Bà Bành hôm qua đã cùng Chủ tịch Tập Cận Bình đáp máy bay xuống thành phố Seattle, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ kéo dài một tuần. Bà xuất hiện ở sân bay trong chiếc áo cổ Tàu trắng, dài tay, kèm chân váy hoa nhẹ nhàng.
Nữ danh ca quân đội một thời cũng sẽ trở thành tâm điểm vào cuối ngày hôm nay khi cùng chồng đến thăm trường trung học Lincoln ở Tacoma, bang Washington. Các học sinh sẽ biểu diễn bài hát "In the Field of Hope" (tạm dịch là "Trên cánh đồng hy vọng" ), một trong những bài hát nổi tiếng nhất của bà.
Hình ảnh của người phụ nữ 52 tuổi này đã phủ sóng khắp nước ngoài và trở thành một biểu tượng của "ngoại giao đệ nhất phu nhân" kể từ ông Tập lên làm chủ tịch vào năm 2013.
Bên cạnh việc tháp tùng chồng trong các chuyến công du, bà còn tích cực tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS, thúc đẩy Ngày Thế giới Không Thuốc lá cùng tỷ phú Bill Gates. Bà đã được chọn làm đại sứ thiện chí của Tổ chức Y tế Thế giới trong chiến dịch chống lao và HIV/AIDS năm 2012.
Trong khi đó, Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama cũng hoạt động xã hội rất tích cực. Bà đã tổ chức chiến dịch chống béo phì ở trẻ em vào năm 2010 và tham gia góp ý về những vấn đề xã hội. Năm ngoái, bà trở thành phu nhân tổng thống đầu tiên có chuyến thăm riêng, không đi cùng chồng, đến Trung Quốc. Dù Nhà Trắng cho hay chuyến thăm đó thiên về văn hóa hơn là chính trị, bà Michelle vẫn đề cập đến những vấn đề như tự do ngôn luận và "các quyền phổ quát".
SCMP dẫn lời ông Steve Tsang, chuyên viên cao cấp Viện Chính sách Trung Quốc, đại học Nottingham, Anh, nhận định bà Bành dự kiến sẽ có những hoạt động "mềm" , bổ sung cho lịch trình chính trị của chồng.
"Mỗi người lựa chọn một kiểu vai trò trước công chúng khác nhau. Bà Bành rõ ràng ưa thích vai trò của mình và ông Tập cũng hài lòng với điều đó", ông Steve nói.
Tuy nhiên, thứ mà mọi con mắt đều đang đổ dồn về là những bộ cánh mà hai người phụ nữ này sẽ mặc. Giới thời trang đánh giá bà Michelle và bà Bành đều nổi tiếng với việc dùng thời trang như một hình thức ngoại giao không lời, là hiện thân cho các nhà thiết kế và nền văn hóa của quốc gia họ.
"Phong cách của bà Bành có xu hướng trang trọng hơn, rất thanh lịch và nghiêm túc. Bà mặc những chiếc áo được cắt may riêng với các chi tiết mang tính truyền thống và không cầu kỳ", Jeanne Tan, trợ lý giáo sư thuộc Viện Dệt may và Thời trang, đại học Bách khoa Hong Kong, nhận xét.
"Thời trang của bà Michelle mang tính thử nghiệm nhiều hơn. Chúng ta thấy bà trong những bộ cánh của các nhãn hiệu thời trang từ bình dân cho đến cao cấp, thậm chí là những chiếc váy ngắn trẻ trung", cô nói thêm.
Đệ nhất phu nhân Mỹ đã mặc từ các nhãn hiệu bán lẻ với mức giá trung bình đến những chiếc đầm lộng lẫy của các nhà thiết kế danh tiếng thế giới như Alexander McQueen.
Trong khi đó, bà Bành không tiết lộ rõ những thương hiệu mà bà lựa chọn, dù bà từng ủng hộ cho những tên tuổi trong nước như Exception de Mixmind.
"Trong văn hóa Trung Quốc, sự kín đáo và thanh lịch rất được coi trọng. Phong cách của đệ nhất phu nhân đã toát lên điều đó", Jerri Ng, tổng biên tập tạp chí phụ nữ Trung Quốc Modern Lady, nói.
Anh Ngọc