Hai thẻ đỏ, 14 phút bù giờ, hàng chục pha nằm sân vì chấn thương lẫn cố ý câu giờ... Sân Thiên Trường như trở thành một võ đài, nơi hai võ sĩ làm đủ mọi cách để đối phương phải đổ gục hẳn xuống, không gượng dậy nổi. HLV Alexandre Polking của CLB TP HCM có lý do để tức giận với những màn câu giờ lộ liễu của chủ nhà Nam Định. Nhưng có lẽ ông quên mất rằng, chỉ vài ngày trước, thầy trò ông mất chiến thắng trên sân Thanh Hóa chỉ vì... không biết câu giờ để bảo toàn lợi thế dẫn 1-0 mong manh. Sự "hồn nhiên" của HLV này khiến CLB TP HCM nhận kết quả đắng chát. Đó là hai án phạt cho thủ môn Thành Thắng và nhạc trưởng Lee Nguyễn, trong khi cánh cửa vào top 6 để tranh vô địch ở giai đoạn II cũng khép lại.
Đó là bài học quá lớn mà Nam Định không muốn mình mắc phải. Không nhiều tiền và có đủ quan hệ để cải thiện thứ bậc như TP HCM, hoặc cũng chẳng thể "vỗ ngực" rằng chơi đẹp rồi... thua cũng được, thầy trò ông Nguyễn Văn Sỹ luôn khổ sở với cuộc chiến trụ hạng suốt ba mùa đã qua. Họ thuộc nằm lòng phương châm: "Mình không tự cứu thì chẳng ai cứu cả". Bên cạnh việc CLB TP HCM mất điểm trên sân Thanh Hóa ở vòng 9, bản thân Nam Định cũng nhận một bài học đau đớn, khi thua HAGL 3-4 vì quá hào hứng trong ít phút cuối sau khi gỡ hòa 3-3 mà quên chuyện phải câu giờ xấu xí để giữ lại một điểm.
Ở góc độ chuyên môn, việc Nam Định phải câu giờ một cách bất chấp như cách họ đã làm trước CLB TP HCM hôm qua là bởi họ không biết làm gì... cho đẹp hơn. Đội bóng của HLV Nguyễn Văn Sỹ vốn không biết phòng ngự. 18 bàn bàn thua, tức trung bình gần hai bàn mỗi trận, đã nói lên tất cả. Họ tấn công một cách mãnh liệt, nhiệt tình, chân chất bao nhiêu, thì hàng phòng ngự của họ cũng chơi "hồn nhiên" bấy nhiêu. Với các đội có tư duy chiến thuật cao, có con người chất lượng ở mọi vị trí như HAGL hay Viettel, mỗi trận đấu, họ chỉ "cho phép" đối phương dứt điểm không quá tám lần. Mạnh cỡ Hà Nội FC mà còn không sút trúng đích được lần nào khi đấu Viettel, và cũng chỉ sút được năm cú trong cả trận thua HAGL ở Pleiku hôm qua.
Kiểu câu giờ xấu xí đương nhiên không được tán thành, nhưng có lẽ ở hoàn cảnh của họ, Nam Định không thể làm gì khác. Một đội bóng mà trận nào cũng để đối phương sút trung bình 13 cú, thì chắc chắn là không thể ngay lập tức, đổi lối chơi, đá phòng thủ khoa học, chủ động được. Họ phải phòng ngự theo bản năng, nghe theo tiếng gọi sinh tồn. Sau hai thất bại cay đắng cùng tỷ số 3-4 dưới tay Bình Dương rồi HAGL, các cầu thủ Nam Định như "chim sợ cành cong". Khi CLB TP HCM từ thế bị dẫn bàn vượt lên dẫn lại Nam Định 2-1, có lẽ các CĐV tại Thiên Trường đã nghĩ đến đến một kết tục tồi tệ. Và đấy cũng là lý do mà khi đảo ngược tình thế dẫn đội khách 3-2, Nam Định phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ thành quả. Họ phải tự cứu lấy bản thân trước. Giữa cảm xúc hoảng loạn vì ám ảnh thua ngược, rất khó để biết câu giờ thế nào là tốt, hay là xấu.
Nhưng những gì diễn ra ở Thiên Trường có thể chưa phải là những hình ảnh xấu xí nhất của V-League mùa này. Kịch tính đang đẩy lên cao trào, và cuộc chiến sinh tồn mới là điểm nhấn chứ không phải là cuộc đua vô địch. Thắng lợi với tỷ số tối thiểu trước Hà Nội FC đem lại lợi ích tối đa cho HAGL. Thầy trò Kiatisuk nối dài mạch thắng lên sáu trận, vững ngôi đầu bảng, đồng thời khiến cuộc đua vô địch chỉ còn là cuộc đấu "song mã", giữa họ với Viettel.
Thể thức thi đấu của V-League 2021 có một điểm đáng chú ý: kết quả của giai đoạn I được bảo lưu ở giai đoạn II. Điều này có nghĩa, kể cả khi có một phép mầu nào đó giúp Hà Nội FC vào top 6 đội mạnh nhất đá giai đoạn II, họ cũng không còn được xem là ứng viên vô địch. Cách biệt giữa họ với HAGL hiện là 12 điểm, tương đương bốn trận thắng, trong khi tổng số trận đấu còn lại trong mùa của top 6 chỉ là tám - gồm ba trận cuối giai đoạn I, và năm trận giai đoạn II.
Sẽ khó có kịch bản Hà Nội FC toàn thắng, HAGL toàn thua cả tám trận còn lại. Hiện, HAGL hơn đội xếp thứ ba - Quảng Ninh - đến bảy điểm, hơn Đà Nẵng - xếp thứ tư - đến chín điểm. Nên chỉ Viettel - đang kém ba điểm - mới đủ tiềm lực và điểm số để bám đuổi thầy trò Kiatisuk. Và như thế, cuộc đua vô địch tưởng sẽ khắc nghiệt, hóa ra lại được giải quyết nhanh gọn ngay tại vòng 10 vừa qua, sau khi HAGL hạ Hà Nội và Viettel thắng Quảng Ninh, để cùng bứt lên.
Phần còn lại của mùa giải, vì thế, tập trung vào "cuộc chiến sinh tồn" tìm cửa trụ hạng. Top 6 vẫn còn bốn chỗ - sau HAGL và Viettel - chưa xác định. Trong khi đó, ở nhóm tám đội còn lại, đã có năm đội chắc suất, gồm Hà Tĩnh, Sài Gòn FC, CLB TP HCM, SLNA và Hải Phòng. Nhưng trên thực tế, nhóm này cũng chỉ cách các đội phía trên một khoảng cách rất nhỏ.
Hà Nội FC, sau khi thua HAGL và tụt xuống thứ tám, hiện chỉ hơn TP HCM và Sài Gòn FC đúng ba điểm. Nên cứ đặt giả thiết đội bóng thủ đô bị rơi vào nhóm 8 đội ở giai đoạn II, nguy cơ họ xuống hạng vẫn có thể xảy ra như thường. Bởi khi đó, sẽ không còn ai phân biệt thế nào là "đá đẹp rồi rớt hạng cũng được", hay sẵn sàng chơi xấu để trụ lại với V-League.
Song Việt