Phôi thai do nhiếp ảnh gia Vladimir Gross ghi hình. Video: Vimeo.
Gấu nước thành hình với kích thước chỉ nhỏ bằng một phần hạt bụi, một bó dây thần kinh và những mô chưa trưởng thành cuộn tròn bên trong quả trứng, chụm lại với những anh chị em của nó, theo Live Science. Bọc gấu nước nhỏ còn nằm trong phôi thai bất động, lặng lẽ, không thể nhìn thấy hay cảm thấy. Chúng nằm trong buồng trứng của con mẹ, chờ ngày sinh ra.

Gấu nước Hypsibius dijardiniembryo. Ảnh: Live Science.
Trong số gần 1.000 loài gấu nước, loài Hypsibius dijardiniembryo trong ảnh trên có thể là sản phẩm của sinh sản không qua giao phối. Con mẹ phun vật liệu di truyền của nó trực tiếp vào trứng mà không cần con đực cùng loài thụ tinh, theo Encyclopedia of Life. Khả năng sinh sản kiểu đó (gọi là sinh sản đơn tính) là tài sản di truyền gần như không thay đổi qua nhiều thế hệ, là thứ con mẹ được kế thừa và chắc chắn sẽ truyền lại cho các con của nó.
Gấu nước nằm trong số những động vật sống dai nhất hành tinh, có thể chịu nóng, chịu lạnh, phóng xạ và tình trạng mất nước nghiêm trọng. Loài H. dijardiniembryo sẽ nở ra từ trứng với cơ thể đầy đủ và sẵn sàng đương đầu với mọi nghịch cảnh như mẹ nó từng trải qua. Trong một bài báo đăng trên tạp chí American Midland Naturalist năm 1938, các nhà nghiên cứu phát hiện gấu nước không có tuổi thơ. Khi chui ra khỏi trứng, chúng có kích thước nhỏ nhưng mọi chức năng đã hoàn thiện.
Phôi thai do nhiếp ảnh gia Vladimir Gross ghi hình đã 50 giờ tuổi, gần như sẵn sàng để chui ra. Tất cả chi, phần miệng và phần lớn cơ quan nội tạng của nó phát triển trong khoảng thời gian đó.
Theo phát hiện của các nhà nghiên cứu vào năm 1938, khi con non bọc trong trứng đã sẵn sàng, nó sẽ áp phần miệng vào thành trứng, đục một lỗ nhỏ và chui qua đó để ra đời. Các cơ quan nội tạng được tối giản để tiêu hóa và sinh sản, có thể xử lý thức ăn. Nó di chuyển xung quanh bằng 8 chiếc chân ngắn mập có càng.
Khi tồn tại trong tự nhiên, gấu nước ăn rêu ướt và những thực vật nhỏ ở nơi nó sinh sống. Nhờ tất cả thức ăn tiêu hóa, nó sẽ lớn lên. Trong vòng đời, gấu nước sẽ lột lớp da ngoài vài lần để dành chỗ cho cơ thể đang phát triển, theo nghiên cứu công bố năm 2015 trên tạp chí Polar Biology.
Gấu nước cái sẵn sàng sinh bọc trứng đầu tiên trong vòng hai tuần sau khi nó chào đời. Bọc trứng gồm 1 - 30 phôi thai, tùy theo lượng thức ăn nó đã tiêu hóa. Một số loài gấu nước đẻ trứng bên trong lớp da lột bỏ. Một số chờ con đực thụ tinh, trừ loài H. dijardini. Các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ cách gấu nước tạo ra những quả trứng sao chép gần như chính xác mã gene của nó.
Gấu nước có thể đẻ trứng thêm vài lần trong đời. Vòng đời của nó kéo dài hơn 70 ngày trừ khi nó đóng băng hoặc mất nước. Trong các trường hợp đó, nó có thể sống trong trạng thái ngủ đông trong nhiều tháng, nhiều năm hoặc nhiều thập niên, cho đến khi sẵn sàng thức tỉnh và tiếp tục hoạt động bình thường.
Phương Hoa