Trung Quốc có nhiều thuê bao 5G hơn Mỹ, không chỉ về tổng số mà còn về tỷ lệ trên đầu người. Nước này cũng bán nhiều điện thoại thông minh 5G hơn, với giá thấp hơn và có phạm vi phủ sóng 5G rộng rãi hơn. Tốc độ kết nối trung bình ở Trung Quốc cũng nhanh hơn ở Mỹ.
Nhưng khi nói đến những thứ được cho là tạo nên cuộc cách mạng của 5G, chứ không chỉ là những ứng dụng cải tiến để có tốc độ và dung lượng truyền tải lớn hơn, vị thế đi trước của Trung Quốc kém vững chắc hơn.
Đối với cả hai quốc gia, các ứng dụng 5G dù được cho là thay đổi cuộc sống, như ôtô tự lái, phẫu thuật từ xa và nhà máy tự động, vẫn còn nhiều năm nữa mới được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, việc Trung Quốc dẫn đầu trong việc triển khai 5G cũng có thể giúp họ vượt lên dẫn đầu về các mặt này.
Edison Lee, nhà phân tích viễn thông tại Ngân hàng đầu tư Jefferies (Hong Kong), không nghĩ rằng có nhiều sự khác biệt giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, ông nói, "Nếu bạn đo lường tiến độ về mức độ xây dựng mạng lưới, Trung Quốc đã vượt xa".
Còn theo Handel Jones, CEO International Business Strategies, đến cuối năm nay, Trung Quốc sẽ có khoảng 690.000 trạm phát sóng 5G, so với 50.000 trạm ở Mỹ. Điều này giúp các công ty điện thoại thông minh Trung Quốc khởi đầu thuận lợi trong việc tung ra điện thoại hỗ trợ 5G.
Apple chỉ mới tung ra thiết bị hỗ trợ 5G đầu tiên vào tháng trước và người tiêu dùng Mỹ chỉ có 16 mẫu điện thoại thông minh 5G để lựa chọn tính đến tháng 9, theo công ty theo dõi thị trường Canalys. Người dùng Trung Quốc thì có 86 mẫu. Ở Trung Quốc, điện thoại 5G cũng rẻ hơn, với giá trung bình 458 USD trong quý II, so với 1.079 USD ở Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng sự dẫn đầu của Trung Quốc trong việc triển khai và áp dụng 5G phần lớn là nhờ chính sách của Bắc Kinh, vốn đã đặt ra các mục tiêu tích cực về kết nối 5G cho ba nhà mạng của nước này. Các nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc, Huawei Technologies và ZTE, đã được trao phần lớn việc triển khai 5G tại đây. Tuy nhiên, đối thủ Thụy Điển Ericsson AB vào tháng trước cũng đã chào các hợp đồng 5G của họ ở Trung Quốc, là động lực thúc đẩy doanh thu trong quý III tăng 7%.
Wayne Lam, Giám đốc nghiên cứu của CCS Insight cho biết, phương pháp tiếp cận từ trên xuống đã tạo ra một phiên bản 5G đồng nhất hơn trên toàn quốc, so với Mỹ và tốc độ nhất quán hơn. Theo ông Lam, "Có rất nhiều kế hoạch tập trung" đằng sau cách tiếp cận của Trung Quốc.
Ngược lại, Mỹ có phạm vi phủ sóng 5G phân mảnh hơn và tốc độ không đồng đều. Ví dụ, 5G siêu nhanh được gọi là "millimeter wave" đã có ở một số điểm đông đúc, như sân vận động tại Mỹ nhưng chưa có ở Trung Quốc. Ở những khu vực khác của Mỹ thì 5G chậm hơn.
Ông Lee của Jefferies cho biết, để thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ tận dụng thế mạnh của 5G, Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm các ứng dụng khác nhau và khuyến khích các ngành suy nghĩ về việc sử dụng 5G.
Ví dụ, Huawei đã giới thiệu các giải pháp cho phép chẩn đoán Covid-19 từ xa bằng mạng 5G. Tháng trước, công ty khai thác mỏ Shandong Energy Group công bố giải pháp mạng 5G có thể truyền tín hiệu sâu vào các mỏ than dưới lòng đất. Các nhà phân tích cho biết những ứng dụng này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và không rõ chúng có đủ tính kinh tế để áp dụng rộng rãi hay không. "Về mặt thương mại hóa thì nó vẫn chưa diễn ra", ông Lee nói.
Việc triển khai mạng 5G của Trung Quốc không phải là không có những thiếu sót. Tại một sự kiện trong ngành ở Trung Quốc vào tháng trước, Ryan Ding, người đứng đầu bộ phận kinh doanh nhà mạng của Huawei, cho biết mạng 5G của Trung Quốc chỉ phủ sóng 8% dân số. Ông Ding nói ở Hàn Quốc, mạng 5G bao phủ 25% dân số còn mạng 5G của Trung Quốc cũng chậm hơn so với ở Hàn Quốc, Thụy Sĩ và các quốc gia khác.
Ông Ding cũng trích dẫn các trường hợp điện thoại thông minh Trung Quốc hiển thị logo 5G trên màn hình của họ mặc dù chỉ có kết nối 4G và thường xuyên chuyển qua lại giữa mạng 4G và 5G.
"Hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng mạng 5G lớn nhất thế giới", ông Ding đánh giá nhưng thừa nhận, khi so sánh với Hàn Quốc, Thụy Sĩ và một số quốc gia khác về công nghệ 5G thì nước này vẫn còn nhiều điểm để cải thiện.
Phiên An (theo WSJ)