.
Nhu cầu của các công ty chứng khoán đang rất lớn, từ việc chăm sóc khách hàng, phân loại nhà đầu tư đến việc quản lý dữ liệu tập trung, quản lý bảo mật các giao dịch thông qua mã hóa và chữ ký điện tử... Đó là chưa kể nhiều nghiệp vụ chứng khoán mới sẽ ra đời, như kết hợp giữa chứng khoán - ngân hàng, chứng khoán - bảo hiểm, hay đáp ứng nhu cầu về các kênh giao dịch mới như qua điện thoại di động, SMS, WAP và PDA, qua hệ thống online, IVR, hệ thống trả lời tự động.
(Theo TBKTSG)