Chiếc Douglas DC-9 lao xuống một rặng núi gần ngôi làng Srbská Kamenice, Tiệp Khắc (Czech và Slovakia ngày nay). Nhưng tới hiện trường vụ tai nạn, dân làng bàng hoàng khi tìm thấy một cô gái trẻ mắc kẹt trong khoang và còn sống. Đó là Vesna Vulovic.
Định mệnh
Vulovic sinh ra ở Belgrade (Serbia) vào ngày 3 tháng 1 năm 1950. Cha cô là một doanh nhân và mẹ cô là một huấn luyện viên thể dục. Từ nhỏ Vesna đã hâm mộ The Beatles, đến nỗi cô chuyển từ Nam Tư tới London sống để học tiếng Anh và có cơ hội đi khắp châu Âu. Tốt nghiệp đại học, Vesna sang Thụy Điển. Nhưng cha mẹ không hài lòng với cuộc sống nay đây mai đó của con gái, Vesna phải về Nam Tư và đầu quân cho hãng hàng không quốc gia JAT vào năm 1971 khi nhìn thấy một người bạn mặc đồng phục tiếp viên hãng này.
Tháng 1/1972, Vesna có mặt trong phi hành đoàn thứ hai của chuyến bay 367 từ Stockholm (Thụy Điển) tới Belgrade, nối chuyến tại Copenhagen (Đan Mạch) và Zagreb (Croatia). Đáng lẽ cô không phải bay chuyến này, mà là một tiếp viên khác trùng tên. Nhưng vì chưa từng tới Đan Mạch bao giờ, Vesna đồng ý lên đường theo lịch bay ngoài dự định.
Khoảng một giờ sau khi máy bay cất cánh, một quả bom phát nổ. Máy bay bị xé làm đôi và rơi tự do từ độ cao khoảng hơn 10.000 m. Toàn bộ 23 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng khi bị hút ra ngoài, trừ Vesna. Một chiếc xe đẩy thức ăn chặn cô trong phần đuôi máy bay khi nó lao xuống một cánh rừng rậm phủ tuyết trắng dưới chân núi.
Vận may của Vesna chưa dừng ở đó. Bruno Honke, một thợ đốn gỗ, nghe thấy tiếng cô la hét trong bóng đêm khi những mảnh vỡ rơi xuống. Người đàn ông này từng là một bác sĩ quân y của Đức trong Thế Chiến II, nên có đủ kỹ năng giúp cô còn sống cho tới khi đội cứu hộ tới hiện trường.
Kỳ tích
Tại bệnh viện, các bác sĩ kết luận Vesna bị chấn thương sọ não, bể xương chậu và xương sườn, gãy hai chân và vỡ hai đốt sống. Cô rơi vào hôn mê sâu, và tỉnh dậy sau một tháng - những lời đầu tiên cô bật ra là xin một điếu thuốc.
Nữ tiếp viên bị tê liệt tạm thời từ thắt lưng trở xuống, nhưng cô đã gần như hồi phục hoàn toàn một năm sau đó. "Người tôi đầy thương tích, và các bác sĩ đã giúp tôi bình phục. Chẳng ai ngờ tôi lại sống lâu đến vậy", Vesna trả lời New York Times năm 2008.
Vesna không thể khôi phục bất kỳ ký ức gì về vụ tai nạn hay khoảnh khắc cô được cứu sống. "Điều đầu tiên tôi nhớ được là thấy bố mẹ trong bệnh viện. Tôi nói chuyện và hỏi rằng tại sao họ lại ở cạnh tôi tại Slovenia. Lúc đó tôi nghĩ mình đang ở Slovenia, nơi tôi đến thăm thủ đô Ljubljana trước khi đến Đan Mạch", Vesna trả lời phỏng vấn năm 2002.
Cú ngã giúp Vesna có tên trong sách kỷ lục Guinness thế giới năm 1985, với danh hiệu người sống sót khi rơi từ độ cao lớn nhất mà không có dù. Các bác sĩ phối hợp với thanh tra hàng không tìm hiểu những gì xảy ra với Vesna. Vụ nổ bom và áp suất không khí trên cao có thể khiến một người bình thường chết ngay lập tức vì vỡ tim. Nhưng huyết áp thấp khiến Vesna nhanh chóng ngất đi, vì vậy trái tim được bảo toàn (người huyết áp thấp không đủ điều kiện thể lực để trở thành tiếp viên, nhưng Vesna tiết lộ cô uống rất nhiều cà phê vào ngày khám sức khỏe để tim đập nhanh hơn bình thường).
Các chuyên gia tin rằng chiếc xe đẩy thức ăn vô tình biến thành một đai an toàn, ghim chặt người Vesna để cô không bị hút ra ngoài trời lạnh giá. Lực tác động khi tiếp đất cũng đủ mạnh để giết chết một người bình thường, nhưng phần đuôi máy bay đáp xuống cánh rừng rậm phủ đầy tuyết như một tấm nệm dày.
Người hùng
Vesna trở lại làm việc cho hãng JAT, nhưng ở vị trí bàn giấy, phụ trách hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Cô luôn muốn quay lại làm tiếp viên, nhưng hãng cho rằng cô không đủ khỏe mạnh cho nhiệm vụ đó. Dù vậy, Vesna vẫn thường xuyên đi máy bay và không hề sợ hãi chuyện gì xấu có thể xảy ra. "Mọi người luôn muốn ngồi cạnh tôi trên máy bay", cô nói.
Josip Broz Tito, Cố Tổng thống Liên bang Nam Tư cũ, vinh danh Vesna là người hùng dân tộc. Cô thậm chí còn được ca ngợi trong bài hát "Vesna the Stewardess" (Tiếp viên Vesna) của ca sĩ Serbia Miroslav Ilic. Thậm chí cháu gái của Bruno Honke, ân nhân của Vesna, còn được đặt tên theo cô khi chào đời 6 tuần sau vụ tai nạn.
Vesna trở thành người nổi tiếng tại Serbia sau này, dùng tầm ảnh hưởng của mình tham gia những chiến dịch đấu tranh cho chính trị. Năm 1990, cô bị hãng JAT sa thải sau 18 năm làm việc, vì biểu tình phản đối cựu Tổng thống Slobodan Milosevic và kháng lệnh bắt giữ.
Sau này Vesna ly dị chồng và sống một mình ở Belgrade với ba con mèo. Niềm an ủi lớn lao của bà là đức tin, điều được khai phá sau vụ tai nạn. "Nó khiến tôi trở thành một người lạc quan. Nếu bạn có thể sống sót sau những gì tôi đã trải qua, bạn có thể vượt qua bất kỳ điều gì", Vesna nói về thảm họa năm 1972.
Tháng 12/2016, Vesna Vulovic qua đời ở tuổi 66. Những gì xảy ra trên chuyến bay định mệnh 44 năm trước đó vẫn là một bí ẩn. Lực lượng điều tra nghi ngờ quả bom được đặt trong một vali và đưa lên khoang khi máy bay dừng ở Copenhagen, nhưng không có bằng chứng hay bất cứ ai bị bắt giữ.
Người ta đồn thổi rằng quả bom thuộc về những kẻ khủng bố Croatia. Năm 2009, hai nhà báo tại Prague (Czech) còn mở ra một cuộc điều tra và khẳng định chiếc DC-9 bị lực lượng không quân Tiệp Khắc bắn nhầm khi nó đang bay ở độ cao khoảng 800 m.
Không ít người vẫn hoài nghi về câu chuyện của Vesna, và cho rằng máy bay chỉ bị rơi tự do từ một khoảng cách nhỏ. Tuy nhiên, những nhà khoa học của chương trình "Mythbusters" của kênh Discovery đã chứng minh rằng Vesna hoàn toàn có khả năng sống sót khi rơi từ độ cao hơn 10 km mà không có dù.
Phạm Huyền (Theo New York Times)