Các nhà khoa học Mỹ và Nga dưới sự tài trợ của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ đang khai quật một khu trại trên hòn đảo gần Bắc Cực để tìm hiểu xem thủy thủ đoàn của một chiếc tàu chiến làm cách nào đã sống sót được sau khi bị chìm tàu tại khu vực khắc nghiệt và lạnh giá này cách đây 200 năm.
Năm 1813, chiến hạm Neva của công ty Nga – Mỹ chìm gần đảo Kruzof thuộc bang Alaska, Mỹ. Những người sống sót đã cố gắng chống chọi thời tiết lạnh giá của mùa đông và tình trạng thiếu thốn trăm bề để sinh tồn trong gần một tháng.
Tàu Neva chở khoảng 75 người và nhiều loại hàng hóa – bao gồm súng và lông thú – rời thành phố cảng Okkhotsk, Nga để tới Sitka vào tháng 8/1812. Các thủy thủ đã chống chọi với bão tố trong điều kiện thiếu nước và đau ốm trong suốt ba tháng, khiến 15 người thiệt mạng, trước khi một cơn bão làm hỏng cột buồm của tàu.
Họ trú tạm tại eo biển Hoàng tử William thuộc bang Alaska một thời gian trước khi quyết định di chuyển về phía đông để tới Sitka, thành phố nằm ở phía nam Công viên Quốc gia Vịnh Glacier ngày nay. Nhưng khi tới gần đảo Kruzof và chỉ còn cách đích vài km, tàu đâm phải đá ngầm và bị chìm, khiến 32 người thiệt mạng, 28 thành viên thủy thủ đoàn bơi được vào bờ. Trong số những người sống sót, chỉ hai người chết trước khi lực lượng cứu hộ tới gần một tháng sau đó.
Từ những câu chuyện truyền miệng của thổ dân Tlingit, McMahan và các đồng nghiệp của ông đã tìm ra khu vực mà các thủy thủ sống sót cắm trại gần bờ biển. Vị trí đó khá gần nơi tàu Neva chìm. Họ tìm thấy nền lò sưởi, đá lửa, đạn súng hỏa mai, lưỡi câu bằng đồng và một cây rìu Nga. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng có thể hiểu về chiến lược tìm kiếm thức ăn của thủy thủ đoàn qua dấu vết thức ăn mà họ bỏ đi.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy thủy thủ đoàn rất năng động trong việc tìm cách sinh tồn và tận dụng mọi thứ có thể từ chiếc tàu đắm.
Họ lấy mảnh đồng chế thành lưỡi câu, đánh đá lửa vào thép để nhóm bếp, mài đạn bi của súng hỏa mai cho vừa với cỡ nòng của loại súng nhỏ hơn. Tất cả những đồ vật này đều thể hiện khả năng ứng biến để sinh tồn của họ, và chúng không có bất cứ thứ gì thể hiện lối sống định cư như đồ sứ, thủy tinh hay các vật dụng khác.
"Những đồ vật mà nhóm thủy thủ bỏ lại giúp chúng tôi dựng lại hoàn cảnh sống của họ vào tháng 1/1813, và có thể giúp chúng tôi hiểu những biện pháp giúp họ sống sót để chờ lực lượng cứu hộ trong môi trường lạnh lẽo và xa lạ", tờ Live Science dẫn lời Dave McMahan, một nhà khảo cổ và thành viên của Hiệp hội Lịch sử Sitka, tuyên bố.
"Toàn bộ hiện vật cho thấy sự sáng tạo trong tình huống hiểm nghèo", McMahan nhận định.
Nhóm nghiên cứu không thấy bất kỳ ngôi mộ nào, một phần do họ tránh xáo trộn hiện trường quá nhiều, và khu vực này cũng là nơi quan trọng đối với thổ dân Tlingit.
Trước khi chìm xuống vùng biển Alaska, Neva là con tàu khá quan trọng. Nó thuộc hạm đội từng giúp Nga đánh bại thổ dân Tlingit vào năm 1804, một sự kiện dẫn tới sự ra đời của thành phố Sitka. Các nhà khảo cổ đã khai quật khu trại của thủy thủ đoàn trên tàu Neva trong hai năm qua và sẽ tiếp tục công việc trong năm sau.
Việt Phong