Lớn hơn chút nữa, tôi làm bạn với nhiều học sinh của bố tôi. Chúng nó cũng nói, hát bập bẹ tiếng Pháp. Để cho dễ nhớ, bọn học sinh của bố tôi bày ra đủ trò để học thuộc từ tiếng Pháp. Tiếng Pháp đa âm, đọc giọng mũi nhiều nên với người Việt Nam- ngôn ngữ đơn âm, nên khó lắm. Ngày đó, quốc ngữ Việt Nam chưa phát triển như bây giờ nên lại càng khó hơn. Tôi còn nhớ như in bài thơ nửa việt, nửa pháp chẳng biết của ai, viết lúc nào, thơ truyền miệng mà chúng nó thường khoái đọc:
Bút Parker tình thơ une letrre,
Mặc chiếc áo chemise lấp ló
Đó là cách học ngoại ngữ rất nghịch ngợm nhưng hiệu quả của bọn trẻ con thời bấy giờ và đọng trong tôi bao kỷ niệm êm đềm. Nước Pháp cứ gần xa trong trí não ấu thơ tôi. Rồi một lần tôi theo ra phố cùng bố tôi. Khi đi qua một ngõ nhỏ, ông đi chậm rồi đứng lại ghé tai tôi thầm thì: Con có nghe thấy gì không? Có ai đó đang hát ru con bằng tiếng pháp khiến ông cảm động. Ông dịch nghĩa cho tôi: “Còn nhớ tới tháng năm xa xôi, Miệng ta hát tiếng hát bên nôi, Tuổi ấu thơ như đang êm trôi, Mẹ ru con qua bao lâu rồi. Đồng lúa chín tắm nắng quê hương, hàng thông reo như đang yêu thương, Chờ bóng dáng con mau trở về, Chờ bóng dáng con mau trở về! Trở về làng con trai yêu quý, Tắm nước trong lành nơi đồng quê, Trở về làng con trai thương mến, Cớ sao con buồn thương khổ đau? Còn những giấc mơ xưa xa xôi, Con hãy nghe cha quên cho rồi! Đồng xanh phơi phới, Nắng ấm lưng trời, Trở về đi thôi! Ngày tháng dần trôi, Ước mong sao những ngày cô quạnh, cha hằng mong đợi , Con về cùng với gia đình yên vui!”.
Rồi bố tôi cảm động lắm, ông nói đó là trích đoạn trọng một vở kịch hát nói về người bố gọi thằng con si mê tham đánh bạcmau về với quê hương Provence, và bố tôi khen cô ấy hát ru hay quá bài hát đó làm bố tôi cảm động, cứ muốn nán lại nghe mãi. Tôi ngây thơ, chưa hiểu hết và sau này tôi hiểu được tiếng Pháp nên thương nhớ bố xiết bao!
Vào học Lycée năm cuối, tiếp cận trang Văn học nước ngoài, chúng tôi tiếp cận với Văn học Pháp và tiểu thuyết gia quen thuộc nhất với chúng tôi là Victor Hugo. Tôi say mê "Những ngườikhốn khổ" đến quên ăn. Sách mượn phải trả gấp nên càng gây sức ép và làm tôi đọc nhanh nhất có thể để hoàn trả sách đúng hạn, nếu không sẽ bị phạt tiền mà tôi làm gì có tiền lúc đó.
Tôi yêu Paris từ lúc nào không biết và mơ một ngày đến Paris của Marius, Cosette, Fantine và các chiến binh khởi nghĩa. Tôi quen biết Paris qua trang sách học trò, một Paris thơ mộng và tráng lệ. Paris có tháp Eiffel cao ngất, có điện Pathéon thiêng liêng, có bão tàng Louvre lớn lao, có vườn Luxembourg nên thơ, có đồi Montmarts rất tình, có sông Seine thơ mộng lắm và xa hơn chút sẽ biết lâu đài Versailles tráng lệ.
Rồi những năm du học nước ngoài, tôi được cử sang Roumanie và ở lại đó ít tháng. Người dân nước này tự hào Bucarest là Paris thu nhỏ (Petit Paris), hay là người em gái của Paris (Soeur petite de Paris) nên tôi được dịp lang thang tìm kiếm nét tương đồng để tự sướng rằng thế là tôi đã gián tiếp được sờ vào Paris rồi đấy. Khi được cử đi du học, tôi thích thú với Bộ môn Vật lý chất rắn. Tôi nghĩ là Vật lý chất rắn sẽ phục vụ được nhiều cho Tổ Quốc sau này. Nhưng tình cờ một nửa lớp trong đó có tôi lại được điều động sang học nhanh tiếng Pháp để đáp ứng nhu cầu ngoại giao sắp tới hồi đó. Tôi từ giã bộ môn Vật lý chất rắn để sang học tiếng Pháp và đề tài tốt nghiệp do tôi lựa chọn là Victor Hugo với Miserables/Victor Hugo với Những người khốn khổ và tất nhiên tôi đạt điểm cao ngất khi trả bài tốt nghiệp. Trở về Việt Nam năm 1974, tôi đinh ninh sẽ trở thành giáo viên tiếng Pháp tại một trường Đại học. Nhưng số phận lại rẽ sang hướng khác, tôi được điều về công tác tại một Vụ đối ngoại Bộ Ngoại thương. Sau này trở thành cán bộ lãnh đạo cấp Vụ tôi lại phụ trách mảng thị trường Cộng hòa Pháp và tôi được nhiều lần qua Pháp, tận ngắm nhìn Paris thỏa thích, được tản bộ trên những con đường đẹp nhất của Paris như Champs Elysée hoặc các con đường dọc theo sông Seine tuyệt đẹp. Lần đi Pháp lâu nhất của tôi là tham quan thực tập quy trình xuất khẩu lương thực của Cộng hòa Pháp tại Paris và vùng phụ cận như Evreux. Từ Evreux tôi thường xuyên về Paris, 45 km đường ở Pháp sao gần thế. Tôi thăm cả Normandie phía Bắc xa xôi và quay thăm nhiều khu vực trồng lúa mì, ngô năng suất cao của Pháp. Đi tới đâu tôi cũng cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Pháp. Chuyến công tác cuối cùng trong đời công chức của tôi vẫn là tại Pháp và diễn ra vào năm 2012 mới mẻ.
“Ta yêu nước Pháp mắt bồ câu”, chẳng biết câu thơ của thi sỹ nào nhưng tôi thường vu vơ đọc vậy và tôi thầm thì với riêng mình chẳng bao giờ tôi quên nước Pháp, một địa danh mà tôi yêu quý vô cùng, cả cảnh đẹp thiên nhiên, phố phường và cả con người Pháp. “Sous le Pont Mirabeaux coule la Seine et nos amours”(Dưới cầu Mirabeaux sông Seine chảy cuốn đi tình yêu) nhưng không thể cuốn trôi những tình cảm đẹp của tôi với nước Pháp ân tình, với nhân dân Pháp hữu nghị yêu hòa bình và công lý. Nước Pháp mãi mãi trong tôi!
Phạm Quang Thu |