60 năm trôi qua, hình ảnh Hà Nội ngày giải phóng vẫn nguyên trong ký ức ông Hoàng Thúc Cẩn (87 tuổi). Vị đại tá già nhớ ngày đó Hà Nội rực rỡ cờ hoa, dọc hai bên đường, trên ô cửa sổ mỗi ngôi nhà, người dân đứng chật kín, cầm cờ vẫy chào đoàn quân chiến thắng. Những bà mẹ, cô gái tặng hoa cho các chiến sĩ. Nhiều em bé bán kem, lạc rang tràn vào hàng ngũ, trút hết quà cho bộ đội, không tiếc vốn liếng nhỏ nhoi kiếm sống của mình và không chịu nhận tiền trả lại của những người lính cụ Hồ.
"9 năm kháng chiến ngóng đợi một ngày về toàn thắng. Đó là khúc khải hoàn ca của tiếng cười, tiếng khóc vì vui sướng, tiếng vỗ tay, tiếng hô khẩu hiệu mà 60 năm rồi tôi không thể quên", ông Cẩn bồi hồi nhớ lại. Kỷ niệm gia đình còn gắn chặt vào ngày vui đại thắng của dân tộc khi ông được đoàn tụ với anh em ruột thịt sau nhiều năm kháng chiến bặt tin nhau.
5 anh em Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Thúc Cẩn, Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Quý Thân đều là con trai của nhà nho Hoàng Bá Chuân, quê làng Minh Lệ, xã Quảng Minh (Quảng Trạch, Quảng Bình). Gia đình cụ Chuân có 7 người con, ngoài con trai đầu mất sớm và người con út còn nhỏ, 5 con trai còn lại đều tham gia kháng chiến. Để động viên con cái và thanh niên địa phương nhập ngũ, cụ Chuân viết Nhà tôi sinh được bảy người con/ Quyết chí chung tình với nước non/ Kháng chiến năm con đi khắp nước/ Lớn lên trai bé sẽ xung phong…
Trước Cách mạng tháng 8, ba anh em ông Cảnh - Tuệ - Cẩn khăn gói vào Huế, vừa gõ đầu trẻ nuôi thân, vừa đi học trường Thuận Hóa. Tiếp xúc với nhiều nhân vật yêu nước như Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, tinh thần cách mạng của họ sớm được hun đúc.
Học xong, ông Hoàng Thúc Cảnh ra Thanh Hóa tham gia mặt trận Việt Minh, từng giữ nhiều chức vụ rồi về làm việc tại văn phòng Phủ Chủ tịch. Hai người còn lại học xong cũng nối bước anh. Ông Tuệ chiến đấu ở miền Nam Trung Bộ, sau chuyển ra Bắc. Ông Cẩn được biên chế về Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. Người em kế tiếp ông Cẩn là Hoàng Thúc Tấn học trường thiếu sinh quân rồi trở thành chiến sĩ thông tin, đóng quân ở Hòa Bình. Cậu em Hoàng Quý Thân đi học ở Nghệ An, sau này chuẩn bị giải phóng thủ đô thì xin theo bộ đội từ Nghệ An về Hà Nội để tìm gặp các anh.
5 anh em trai mỗi người chiến đấu một phương, không biết tin ai còn ai mất. Sau này, ông Tuệ và ông Cẩn đều thuộc biên chế Đại đoàn 304 nhưng ở đơn vị khác nhau nên cũng không được gặp mặt. Năm 1951, ông Tuệ từng nhận được tin ông Cẩn hy sinh khi tham gia chiến dịch Hòa Bình nên khóc thương suốt mấy ngày đêm.
Tháng 5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Cẩn nhận nhiệm vụ về Cao Bằng xây dựng Trung đoàn pháo binh 82. Đầu tháng 10, ông nhận lệnh đưa một đại đội chỉ huy về Hà Nội, chuẩn bị cho ngày giải phóng thủ đô.
Ngày 10/10, khi những đội lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân giải phóng theo các hướng tiến vào tiếp quản Hà Nội. Ông Cảnh cùng cơ quan chính phủ từ Việt Bắc vào Phủ toàn quyền cũ, nay là phủ Chủ tịch. Ông Tuệ trong Đại đoàn 304 từ Xuân Mai về Ngã Tư Sở. Ông Cẩn cùng đơn vị ở gần sân bay Gia Lâm. Ông Tấn từ Hoà Bình vào Ô Chợ Dừa, đến Ô Quan Chưởng, đóng quân ở đầu cầu Long Biên. Người em Hoàng Quý Thân theo xe của Trung đoàn 57 vào nội thành. Họ không ngờ đến cuộc đoàn tụ ngay sau đó.
Không có người quen ở Hà Nội, gặp đồng đội ở các đơn vị khác trên đường đi, ông Cẩn đều nhờ họ nếu gặp anh em của ông thì nhớ nhắn giùm mỗi sáng chủ nhật đến cầu Thê Húc để tìm nhau.
Khi ông Cẩn đang ở gần sân bay Gia Lâm thì người em trai Hoàng Quý Thân tìm đến đầu tiên. Vài ngày sau, hai anh em vào trong nội thành chơi. Đi đến giữa cầu Long Biên, ông Cẩn nhìn thấy phía trước một người mặc quân phục có dáng đi rất thân quen. Ông ngờ ngợ rồi gọi to: "Tấn phải không em?". Anh bộ đội quay lại, đúng là em trai Hoàng Thúc Tấn xa cách nhiều năm. Ba người ôm nhau khóc trên cầu Long Biên.
Nhờ đồng đội nhắn tin, ông Tuệ biết em trai đang tìm nên sáng chủ nhật liền ra cầu Thê Húc tìm người và gặp được ba em trai Cẩn, Tấn, Thân. Ít ngày sau đó, anh em họ mới được đoàn tụ trọn vẹn bên bờ Hồ Gươm khi ông Hoàng Thúc Cảnh đi công tác về. Nước mắt để dành 9 năm, họ khóc trong ngày hội ngộ, vui mừng vì ai nấy vẫn còn vẹn nguyên.
5 người vào đền Ngọc Sơn thắp hương bái tạ tổ tiên và những đồng đội đã hy sinh. "Ngày vui lại thấy bùi ngùi, chúng tôi nhớ về người mẹ đã khuất. Mẹ tôi 5 lần tiễn con đi đánh giặc nhưng chưa một lần được gặp lại", ông Cẩn ngậm ngùi. 5 anh em họ nhớ rất rõ mỗi lần tiễn một người con đi, mẹ ông đều chuẩn bị cho mỗi người củ tỏi, củ gừng để tránh gió đường xa, một bộ quần áo nâu kèm lời dặn "tròn bổn phận làm trai khi đất nước có giặc".
Sau này, ông Cẩn về Quảng Bình đưa cha và em út Hoàng Gia Cương ra Hà Nội sinh sống. Mấy anh em bám trụ lại đây để xây dựng, phát triển sự nghiệp, thực hiện ý tưởng và hình mẫu mà cha mẹ vạch sẵn "một vườn cam ngọt, một sân quế hòe" giữa thủ đô. Gia đình họ được ví như cây lộc vừng 9 nhánh bên Hồ Gươm Dẫu miền ngược, miền xuôi phiêu dạt tới/ Bám đất rồi/ Tha thiết một miền thương.
Đại gia đình họ Hoàng nay đã có hơn 80 thành viên, cống hiến cho đất nước nhiều nhân tài, cán bộ cao cấp giữ vị trí quan trọng trong các bộ ngành. Ông Hoàng Thúc Cảnh là cố vấn số một của Văn phòng Chính phủ. Ông Hoàng Thúc Tuệ và Hoàng Thúc Cẩn đều là đại tá quân đội. Ông Hoàng Thúc Tấn là Thứ trưởng, nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ. Ông Hoàng Bá Thân là tiến sĩ khoa học. Người em út Hoàng Gia Cương là kỹ sư kiêm nhà thơ.
Căn nhà nhỏ trên phố Hồ Đắc Di (Đống Đa, Hà Nội) trở thành điểm hẹn của đại gia đình mỗi lần kỷ niệm ngày Hà Nội giải phóng. Ngoài ông Tuệ mất năm 2004, những người anh em còn lại luôn dành một ngày đi ngắm Hồ Gươm, qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn thắp hương, hồi tưởng tháng ngày hào hùng của thủ đô yêu dấu.
Hoàng Phương