"Tôi cũng hào hứng như những người cha mẹ khác lần đầu có con. Nhưng con trai tôi, Zachary khóc liên tục", Levine nhớ lại thời điểm sinh con đầu lòng, tháng 10/2013.
Là bác sĩ nhi khoa ở New Jersey, tiến sĩ Levine thường an ủi những cha mẹ lo lắng. Nhưng khi trở thành một người cha, kinh nghiệm nghề nghiệp không giúp anh kiềm chế nỗi ám ảnh tiếng khóc dai dẳng của con. "Tôi bắt đầu nghĩ có điều gì đó không ổn với thằng bé", anh kể.
Ở nơi làm việc, Levine tập trung vào công việc, nhưng về nhà anh sẽ cáu bẳn, thậm chí giận dữ. "Mỗi lần anh đến là thằng bé khóc. Anh tin chắc chắn con trai có gì đó không ổn", người chồng nói với vợ. Vợ anh và bác sĩ nhi khoa của bé Zachary cố gắng trấn tĩnh Levine mà không thành.
Khi Zachary được vài tuần tuổi, ông bố tin con trai ghét mình. "Anh bước vào cửa thôi là con khóc ngay", Levine bực bội nói với vợ. Người vợ giải thích với chồng con quá nhỏ để biết thế nào là ghét. Cảm thấy bị cô lập và bị từ chối nên anh trở nên hằn học với vợ và liên tục nghĩ con có vấn đề. "Có lẽ thằng bé mắc chứng tự kỷ. Ngày nào nó cũng khóc", ông bố trẻ kết luận.
Nhiều tuần trôi qua, những suy nghĩ và cảm xúc của anh về con trai càng lúc càng đen tối hơn. "Anh ghét nó. Anh ước mình chưa từng sinh ra thằng bé", Levine nói với vợ.
Dù không nhận ra sự bất thường của mình thời điểm đó, nhưng tiến sĩ Levine đang có triệu chứng điển hình của chứng trầm cảm sau sinh ở nam giới (PPPD).
Tiến sĩ tâm lý học David Singley ở San Diego, người điều trị cho khoảng 40 đàn ông bị trầm cảm sau sinh, cho biết trong khi phụ nữ có xu hướng giấu nỗi buồn và nỗi sợ hãi vào trong thì đàn ông lại thể hiện sự trầm cảm qua tức giận, hung hăng, cáu kỉnh và lo lắng.
"Họ cũng dễ mắc các biểu hiện khác như tăng sử dụng chất kích thích, các hành vi gây nghiện như cờ bạc hoặc trò chơi điện tử, các biểu hiện thể chất như đau đầu và các vấn đề về dạ dày", chuyên gia nói.
Vào một thời điểm nào đó trong giai đoạn trầm cảm, bác sĩ Levine tra cứu tình trạng sản phụ sau sinh trên Google. "Tôi phát hiện nam giới cũng có thể trầm cảm, nhưng tôi không tìm kiếm sự giúp đỡ", anh thừa nhận.
Tiến sĩ Singley, thành viên hội đồng hỗ trợ sau sinh quốc thế giải thích, với đàn ông, từ một chàng trai trở thành bố rất khác so với mọi sự kiện khác trong đời.
"Những kỳ vọng kiểu cũ rằng nam giới là người bảo vệ và chăm sóc người khác khiến họ không tìm kiếm sự giúp đỡ", ông nói. Anh Levine miễn cưỡng tiếp cận một chuyên gia nhưng không muốn vợ biết mình yếu đuối và bất lực. "Tôi luôn được xem là phái mạnh", anh nói.
Tâm trạng đen tối của anh khiến suy nghĩ cũng đen tối. Khi đặt con trai vào ghế cao, anh sợ mình quá thô bạo hoặc làm con hoảng hốt. Anh thú nhận đã có lúc sự tức giận bị kìm nén bùng lên đến mức anh phải tránh xa con, vì sợ sẽ làm nó tổn thương.
Khi Zachary được khoảng năm hoặc sáu tuần tuổi, anh Levine và vợ lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi, nhờ ông bà trông cháu. Nhưng sáng hôm đó, anh nói với vợ một điều "thực sự khủng khiếp về đứa bé". Lái xe đi làm, anh chợt cảm thấy kinh hãi vì lần này mình đã quá đáng. Anh gọi điện cho vợ xin lỗi và hỏi xem cuộc hẹn của họ có còn tiếp tục không. Anh tự nghĩ vợ sẽ nói "không", rồi bật khóc.
Sự việc hôm đó dẫn đến một bước đột phá. Cuối cùng, Levine cũng chia sẻ nỗi tuyệt vọng, cảm giác mất kết nối và sợ hãi với vợ. "Anh cần trợ giúp và nghỉ ngơi. Anh đang rất mệt mỏi", cô nói giúp chồng yên tâm hơn.
Ngay ngày hôm đó, Levine thuê một y tá trực đêm và hẹn gặp bác sĩ tâm thần, chuyên về trầm cảm sau sinh. Trong ba tháng tiếp theo, liệu pháp nhận thức đã giúp anh hiểu suy nghĩ tiêu cực ám ảnh mình không thực tế. Con trai không ghét anh và không từ chối bố. Đứa trẻ khỏe mạnh và phát triển.
Vào thời điểm vợ đi làm trở lại và anh nghỉ theo chế độ vợ sinh kéo dài một tháng, Zachary đã không còn khóc liên tục. "Thằng bé ăn ngon và cười với tôi nhiều hơn", anh kể. Ông bố tự tin hơn và ngừng trị liệu.
Levine không phải người duy nhất gặp vấn đề khi vợ sinh. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2010 trên tạp chí của hiệp hội Y khoa Mỹ, 10% đàn ông trên khắp thế giới mắc chứng trầm cảm sau sinh của người cha (PPPD).
Một nghiên cứu với sự tham gia của hơn 28.000 người trong 43 nghiên cứu được thực hiện từ năm 1980-2009 cho thấy tỷ lệ ông bố mắc bệnh cao hơn khi con ở nhóm tuổi 3-6 tháng sau sinh.
Trong khi nồng độ hormone được coi là yếu tố chính gây hậu sản ở nữ thì đàn ông mắc PPPD có thể gặp phải một số tình trạng rối loạn nội tiết tố. Nghiên cứu năm 2017, tìm mối liên hệ giữa mức testosterone thấp hơn và PPPD cho thấy, sau khi sinh con, lượng testosterone giảm và các triệu chứng trầm cảm gia tăng đã được quan sát thấy ở người cha. Tuy nhiên, lý do testosterone giảm vẫn chưa được hiểu rõ.
Nội tiết tố có thể là một yếu tố, nhưng yếu tố dự báo mạnh nhất về tình trạng trầm cảm ở nam giới là tình trạng của vợ anh ta. Nếu người vợ bị trầm cảm, người đàn ông có nguy cơ mắc bệnh hậu sản cao gấp đôi, theo một đánh giá năm 2004 của 20 nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng "trong năm đầu tiên sau sinh, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở người cha dao động 1,2%-25,5% trong các mẫu cộng đồng và 24%-50% ở những người đàn ông có bạn đời bị trầm cảm sau sinh. Chứng trầm cảm của người mẹ được xác định là yếu tố dự báo mạnh nhất về chứng trầm cảm của người cha trong thời kỳ hậu sản.
Mặc dù nghiên cứu xác nhận rằng PPPD ở nam giới là có thật, nhưng phần lớn nam giới không biết về điều đó. Thách thức thực sự có hai mặt: làm cho nam giới nhận thức được và giúp họ nhận được sự giúp đỡ. Đó là những gì tiến sĩ Levine hy vọng sẽ làm được khi kể câu chuyện của mình.
Tháng 10/2017, Levine, 40 tuổi và vợ, 38 tuổi chào đón đứa con thứ hai, một cô con gái tên là Alexandra. Kế hoạch của anh là bắt đầu trị liệu trước khi đứa trẻ chào đời. Nhưng khi con gái được bốn tuần tuổi, một số cảm xúc cũ và sự tức giận lại trỗi dậy.
"Tôi thấy mình nói những điều tồi tệ về con gái trước mặt con trai", anh kể. Cậu bé bảo "Điều đó không tốt đâu, bố".
Bất ngờ khi triệu chứng cũ lặp lại, nhưng anh không phớt lờ hay cố gắng che giấu cảm xúc với vợ. Nhờ trị liệu, anh đã kiềm chế tốt hơn những suy nghĩ tiêu cực và tin mọi thứ sẽ tốt hơn.
Nhật Minh (Theo psycom)