Hà Linh -
My Left Foot - bộ phim đoạt hai giải Oscar năm 1989 - là câu chuyện về một con người chiến thắng sự éo le của nghịch cảnh bằng nghị lực phi thường.
Christy Brown sinh năm 1932 trong một gia đình lao động nghèo tại Dublin. Mẹ của ông - bà Brendar Bridget - sinh ra cả thảy 22 người con nhưng chỉ nuôi được 13 đứa. Trong đó, Brown bị mắc chứng bại não bẩm sinh. Khi còn nhỏ, bác sĩ cho rằng, điều tốt nhất có thể làm cho Brown là để cậu bé ở nhà và chăm sóc cậu như với một người tàn tật, mất khả năng hoạt động. Nhưng Bridget không chấp nhận thực tế đó. Bà kiên trì dạy con trai học đọc dù biết cậu không thể viết. Vì bộ phận duy nhất trên cơ thể mà Brown có thể điều khiển bình thường là bàn chân trái.
![]() |
Nhà văn Christy Brown. |
Nhưng không phụ lại tấm lòng của mẹ, 5 tuổi, Brown âm thầm kẹp viên phấn vào giữa hai ngón chân trái và tập viết trên nền gạch xám xịt trong ngôi nhà nghèo khổ của mình. 17 năm sau, ở tuổi 22, ông xuất bản tác phẩm đầu tay, là một cuốn tự truyện có tiêu đề My Left Foot (Bàn chân trái của tôi).
Năm 1989, cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim cùng tên. Trong đó, bên cạnh việc khắc họa quá trình đấu tranh với bệnh tật của Brown, phim còn kể lại chuyện tình thơ mộng giữa nhà văn và Mary Carr - được giới thiệu là một nữ y tá.
Nhưng mới đây, trong cuốn Christy Brown: The Life that Inspired My Left Foot (Christy Brown - cuộc đời đã gợi hứng cho 'My Left Foot'), tác giả Georgina Hambleton khẳng định: "Sự thật, cuộc hôn nhân của họ hoàn toàn không phải như vậy. Mary là lesbian, gái điếm và là kẻ nghiện rượu".
Theo Hambleton, chính Mary là nguyên nhân gây nên sự suy sụp nhanh chóng của Brown. Cô cũng là người phải chịu trách nhiệm vì tội ngộ sát nhà văn.
![]() |
Vợ chồng Brown trong phim. |
Sean Brown, anh trai Christy góp phần minh chứng cho giả thuyết của Hambleton khi phát biểu: "Tôi là người giới thiệu Christy với vợ của cậu ấy, Mary. Họ gặp nhau tại một bữa tiệc ở nhà tôi. Lúc đó, Mary đang sống với một người bạn của tôi, cô ấy tên là Mal. Họ kết thành một cặp và tôi biết, Mary còn là một gái điếm. Tôi không thể nói, cô ấy xuất thân từ tầng lớp sang trọng nhưng cũng chưa đến nỗi là gái đứng đường. Bộ phim miêu tả Mary là một nữ y tá, đó là điều hoàn toàn vớ vẩn. Cô ấy có một thời gian ngắn làm việc cho một phòng khám nhưng bị đuổi việc vì say xỉn suốt ngày. Phim rất hay đấy, nhưng chỉ toàn có hoa hồng thôi.
Tất nhiên, tôi hiểu. Họ không thể kết thúc bộ phim theo một cách khác. Làm sao kết câu chuyện bằng một bức tranh hiện thực? Thực ra, cô ấy không tử tế với em trai tôi như thế. Tôi thực sự tiếc khi đã để họ gặp nhau".
Bộ phim My Left Foot kết thúc bằng cảnh, hai vợ chồng Brown cùng ngồi cụng với nhau một chai champagne. Nhưng sự thực không phải như thế.
Tháng 9/1981, tại căn nhà nhỏ của họ ở Somerset, vợ chồng Brown cùng uống một chai vang đỏ trước khi Mary bón thịt cừu và khoai tây cho chồng ăn. Nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì, nhà văn bị nghẹn mà chết. Về sau, Mary cho biết, cô có việc phải đi ra ngoài một chút và khi trở lại thì ông đã tắt thở. Nhân viên pháp y coi đây là một tai nạn hi hữu. Nhưng người nhà Brown cảm thấy vô cùng cay đắng trước sự ra đi của nhà văn. Vì họ biết, ăn là một hoạt động rất khó khăn với ông. Mỗi lần ông nhai, luôn phải có người vuốt quanh cổ họng. Mary đã quá cẩu thả nên mới vô tình gây nên cái chết của chồng.
Mary Carr-Brown qua đời năm ngoái, trong sự ghẻ lạnh của nhà chồng. Chính Hambleton là người thông báo cho nhà Brown về cái chết của bà.
Phát biểu về sự ra đời cuốn sách của mình, Hambleton nói: "Tôi không có ý định phỉ báng Mary Carr. Nhưng tôi phải trung thực dù sự thật đôi khi khiến người ta khó chịu".
(Nguồn: TOL)