Tôi học ít, hết lớp 9, bước một chân vào lớp 10 đã dừng lại; và rất lâu sau mới có bằng tốt nghiệp bổ túc THPT. Chữ viết của tôi rất xấu, mắt lại yếu, và tất nhiên rất nghèo, nhưng tôi mê đọc sách lắm, hơn tất cả mọi thứ trên đời. Tôi đọc nhiều nên trong lòng cháy một ước mơ: viết văn. Ngày từ cấp I, tôi đã mê tìm cách viết một cái gì đấy, gom góp giấy trắng đóng thành tập để dành viết, và khi ai hỏi tôi cũng đoán chắc rằng sẽ trở thành nhà văn.
Viết không dễ, vô cùng khó khăn nhất là khi tôi không trang bị được lý luận văn học và kỹ năng viết, cũng như trải nghiệm cuộc sống thực tế. Những tôi đã viết trong... hơn chục năm tính cho đến khi có bài viết đầu tiên được đăng tải chính thức trên một tạp chí văn nghệ. Đấy là bài “Đường lên đỉnh O-lym-pi-a” đăng trên tạp chí văn nghệ Hội văn học nghệ thuật Cà Mau. Niềm vui trong tôi vỡ òa…
Quay lại một chút. Trước đó, khi làm một chân chạy bàn tại một quán nhậu trong thị xã (khi Cà Mau còn là thị xã), tôi đã đến trụ sở Hội văn học nghệ thuật tỉnh. Ở đấy được vị thường trực mời một ly trà, kiên nhẫn lắng nghe về ước mơ viết của tôi và có một lời khuyên: “Anh hãy viết những gì anh nghĩ, nếu không ai đăng thì bỏ vào ngăn bàn, đến một ngày nào đấy nó sẽ có giá trị”. Tôi nhớ câu nói này, của một nhà văn.
Tôi viết, mọi lúc mọi nơi khi có thể. Tôi rèn ngòi bút bằng việc viết giúp người ta mọi thứ, kể cả thư tình! Mỗi biến cố lại là cơ hội cho tôi viết, giải nén cảm xúc. Nhiều lắm…
Cuộc sống khó khăn, tôi lang bạt kỳ hồ nhiều nơi, có khi đói. Vậy mà giấc mơ chữ nghĩa vẫn luôn trong lòng cho dù chưa gặt hái được gì hết. Tôi vẫn đọc, vẫn viết, vẫn đi…
Bệnh tật, vào chùa nương Phật, tôi vẫn viết. Rồi như một sự tưởng thưởng, một cái kết có hậu, tôi viết được, liên tục có bài được đăng trên báo và tạp chí trong tỉnh, trên thành phố, thậm chí trên trang mạng của một đài phát thanh ngoại quốc. Tôi hạnh phúc. Mỗi bài viết được sử dụng, mỗi tác phẩm văn chương nho nhỏ được đăng tải lại là một dịp cởi lòng mình, hiện thực hóa ước mơ chữ nghĩa. Nhuận bút của tôi vài trăm nghìn, rồi tiền triệu, rồi những giải thưởng be bé… Trời đã không phụ long người, cho dù thành tích ấy không là gì, chỉ là những bài viết giản đơn của một cây bút nghiệp dư chính hiệu. Nhưng tôi cũng chỉ mong có thế thôi, “nhà văn” miệt đồng quê.
Ngày chạy chiếc Dame cũ nát đến cổng trụ sở Hội văn học nghệ thuật Cà Mau nhận mấy trăm nghìn nhuận bút, tôi bồi hồi lắm. Trụ sở này tôi đã đến nhiều năm trước, khi làm chân chạy bàn quán nhậu. Nhà văn đã từng có lời khuyên chân tình với tôi bên tách trà, giờ không biết đã ở đâu. Chị kế toán trung niên nhận ra hạnh phúc trong ánh mắt của người đối diện khi ký nhận nhuận bút, chị đã tủm tỉm mỉm cười. Ba trăm nghìn đồng, có một tờ giấy bạc đỏ, không ít ỏi gì, rất lớn lao. Một chầu cà phê sang cho mình, và quà nhỏ cho mẹ ở nhà, đường về hân hoan…
Có câu chuyện xưa về một ông lão sắp ra đi vĩnh viễn, nhìn đàn con thô vụng mà không an. Ông nghĩ ra kế, thều thào với các con trước lúc lâm chung: “Cha có giấu vàng ở khu vườn sau nhà, các con hãy tìm mà làm vốn”. Ông mất, khu vườn đầy cỏ dại rộng thênh vì không người săn sóc bỗng trở thành tơi vụn trước sự đào bới quyết liệt của các con ông lão. Vàng không có, tất nhiên, các con ông đã nhận ra mảnh đất màu mỡ đã có thể trồng trọt được, và vàng ở đấy. Câu chuyện này không trùng khít với tôi, nhưng rõ ràng tôi đã đào xới tung lên trong khu vườn chữ nghĩa ít ỏi của mình, để rồi có thể sử dụng ngòi bút nhọn mà sáng tác, viết lách từ xuất phát thấp. Sự cần cù đã bù đắp tài năng là trường hợp của tôi, một người đã cháy hết mình trong đam mê con chữ, văn chương.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Thành Công