Trong hồi ký lần đầu phát hành ở Việt Nam vào tháng 6, Nguyễn Tường Thiết viết: "Khi nhắc đến họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ mình dang dở, Nhất Linh nói đùa rằng ông thích để nguyên như vậy vì cuộc đời ông là một tác phẩm chưa hoàn tất". Nhất Linh sống hai phần người: Nhà văn vui thú sáng tác và Nguyễn Tường Tam, nhà chính trị có số phận bi kịch. Ông tự vẫn ở tuổi 39 khi cuốn vào vòng xoay thời đại và để lại di nguyện "Đời tôi để lại lịch sử xử".
Năm 1950, Nhất Linh từ Hương Cảng trở về sau hơn 10 năm làm chính trị và chăm chú sáng tác. Ông mở nhà xuất bản Phượng Giang tái bản tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, nâng đỡ các nhà văn trẻ. Lúc đó, tác giả hồi ký - Nguyễn Tường Thiết - mới 10 tuổi, may mắn chứng kiến khoảng đời làm nhà văn của cha mình.
Tác giả viết cha "ưa chuộng giản dị, chân thật, sự mơ mộng, yên tĩnh và sạch sẽ". Vì thú chơi kèn clarinette, ông cùng các con lên chốn địa đàng - Đà Lạt yên tĩnh - để sống và viết lách. Theo giáo sư Lê Hữu Mục, năm 1955 Nhất Linh xem "nằm trùm chăn ở trên Đà Lạt" là hạnh phúc nhất. Ông ở trong căn nhà gỗ tự xây tại Fim Nôm (Lâm Đồng), trồng lan và sáng tác tiểu thuyết Xóm Cầu Mới.
Chương đầu sách nói về giai đoạn Nhất Linh tập trung sáng tác. Cả khi nhận những chức vụ lớn, ông cũng rất ghét phải xưng hô chức tước. Trong các đơn từ, giấy tờ, hoặc có ai hỏi về nghề nghiệp, ông chỉ đơn giản xưng "nhà văn". Nhất Linh hiện lên qua hồi ức của con trai: "Ngồi viết lách trên chiếc ghế vải, cặp kính trễ trên sống mũi, bên cạnh ông, trên một chiếc bàn thấp là một ly bia ông uống nhấm nháp, một gói thuốc Bastos xanah, một cái tẩu thuốc, một cuốn sổ tay chi chít những ghi chú".
Tác giả nhìn cha từ nhiều góc độ. Lúc gọi "cha tôi", lúc là "Nhất Linh" rồi đề cập như "chú Tam" vui tính với mấy đứa cháu. "Chú Tam khi này thì không im lặng như những lúc viết văn mà cởi mở, vui tính với lũ trẻ. Khi vui ông thường tham gia trực tiếp vào những trò chơi của chúng tôi".
Chương hai Niềm vui chết yểu là góc nhìn của đứa con trước sự ra đi của cha mình, người làm chính trị nhiều tranh cãi. Mọi người đau lòng, tiếc nuối khi Nhất Linh mất. Cuộc đời ông là một tác phẩm chưa hoàn tất với Xóm Cầu Mới còn dở dang và lý tưởng đóng góp cho nền báo chí nước nhà còn bỏ ngỏ.
Hồi ký dày 290 trang, tập hợp các bài viết của Nguyễn Tường Thiết trong 42 năm. Những góc khuất trong cuộc đời chính trị và văn chương đầy sóng gió của Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam được thể hiện rõ nét, chi tiết. Sách còn là hành trình tìm về chân dung văn chương, trí thức một thời như Huy Cận hay những phụ nữ chèo chống đằng sau cây bút chủ lực ở Tự Lực Văn Đoàn như người mẹ của tác giả, người mợ - vợ nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long, em của Nhất Linh), vợ nhà văn Khái Hưng...
Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam - thành lập Tự Lực Văn Đoàn năm 1933 gồm bảy thành viên: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu. Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhất Linh có tâm và có tầm nhìn, biết đoàn kết cả nhóm trong một ý hướng chung, biết khơi gợi đúng thiên hướng của mỗi tác giả để họ trở thành cây bút chuyên biệt nổi danh về một thể loại. Các truyện dài tiêu biểu của Nhất Linh gồm: Đôi bạn, Bướm trắng, Xóm Cầu Mới, Dòng sông Thanh Thủy...
Tác giả Nguyễn Tường Thiết sinh năm 1940 tại Hà Nội. Trước năm 1975, ông là giáo sư Toán, Lý, Hóa, phụ trách nhà xuất bản Phượng Giang. Ông định cư Mỹ năm 1975.
* Nhà thờ tộc nhóm Tự lực Văn đoàn mở cửa đón khách
Quỳnh Quyên