Những năm đầu đời Tần Hoan, quê Thất Đài Hà, tỉnh Hắc Long Giang tràn ngập niềm vui. Nhưng khi cậu lên 6, cha mẹ bắt đầu mâu thuẫn. Người cha trở nên nghiện rượu, mất kiểm soát và bạo lực. Để tránh những trận đòn roi, mẹ thường phải kéo Hoan đi tá túc khắp nơi.
Cha không đi làm, cửa hàng tạp hóa của mẹ sa sút đẩy gia đình vào cảnh nghèo khó. Đến năm cậu vào cấp hai, mẹ chuyển sang làm lao công, ngày ngày chống chọi với những cơn đau hành hạ. Khi phát hiện, bà đã ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư.
"Tôi hát bài dân ca Chúc mẹ sống lâu cho mẹ nghe nhưng rồi cuối cùng mẹ vẫn không qua khỏi", Tần Hoan, hiện 30 tuổi, kể.

Tần hoan (quần yếm) với bạn bè ngày nhỏ. Ảnh: Zhuanlan
Mẹ qua đời năm Hoan lớp 11, một năm sau cậu cũng nhận tin cha mất trong một vụ hỏa hoạn. Không còn người thân, cậu buộc phải nghỉ học, tìm việc để mưu sinh.
May mắn khi đang làm nhân viên kỳ lưng ở tiệm tắm hơi, dì Vương, một người bạn của mẹ đã kéo Hoan ra khỏi đó. "Nhiệm vụ quan trọng nhất của con bây giờ là học", dì Vương nói.
Từ đó, dì Vương trở thành chỗ dựa tinh thần của Hoan. Dù lương chỉ 2.000 tệ/tháng, dì luôn cho cậu 200 tệ mỗi kỳ nghỉ hè và 500 tệ kỳ nghỉ đông.
Cuộc đời Tần Hoan còn gặp nhiều người tốt khác. Giáo viên chủ nhiệm cấp ba phát hiện cậu mỗi ngày chỉ ăn bánh bao với nước máy, liền cho cậu ở nhờ trong nhà mình. Viện trưởng trại trẻ mồ côi thành phố Thất Đài Hà đề nghị cấp học bổng và chỗ ở cho Hoan. Ban đầu, cậu từ chối vì không muốn được thương hại, nhưng viện trưởng đã nói "Đây là khoản vay không lãi suất. Khi nào con có lương triệu tệ, hãy trả lại".
Câu nói này đã trở thành kim chỉ nam, được cậu viết ngay trang đầu nhật ký. Tại cô nhi viện, Tần Hoan có một phòng riêng để tập trung học. Chỉ trong vài tháng, điểm số của cậu tăng vọt. Năm 2012, cậu đỗ vào Đại học Công nghệ Bắc Kinh.
Khi đỗ đại học, viện trưởng thậm chí đi cùng cậu đến Bắc Kinh, đóng giả làm mẹ để giúp Hoan tự tin hơn trong môi trường mới.
Tốt nghiệp đại học, Tần Hoan được tuyển thẳng vào Học viện Khoa học Trung Quốc để học thạc sĩ. Sau khi tốt nghiệp, anh bước chân vào ngành AI, làm việc trong mảng thuật toán xe tự hành AGV và nhanh chóng trở thành chuyên gia hàng đầu với mức lương một triệu tệ mỗi năm.
Dù thành đạt, Tần Hoan vẫn sống giản dị, không nhà, không xe. Anh không quên những người đã giúp đỡ mình. Mỗi dịp lễ Tết anh hay về quê, quây quần bên bàn ăn cùng gia đình dì Vương và viện trưởng cô nhi viện như những người thân ruột thịt.

Tần Hoan, 30 tuổi ngày nay là một chuyên gia AI. Ảnh: Zhuanlan
Anh tặng tiền cho dì Vương, nhưng bà từ chối. Cuối cùng, anh dùng cách mà bà từng làm với mình, gửi quà tận nhà, từ bồn ngâm chân, máy giặt đến robot hút bụi. Anh quyên góp tiền cho cô nhi viện, mở lớp dạy lập trình miễn phí cho trẻ em ở đó.
Không nhận mình là người xuất sắc, Tần Hoan nói thành công của anh đến từ lợi thế thời đại khi AI bùng nổ. Vì vậy, anh lập một kênh cá nhân, phỏng vấn hơn 100 người có thu nhập cao để chia sẻ kiến thức, giúp đỡ thế hệ trẻ.
"Tôi chỉ là một người bình thường, nhưng tôi hy vọng một ngày nào đó mình có thể trở thành một người không tầm thường", anh nói.
Nhìn lại hành trình của Tần Hoan có thể thấy những người bình dị nhưng vĩ đại đã trở thành ánh sáng soi đường cuộc đời anh. Lòng tốt là một hạt mầm, khi được tưới tắm bằng tình yêu thương sẽ nảy nở và lan tỏa đến mọi nơi.
"Tôi muốn tạo một hệ thống AI thông minh, giúp những đứa trẻ tuyệt vọng có thể nhanh chóng gặp được một bàn tay sẵn sàng kéo chúng lên", Tần Hoan nói về kế hoạch tương lai.
Bảo Nhiên (Theo Zhuanlan)