Các triệu chứng cai nghiện bắt đầu vào ngày thứ ba. Khi đang ăn cơm, ông Liu bỗng nhiên không nhìn rõ thức ăn trong đĩa và tay run đến độ không thể cầm đũa. Sau vài nỗ lực, ông tức giận ném mình xuống nền gạch.
Đó là cảnh tượng ám ảnh các gia đình khắp các vùng nông thôn Trung Quốc. Những người cai nghiện chỉ có cách ở nhà chờ đợi các triệu chứng giảm dần. Thông thường, sự giúp đỡ duy nhất để họ vượt qua cơn đau, buồn bực là sự hỗ trợ và động viên từ gia đình.
Li Bing, một chuyên gia cai nghiện rượu tại Bệnh viện Bắc Kinh, cho rằng hiện tượng này báo hiệu một xu hướng nguy hiểm. Nếu không được điều trị thích hợp, người nghiện rượu có thể tử vong. Nhiều người dân ở nông thôn đang nỗ lực cai rượu, nhưng ít được chuyên gia hỗ trợ.
Vì những triệu chứng vật vã khi cai nghiện rượu, Liu vô tình làm cháy bếp, trong lúc vợ đang đi làm. May mắn, một hàng xóm phát hiện ra và đến cứu. Tai nạn này không khiến ông mất mạng nhưng bị bỏng. Ngoài hai lần tái phát ngắn, Liu cai nghiện thành công sau hơn 100 ngày.
Qua các video ngắn, Shuzhi ghi lại quá trình cai rượu của chồng. Từ một người bơ phờ vì thiếu rượu, ông chồng dần quay lại với công việc hàng ngày như quét nhà, trồng rau.
Bà Shuzhi bằng tuổi chồng. Họ kết hôn khi vừa tròn 20 tuổi. Thời đó, ông Liu được nhận xét là chu đáo, có trách nhiệm với gia đình. Nhưng chín ngày sau hôn nhân, ông đau khổ vì mẹ đột ngột qua đời. Chưa đầy một năm sau, cha anh tái hôn và có thêm đứa con với một phụ nữ chỉ hơn Liu vài tuổi. Cuộc hôn nhân thứ hai của cha khiến Liu tìm đến rượu.
Khoảng bảy hoặc tám năm trước, Liu không uống rượu với người khác, trong đám cưới hay đám tang. Ông chỉ thích ở nhà một mình uống rượu. "Cảm giác như không thể lên tiếng, nhưng im lặng rất khó chịu", Shuzhi mô tả cảnh sống chung với người nghiện rượu.
Khi Liu nghiện nặng, ông trở nên bạo lực. Có lần, ông chồng dùng dao đe dọa vợ. Những đứa con lao vào ngăn bố, khiến ông đánh rơi con dao xuống đất. Dù ông Liu không hành hung vợ nữa, nhưng Shuzhi vẫn bị ám ảnh mỗi khi quét nhà, nhìn thấy vết chém trên sàn nhà lúc con dao rơi xuống. Ký ức đó chỉ phai nhạt sau khi họ bán căn nhà. "Ngày nào những đứa con tôi cũng sống trong sợ hãi. Mỗi khi bố uống rượu, chúng lại lo lắng", bà kể.
Shuzhi từng có ý định ly hôn, nhưng ngày nộp đơn bà bị ngã xe đạp, vỡ mắt cá nhân. Trong thời gian vợ nằm nhà, ông Liu luôn săn sóc và thề không bao giờ uống rượu nữa, thậm chí viết cam kết.
Nhưng bất hạnh này nối tiếp bất hạnh khác khiến Liu phá vỡ lời thề. Năm 2003, họ thế chấp gia sản để đầu tư vào một doanh nghiệp cây trồng. Sau vài năm, làm ăn thua lỗ, họ gánh thêm nợ.
Năm 2013, người em út của Liu qua đời vì xuất huyết não. "Khi mẹ anh ấy qua đời, anh ấy cảm thấy phải có trách nhiệm với em mình, nhưng không làm được", Shuzhi kể. Đau khổ, Liu lại chìm trong rượu. Lúc say, ông đi tìm rắc rối, quấy rối người lạ và chửi rủa họ.
Trước ngày cưới con trai lớn, ông cai rượu để không làm ảnh hưởng đến ngày vui của con. Nhưng không có rượu, Liu như người mất hồn. Khi phát biểu trong lễ cưới, ông lơ đãng nhìn vào khoảng không, hai tay ôm hai bên hông, không thèm cầm chiếc micro được trao.
Ngoài tàn phá nội tạng, lạm dụng rượu trong thời gian dài khiến giác quan của Liu yếu hẳn. Ông thường xuyên vấp ngã. "Chúng tôi cho ông ấy uống thuốc, nhưng ông ấy bảo lúc nào cũng cảm thấy như bị bao cát buộc quanh chân", người vợ nói.
Hai năm trước, trong mùa đông Hắc Long Giang khắc nghiệt, Liu say, đặt chân vào một nồi nước đang sôi mà không cảm giác.
Ban đầu, Shuzhi đưa chồng đến bệnh viện vì tổn thương thần kinh và một chứng rối loạn thần kinh do bệnh gan. Ông chồng còn bị ảo giác. Có lần ông mở cửa sổ tầng bốn nói chuyện với bầu trời và gần như nhảy dựng lên.
Năm 2015, khi họ đến Cáp Nhĩ Tân, bác sĩ nói Liu cần một chuyên gia tâm lý. "Ảo giác và triệu chứng thể chất khác của ông ấy là AWS (hội chứng cai rượu), bác sĩ nói.
Nhưng họ không được giúp đỡ. "Trong một thập kỷ qua, ông ấy không thể lao động chân tay và phải nằm viện rất nhiều. Gia đình chúng tôi căng thẳng vì nợ nần. Vì vậy, tất cả những gì ông ấy có thể làm là nghiến răng chịu đựng căn bệnh này. Chúng tôi không có tiền chữa", Shuzhi nói.
Về nhà, cai nghiện rượu như trò mèo vờn chuột. Ông Liu rất giỏi giấu rượu ở chỗ vợ không biết. Bà Shuzhi thậm chí phải liên hệ với các cửa làng lớn nhỏ trong thị trấn cấm bán rượu cho chồng, đồng thời yêu cầu gia đình và bạn bè không uống rượu trước mặt Liu.
Giải pháp Shuzhi áp dụng phổ biến trong các gia đình nghiện rượu ở Trung Quốc. Ở tỉnh Cát Lâm cạnh đó, Li You nói chừng nào còn trí nhớ, anh không thể quên cảnh bố say xỉn. Li cho hay, không chỉ hầu hết người làng đều uống rượu mà rất nhiều trong số đó còn nghiện nặng.
Mỗi ngày, cha Li thường uống hơn nửa lít rượu Bạch Tửu, là loại rượu mạnh, chiếm 60% nồng độ cồn. "Bố thường nói thiếu chút cồn như uống nước lã, rất nhàm chán", anh kể.
Cha nghiện rượu khiến hoạt động kinh doanh nhà hàng của gia đình anh thất bại. Vài lần, rượu suýt khiến cha anh chết cóng trên vỉa hè. Nhưng với người dân thị trấn, nghiện rượu không phải bệnh. Họ chỉ biết nó khiến người nghiện mất động lực và sự tôn trọng của người xung quanh.
"Có ông già ở làng chúng tôi uống rượu quanh năm. Nay 90 tuổi, ông vẫn có thể chặt củi", Li kể. Mỗi khi ai nhắc đến tác hại đến sức khỏe của rượu, ông lại nêu ra như bằng chứng sống.
Khi Li 14 tuổi, cha anh qua đời vì bệnh ung thư. Cách đây vài năm, chú của anh, người thứ ba trong số năm anh em của bố, cũng nghiện rượu, bị xuất huyết não. Li chắc chắn những chuyện buồn này đều liên quan đến rượu.
Vào năm 2000, Li Bing, chuyên gia cai nghiện rượu đã tìm hiểu về Alcoholics Anonymous (AA), ở Mỹ. Đây là tổ chức quốc tế giúp người nghiện rượu tỉnh táo. Nhờ tổ chức này, nhiều người loại bỏ được thói quen uống rượu và trở lại cuộc sống bình thường.
"Giống như cao huyết áp và tiểu đường, nghiện rượu có thể trở thành nỗi khổ suốt đời. Mặc dù bác sĩ kê một số loại thuốc nhất định, nhưng người nghiện cần được hỗ trợ để phòng tái phát", Li Bing nói.
Các nhóm hỗ trợ người nghiện xuất hiện ở Trung Quốc từ hai thập kỷ trước. Nhưng ở vùng nông thôn, những nhóm như vậy không tồn tại, đơn giản vì người dân không có nhận thức về chứng nghiện rượu.
Suốt nhiều năm qua, Shuzhi luôn ủng hộ và giúp đỡ chồng mình, nhưng thấy bà thấy cô đơn và bất lực. Cách thức duy nhất bà tin có thể cai nghiện cho chồng là để ông tránh càng xa rượu càng tốt.
Vài tháng trước, người vợ bắt đầu ghi lại quá trình này trong các đoạn video ngắn. Hơn 20.000 người theo dõi sự thay đổi của ông Liu. Một số người có người thân nghiện rượu còn liên hệ với bà Shuzhi. Họ nói chuyện thâu đêm, đến độ bà Shuzhi nghĩ đến việc thành lập một cộng đồng gắn kết những người chung cảnh ngộ.
Bác sĩ Li Bing khuyến khích những người nghiện rượu ở vùng nông thôn Trung Quốc thành lập các nhóm hỗ trợ gia đình hỗ trợ người cai nghiện. "Sống với người nghiện rượu có thể rất ngột ngạt. Điều quan trọng là các thành viên trong gia đình phải có lối thoát để trút bỏ cảm xúc và hỗ trợ lẫn nhau. Bằng cách đó, họ có thể giúp đỡ nhiều người thân cai nghiện thành công", bà nói.
Nhật Minh (Theo Sixthone)