Với mái tóc bồng bềnh vàng cát đi kèm đôi kính cận, khó ai có thể đoán Vân Anh đang vướng căn bệnh đáng sợ và khó chữa nhất loài người: Ung thư vú. Làm mẹ đơn thân, sống chung với đại gia đình ba thế hệ ở quận 3, TP HCM, khi phát hiện bệnh, chị chỉ có 10 triệu, trong lúc ca mổ đầu tiên mất 50 triệu. Chưa kể hàng trăm triệu đồng nữa cho quãng đời bất định còn lại. Mọi thứ dường như quá sức với người phụ nữ U50.
"Từ nhỏ tôi chưa bao giờ may mắn trong học hành, hôn nhân, gia đình... Nhưng từ khi mắc bệnh, tôi lại thấy may mắn - điều rất đỗi ngược đời. May mắn khi gặp được bác sĩ tận tâm, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ hết lòng về mọi mặt. 3 năm chiến đấu với bệnh tật, tôi không hề một mình", Vân Anh nói.
Chị vẫn pha trò, cười không ngớt. Năng lượng tích cực truyền cho cả người mẹ (79 tuổi) và đứa cháu gái (27 tuổi) cũng đang điều trị. Cả 3 người trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: đau khổ khi phát hiện bệnh, gượng dậy, tự nhận ra phải mạnh mẽ để sống tiếp vì chính mình và người thân, làm những điều có ích cho xã hội và tình trạng bệnh dần cải thiện, sống an yên mỗi ngày.
Ba người mắc ung thư trong 3 năm
Vân Anh kể mẹ phát hiện bị ung thư đại tràng năm 2016. Ở tuổi ngoài 75, sức khỏe không cho phép hóa trị, xạ trị nên bà chấp nhận sống chung với bệnh, điều trị chỉ mang tính kéo dài sự sống. Dù công tác tại Bình Phước nhưng chị vẫn cố gắng sắp xếp công việc để chăm sóc thường xuyên, động viên bà giữ gìn sức khỏe, chiến đấu với căn bệnh.
Khi bệnh của bà có dấu hiệu ổn định. Tháng 4/2017, đến lượt chị phát hiện ung thư vú, giai đoạn ba. "Đó là cú sốc quá lớn với gia đình, một người khỏe mạnh như tôi lại bị ung thư. Không thể chấp nhận sự thật đó", chị hồi tưởng.
Từ khi phát hiện bệnh, không đêm nào Vân Anh ngon giấc. "Con còn nhỏ, mẹ già lại bệnh tật. Bản thân mình chưa lo lắng được gì mà ra đi như vậy sao", người phụ nữ tự nhủ. Như bao bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác, khát khao sống trỗi dậy, chỉ khác là chị có niềm tin mãnh liệt vào ý chí của mình.
Khi hai người phụ nữ cùng nhau giành giật sự sống mỗi ngày thì đầu năm 2019, đứa cháu gái (27 tuổi) mắc ung thư vú. Bệnh viện bỗng dưng trở thành nhà của 3 người. "Đối với một gia đình bình thường, có một người mắc bệnh ung thư đã lo lắng, hoang mang, tuyệt vọng lắm rồi. Còn gia đình tôi, tin dữ cứ dồn dập ập xuống", giọng trầm buồn, chị thổ lộ.
Khi mọi thứ dồn hết vào đường cùng, chị kể cả ba người chỉ còn biết động viên "không được gục ngã, còn nước còn tát, tới khi tát không được nữa mới thôi. Nếu mình nghĩ chiến thắng ung thư thì ung thư sẽ thua mình". Gia đình đã có chuỗi ngày không đầu hàng bệnh tật.
Mẹ chị vẫn ngày ngày lo cơm nước, tự chạy xe máy ra công viên tập thể dục, dù đang bị ung thư đại tràng và di căn nhiều bộ phận. Chị vẫn làm việc như chưa từng bị bệnh, chăm con gái (11 tuổi). Quan trọng hơn, Vân Anh tham gia một tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện.
Chị kể thấu hiểu nỗi sợ hãi, hoang mang của người bệnh là lý do có mặt tại hệ sinh thái SCI, Nón hồng, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Người phụ nữ U50 là thành viên tích cực trong câu lạc bộ, vận động bệnh nhân tham gia các hoạt động giúp tinh thần thư thái như tập yoga, học vẽ, nhảy flashmod...
Vào dịp cuối tuần, chị cùng gia đình và bạn bè nấu cháo, phát miễn phí cho người vô gia cư. Hoạt động thiện nguyện tạo động lực, tạo cho chị có thêm niềm tin vào cuộc sống. Phần nào những công việc này còn giúp khuây khỏa nỗi lòng, bớt nhớ về công việc quản lý bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm bảo trợ xã hội Bình Đức.
Nhờ tinh thần lạc quan, tích cực điều trị mỗi tháng, 6 tháng sau khi phát bệnh, bệnh tiến triển theo chiều hướng tích cực. Để ngừa di căn, tháng 2/2018, chị tiến hành đại phẫu ở vùng nách, lấy da lưng tạo hình cho vùng ngực. Sau phẫu thuật, chị vẫn tiếp tục vào 18 toa thuốc mỗi tháng. Vào năm 2019, chị chỉ còn uống thuốc nội tiết để tránh tái phát.
Hiện khối u của chị đã gần như mất hẳn. Mỗi lần thăm khám, bác sĩ phải hỏi chị bị ung thư vú ở bên nào vì không thấy dấu vết. "Thay vì giấu bệnh, tôi đón nhận bằng cách tích cực và nhận lại bằng kết quả đầy khả quan. Tôi gọi đó là sự hồi sinh kỳ diệu. Ung thư không chừa một ai nhưng mắc bệnh không phải là dấu chấm hết, ý chí chiến đấu là quan trọng nhất", chị chia sẻ.
Đồng cảm với chị Vân Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - Trần Uyên Phương đã đến động viên, tiếp thêm nghị lực cho chị. Uyên Phương tích cực làm cầu nối chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa của chị, truyền cảm hứng đến "chiến binh K" qua chương trình "Nối trọn yêu thương" về niềm tin, tinh thần lạc quan, nghị lực to lớn tiềm ẩn trong mỗi con người. Qua đó, truyền cảm hứng về tinh thần trách nhiệm cao với bản thân, với gia đình và cộng đồng.
Nữ doanh nhân mong những người đang trải qua căn bệnh ung thư có thêm động lực, thấy cuộc sống qua lăng kính khác để khích lệ cho bản thân vững vàng đi tiếp, không đầu hàng trước số phận. Tiền bạc, danh vọng không quan trọng bằng sức khỏe. Không có sức khỏe sẽ không còn gì hết.
Vị lãnh đạo khâm phục những người dám ước mơ, đặt mục tiêu vượt qua giới hạn của bản thân, bền bỉ để đạt được điều mình muốn rất đáng học hỏi.
Còn Vân Anh vẫn hằng ngày vượt qua thử thách mà chị biết, chỉ một chút nao lòng là mất tất cả.
Kim Uyên