Hai năm trước, khi 3,5-4 inch được coi là kích thước tiêu chuẩn của smartphone, giới công nghệ coi thiết bị trên 4,5 inch và dưới 7 inch là phablet (điện thoại lai máy tính bảng). Tuy nhiên hiện nay, tầm 4,7-5 inch lại là màn hình phổ biến trên những dòng cao cấp nhất của các hãng từ Samsung, Sony cho đến HTC... nên thường sản phẩm có màn hình lớn hơn 5 inch mới được coi là phablet.
Trong những tháng gần đây, lĩnh vực phablet trở nên đặc biệt sôi động khi Nokia, HTC và Sony cùng bước chân vào thị trường này. Tuy nhiên, dường như những tên tuổi này vẫn chưa làm hài lòng người tiêu dùng, bởi như một chuyên gia công nghệ đã nhận xét về HTC One Max: "Người ta không thể đơn giản tạo ra một phablet chỉ bằng cách kéo rộng màn hình smartphone sẵn có" (One Max được coi là bản phóng to của One). Lợi thế màn hình giúp việc xem phim, soạn thảo, chơi game... dễ hơn, nhưng cũng lại khiến máy to và bất tiện khi cầm trên một tay hơn. Do đó, phablet sẽ cần được trang bị những ứng dụng có thể khai thác triệt để ưu điểm màn hình nhằm thuyết phục người dùng bỏ tiền mua. Về phần này, Galaxy Note 3 của Samsung với bút S Pen đã làm rất tốt khi có những chức năng, công cụ riêng dành cho màn hình lớn.
Dù vậy, đây được đánh giá là thị trường rất tiềm năng khi hãng nghiên cứu IDC cho hay các hãng sản xuất đang xuất xưởng nhiều phablet ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hơn cả số lượng tablet và notebook cộng lại. Cụ thể, có 25,2 triệu phablet đã được bán ra tại đây trong khi chỉ có 12,6 triệu tablet và 12,7 triệu laptop được phân phối vào quý II/2013. Trong khi đó, các chuyên gia của Barclays dự đoán giá trị thị trường này sẽ nhân bốn lên 135 tỷ USD còn sản lượng tăng gần 9 lần lên 228 triệu máy trong 3 năm tới.
Một số phablet đáng chú ý nửa cuối năm 2013:
Châu An