Ngày 25/4, tại tọa đàm về thi hành hiệp định Paris ký kết tháng 1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, các nhân chứng lịch sử trại Davis chia sẻ câu chuyện về giai đoạn đấu tranh ngoại giao buộc đối phương tuân thủ các điều khoản của hiệp định (1973-1975).
Hiệp định Paris được ký kết giữa 4 bên: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Với 9 chương, 23 điều, hiệp định gồm các điều khoản: Mỹ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; Mỹ không tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ của miền Nam. Các điều khoản về quân sự nêu việc ngừng bắn và Mỹ rút hết quân trong 60 ngày, chấm dứt bắn phá miền Bắc Việt Nam.
Trại Davis là nơi làm việc của phái đoàn đại biểu quân sự bốn bên, đồng thời là nơi ở của hai phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ban Liên hợp quân sự có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên nhằm thực hiện các điều khoản về quân sự đã được nêu trong hiệp định.
Hai đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam gồm các tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ ưu tú của quân đội, công an, ngoại giao, an ninh Trung ương Cục miền Nam, thông tấn, báo chí và một số ban, ngành - cùng tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao quân sự thi hành hiệp định Paris.

Một cuộc họp 4 bên tại trại Davis năm 1973. Ảnh: TTXVN
Đại tá Đào Chí Công, sĩ quan đối ngoại Văn phòng Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cho biết khối lượng công việc phải giám sát thực thi rất lớn, trong khi chính quyền Sài Gòn liên tục gây khó dễ và tìm cách phá hoại.
Khi phái đoàn từ Hà Nội đến sân bay Tân Sơn Nhất (cuối tháng 1/1973) đã bị quân cảnh bao vây, yêu cầu làm thủ tục nhập cảnh, với ý ngầm khẳng định Việt Nam Cộng hòa là một một quốc gia riêng. "Đó là một yêu cầu vô lý, vi phạm hiệp định Paris bởi Việt Nam là đất nước thống nhất", ông nói, cho biết đoàn đã ăn ngủ trên máy bay hơn một ngày để phản đối yêu cầu này. Đến tối muộn hôm sau, khi có sự can thiệp của phía Mỹ, chính quyền Sài Gòn phải bỏ yêu cầu này.
Nơi hai đoàn đại biểu quân sự của Việt Nam đóng quân là trại Davis - trại lính bỏ hoang của quân đội Mỹ, nằm sát phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP HCM). Khu vực này bị chính quyền Sài Gòn cô lập, rào kín nhiều tầng dây thép gai, ngăn Ban Liên hợp quân sự tiếp xúc với người dân miền Nam.
Xung quanh trại được lắp nhiều thiết bị nghe lén, phá sóng, gây nhiễu thông tin liên lạc. Ban An ninh của đoàn phát hiện một số thiết bị nghe trộm được gắn rất tinh vi trong tường. Chính quyền Sài Gòn cũng cho quân đội thực hiện nhiều hoạt động vũ trang quanh trại để khủng bố tinh thần thành viên phái đoàn.
"Chúng tôi bên ngoài vẫn làm việc bình thường, tăng gia sản xuất, tập luyện thể thao, nhưng bên trong thì lợi dụng tiếng máy bay lên xuống để cắt sàn nhà, đào hầm trú ẩn, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc Tổng tiến công. Trại Davis vì vậy đã trở thành hệ thống hầm hào, công sự liên hoàn", ông Công kể.
Phái đoàn cũng bí mật liên lạc với Bộ Công an, phối hợp để khắc chế máy phá sóng. Nhờ đó, việc thông tin liên lạc về Hà Nội vẫn an toàn, thông suốt.

Đại tá Đào Chí Công trả lời báo chí tại tọa đàm, sáng 25/4. Ảnh: Hoàng Phong
Đại tá Đinh Quốc Kỳ, sĩ quan liên lạc phái đoàn, cho biết phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhiều lần bố trí người theo sát, tìm hiểu điểm yếu của từng cán bộ để lợi dụng khai thác, gây chia rẽ. "Tuy nhiên, sĩ quan, cán bộ Việt Nam đều được lựa chọn kỹ càng, có bản lĩnh chính trị nên không ai bị lung lay", ông Kỳ cho hay.
Trại Davis trong thời gian phái đoàn tiếp quản trở thành "pháo đài trong lòng địch". Ban Liên hợp quân sự đã kịp thời nắm bắt diễn biến trên chiến trường, có được thông tin, bằng chứng xác thực về hành động của đối phương để thực thi nhiệm vụ.
Với sự đấu tranh trực diện, khôn khéo, phái đoàn đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thành trao trả tù quân sự và tù dân sự của các bên bị bắt trong chiến tranh, buộc quân đội Mỹ và quân đồng minh rút hết khỏi miền Nam Việt Nam ngày 29/3/1973. Đây là yếu tố quan trọng làm chuyển biến so sánh lực lượng trên chiến trường có lợi cho cách mạng, tạo bước ngoặt để thống nhất đất nước.
Tọa đàm Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III phối hợp Ban Liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự trại Davis và Hội Những người bạn di sản Việt Nam (FVH) tổ chức. Hoạt động nhằm kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) và 48 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975).